Đánh đồng đột quỵ với trúng gió, nhiều bệnh nhân bị tước mất cơ hội sống

31/12/2020 - 06:39

PNO - Khi bị đột quỵ, bệnh nhân thường nghĩ “trúng gió” nên nhập viện chậm trễ, dẫn đến mất thời gian vàng điều trị.

 

Bệnh nhân L. 5 lần đột quỵ
Bệnh nhân L. đang được bác sĩ kiểm tra trước khi xuất viện

Bệnh nhân 21 tuổi đã 5 lần đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cảnh báo: Trước đây, đột quỵ xảy ra chủ yếu ở người lớn (60 – 70 tuổi); nhưng gần đây bệnh tấn công cả người trẻ, khi mới 30 – 40 tuổi. Thậm chí, có bệnh nhân mới 18 tuổi đến 2 lần đột quỵ. 

“Chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân nữ mới 18 tuổi, nhà ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị cường giáp gây ra rối loạn nhịp (rung nhĩ) và xảy ra cơn đột quỵ. Lần đầu bị đột quỵ, bệnh nhân ngỡ trúng gió nên để yếu nửa người mới nhập viện. Lần thứ 2, bệnh nhân bị đột quỵ khi đang nằm ở một bệnh viện để chữa bệnh cường giáp. Nhưng bác sĩ điều trị lại không phát hiện sớm cơn đột quỵ nên các biện pháp can thiệp trong khung giờ vàng bị vô hiệu. Cuối cùng, bệnh nhân sống quãng đời còn lại của tuổi trẻ với tình trạng yếu liệt nửa người” – bác sĩ Quang nhớ lại.

Mới 21 tuổi, Bùi Tấn L. (nhà ở phường Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai) đã 5 lần xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua. Lần gần đây nhất, em phải nhập viện cấp cứu.

L. kể, khi đang ngồi trong lớp học, bỗng nhiên em bị tê nửa người, tay không điều khiển được và miệng nói đớ, cảm giác như bị trúng gió. Nhanh trí phát hiện cơ thể không bình thường; L. nhờ bạn bè đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu.

Các bác sĩ vội vã cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ nhưng có khả năng tự tái thông sau khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tương tự hoặc nặng hơn, em phải uống thuốc thường xuyên để phòng ngừa căn bệnh này. 

L. nhớ lại, vào năm 2017, khi đang học lớp 12, L. bị cao huyết áp. Sau đó, em xuất hiện cơn đột quỵ thoáng qua lần đầu vào khoảng giữa năm 2018 sau giấc ngủ trưa.

“Khi ngủ dậy, em không nói được, tê nửa người và té ngã. Nhưng chỉ một lúc sau, em lại tỉnh táo bình thường nên chủ quan không đến bệnh viện khám. Sau đó, 3 lần tiếp theo, khi đang đi xe máy, em cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự (tê người, không nói được) và cũng tự khỏi khi em tấp xe vào lề nghỉ ngơi một lúc. Còn lần này là nặng nhất, em mới nhập viện" – L. kể.

Đừng đánh đồng bệnh đột quỵ với “trúng gió”

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thành - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếc nuối: “Nhiều người dân khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ não lại nghĩ do trúng gió. Thay vì đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức, họ lại cạo gió, bấm huyệt.

Chỉ khi bệnh nhân nặng hơn, họ mới đưa đi cấp cứu. Có ngày, chúng tôi cấp cứu tới 4 ca đột quỵ não nhưng đều sau 6 tiếng, quá thời gian vàng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Hậu quả, bệnh nhân không thể hồi phục, bị liệt hoàn toàn”.

Theo các bác sĩ, trúng gió là cách gọi dân gian dành cho người bị chóng mặt, xây xẩm, mệt mỏi, thậm chí lăn ra ngất xỉu nhưng sau khi nghỉ ngơi sẽ tỉnh lại. Còn đột quỵ sẽ dẫn tới liệt yếu người, nói đớ...

Bác sĩ Thành cho biết, các khảo sát gần đây cho thấy, người bị đột quỵ ngày càng trẻ và số lượng tăng lên không ngừng. Nguyên nhân do đời sống vật chất tăng cao, nhiều người sử dụng thức ăn có chất dinh dưỡng cao nhưng không có chế độ tập luyện thể dục. Hơn nữa, người trẻ còn sử dụng rượu, bia hoặc bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường sớm mà không phát hiện, chữa trị.

Chưa kể, phụ nữ hiện nay sử dụng thuốc tránh thai lâu dài cũng có nguy cơ tạo huyết khối, dẫn đến cơn đột quỵ. Người bị đột quỵ nếu không điều trị kịp thời sẽ đối mặt với nhiều biến chứng: ăn qua ống sonde gây ra viêm phổi; liệt nửa người lâu ngày dẫn đến lở loét; suy dinh dưỡng và trầm cảm. Có đến hơn 50% bệnh nhân bị biến chứng do căn bệnh này đều mắc thêm trầm cảm.

Bác sĩ Nguyễn Đình Quang cũng cho rằng, bệnh đột quỵ là hậu quả của các bệnh khác đưa tới chứ nó không tự xảy ra. Bệnh cạnh đó, nhiều người vẫn còn quan niệm bệnh đột quỵ chính là trúng gió. Từ đó, họ thực hiện những cách sơ cứu sai như: châm vào đầu ngón tay để nặn máu, cạo gió… Điều này làm giảm cơ hội phục hồi cho người bệnh vì thời gian là yếu tố quyết định sự sống còn của bệnh nhân.

Một số biểu hiện của bệnh đột quỵ

- Gương mặt: Đột ngột mất cân đối, méo
- Cánh tay: Yếu hơn; không cầm, nắm được
- Ngôn ngữ: Giọng nói khác thường, nói ngọng, nói đớ hoặc không nói được
- Thời gian: Xác định thời gian bệnh nhân bị bệnh và thời gian sớm nhất để cứu bệnh nhân

Ngay khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ, nếu bệnh nhân còn tỉnh cần đưa ngay tới cơ sở y tế có đơn vị điều trị đột quỵ. Nếu bệnh nhân trong tình trạng nặng: ngưng tim, ngưng thở cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Gia Huy

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI