Dành dụm cho ai?

19/04/2015 - 17:20

PNO - PN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Tôi lấy chồng được bốn năm, có một con trai ba tuổi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi và anh tình cờ gặp nhau ở đám cưới, giờ tôi mới thấm thía khi quá tin vào một người bạn làm mai mà vội vàng đồng ý lấy anh. Là thầy giáo, bề ngoài trông anh có vẻ nho nhã, có văn hóa, nhưng lấy nhau, tôi mới biết chồng nghiện cờ bạc, bao nhiêu tiền tôi dành dụm những mong có chút vốn liếng, anh ta đem cá cược hết.

Khi máu bài bạc nổi lên, anh ta là người đàn ông ích kỷ, không cần biết đến vợ con, gia đình. Đánh bạc bằng tiền lấy cắp của gia đình hết, anh ta mang luôn lương tháng chưa lãnh ra đánh. Đến tháng, bạn anh ta đến chờ sẵn ở cổng trường, đợi lãnh lương ra là lột sạch.

Vợ vất vả buôn bán kiếm từng đồng xu, chồng tôi chẳng quan tâm, con đau ốm cũng mặc kệ. Tôi phải đi làm giúp việc nhà thêm cho người ta, thì anh ta kiếm cớ ghen tuông. Có lần anh ta đến tận nhà chủ, lớn tiếng cự cãi, lôi tôi về, đánh chửi rồi bắt tôi uống thuốc sâu để chứng tỏ tôi không có tình ý gì với chủ nhà. Tôi sống trong nhục nhã, không ngẩng mặt lên được.

Nhìn từ bên ngoài, tôi thua kém chồng tôi vì tôi chỉ là dân lao động chân tay, hình thức cũng bình thường, còn anh ta thì chải chuốt. Nhiều lúc tôi cảm thấy cuộc sống như tù ngục, nhưng mở miệng ra đòi ly hôn là anh ta mang dao ra dọa giết.

Thói quen cờ bạc đã trong máu, không thể sửa đổi, anh ta lại ghen tuông và luôn đòi quản lý vợ, trong khi vợ đói no không cần quan tâm. Thực sự tôi không biết phải làm sao để thay đổi cuộc sống này, dù tôi đã cố gắng làm lụng, để dành và chịu đựng chồng rất nhiều.

Trần Thị Thành (Bình Phước)

Danh dum cho ai?

Chị Thành thân mến,

Có lẽ, chính sự chênh lệch về hình thức, về trình độ, về nghề nghiệp đã khiến chị không dám vùng lên cắt đứt sợi dây đang trói buộc đời mình. Cũng chính những yếu tố ấy đã cho chồng chị suy nghĩ rằng anh ta có quyền, vì anh ta “cao” hơn vợ, nghề nghiệp đáng trọng hơn, hình thức sáng sủa hơn, có văn hóa hơn.

Bốn năm qua chị đã thấm thía nỗi niềm “ở trong chăn mới biết chăn có rận”: những thứ đẹp đẽ kia chỉ là cái vỏ ngoài, còn cái ruột bên trong là tính cờ bạc, là ghen tuông ích kỷ, là sự thô lỗ. Sống với người như thế, chị dành dụm cho ai? Có dành dụm được hay không? Hay rồi đến một ngày nào đó chính món tiền dành dụm ấy lại là nguyên cớ cho lòng tham, cho máu mê cờ bạc, cho những trận đòn để bắt chị đưa tiền, và có thể còn tệ hại hơn, như cái lưỡi dao đe dọa kia?

Trong thư, chị chưa nói đến chuyện đứa trẻ ba tuổi. Cháu sống ra sao giữa những trận đòn bố đánh mẹ? Bản thân đứa bé suy nghĩ gì, cháu sẽ trở nên sợ hãi khiếp đảm hay trở nên chai sạn đi trước một cuộc sống gia đình bạo lực như vậy? Nếu nghĩ đến con, chị nên sớm tìm cách giải quyết. Đừng để mọi chuyện diễn biến đến mức không thể cứu vãn nổi.

Cách cư xử của anh ta tiềm ẩn mầm mống bạo lực. Đó là điều chị nên lưu ý, tránh né, phòng thân. Khoản tiền nào đó ít ỏi dành dụm được, chị nên giữ thật kín, hoặc gửi nhờ người tin cẩn. Đó là khoản dành dụm cho mình, cho tự do, cho tương lai, chứ không phải dành dụm cho chiếu bạc. Có chút vốn liếng, chị sẽ dễ tính cách khác để tồn tại.

Khi đã quyết định ly hôn, chị nên chuẩn bị các điều kiện để sinh sống, làm việc nuôi con và tránh khỏi bạo hành. Chị có thể đến hội phụ nữ xin giúp đỡ, đừng ngại phải phơi bày sự thật. Khi đã quyết định đưa đơn, chị cần có thêm người trong nhà, bên cạnh mình, để giúp bảo vệ chị.

Nhiều người phụ nữ trong hoàn cảnh chị đã quyết định dứt bỏ, trốn lánh hẳn, để tự do làm lụng mà nuôi con. Mình đã biết mình vội vàng chọn lầm người, thì không cớ gì không sửa chữa sự vội vàng, lầm lẫn ấy. Chúc chị mạnh mẽ hơn để tìm lấy lại được cuộc đời của mình.

HẠNH DUNG 
 hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI