Đánh con thô bạo vì con đòi… ở với mẹ

23/10/2021 - 06:00

PNO - Dù tòa giao con cho ai trực tiếp chăm sóc, thì quyền làm cha làm mẹ của người còn lại cũng phải được tôn trọng, bảo đảm.

Chiều 12/10/2021, người dân đường 22/12, P.An Phú, TP.Thuận An (Bình Dương) nghe tiếng gào khóc thất thanh của một bé trai đang cự tuyệt, lăn lộn ở vỉa hè khi một người đàn ông tìm mọi cách xốc cậu để chở đi. “Con không đi, con ở đây với mẹ” - cậu khản tiếng kêu la.

Người đàn ông khống chế, ôm cậu bé không được, đã đánh cậu, bất chấp sự can ngăn của người đi đường. 

“Bắt cóc, cứu em con với, ai gọi mẹ con giùm, ai gọi giùm công an tới đi…”, chị của cậu bé van cầu trong hoảng sợ và bất lực (chị cùng mẹ khác cha của cậu bé). Nhiều người xúm lại phản đối hành động của người đàn ông, sau một hồi bị quăng quật, cậu bé đã bật dậy, vùng chạy… 

Cậu bé là Dương Huỳnh T., mới mười tuổi nhưng đã nhiều năm sống trong “cuộc chiến” giành con của cha mẹ (là ông Dương T. và bà Huỳnh Thị T.). Ông bà sống với nhau không đăng ký kết hôn và đã chia tay sau vài năm.

Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng của hai người và tòa đã giao cháu T. cho ông T. trực tiếp nuôi dưỡng. 

Một trong những căn cứ mấu chốt để giao con cho ông T. là lời khai của cháu T. ở tòa: “Ba thường chăm sóc con. Con sai thì ba mới phạt con chứ ba đâu có đánh bậy. Ba thường dạy học cho con. Con thấy ba rất thương con nhưng mẹ con không thương con… Con không đồng ý ở với mẹ”.

Bà T. cho rằng con viết nội dung như thế vì sợ ba đánh, chứ thật lòng con muốn sống với mẹ.

“Ông là người lớn mà ông làm vậy coi được hả?” - bà con hàng xóm và người đi đường xúm lại can ngăn ông T., bảo vệ cháu T.

“Ông là người lớn mà ông làm vậy coi được hả?” - bà con hàng xóm và người đi đường xúm lại can ngăn ông T., bảo vệ cháu T. ( Ảnh chụp từ clip)

Vào tháng 5/2021, bà T. gửi đơn kêu cứu đến Báo Phụ Nữ TP.HCM trình bày tình trạng cháu T. bị ba ngược đãi và bạo hành. Theo bà T., ông T. áp dụng kỷ luật thép, nói rằng rèn cho con tính tự lập nên đánh con rất nhiều, sai con đạp xe đi lượm cơm thừa về cho ngựa ăn (ông T. có nuôi một con ngựa).

Ông T. thường đi vắng, kể cả qua đêm để cháu T. ở nhà một mình không an toàn, không được ăn uống đầy đủ, nhiều bữa bị bỏ đói. 

Điều khiến bà T. bức xúc là ông T. thường kiếm chuyện mắng chửi, gây gổ khi bà đến thăm con. Cháu T. dù đói cũng không dám ăn cơm hay quà bánh do bà đưa tới, ngay cả khi ông T. đi vắng.

Ngày 18/5, trước sự chứng kiến của phóng viên, bà T. đem sữa, thức ăn con ưa thích đến, nhưng cháu T. liền lẳng lặng mang ra trả lại, đặt cạnh chiếc xe của bà rồi chạy vào nhà. Bà T. tức tưởi kể: “Trưa rồi không có cơm ăn, đói mà con không dám lấy đồ ăn từ mẹ, sợ bị ba về đánh. Con cứ lấm la lấm lét nhìn hai cái camera ba gắn, không dám nói với mẹ vì camera có ghi âm. Có khi may mắn gặp con ở đầu hẻm, tôi đưa cho con ăn, con nhìn trước ngó sau, cảm thấy khá an toàn, mới “ngốn vội”. Tôi có cuộc sống no ấm, đầy đủ, lại cũng ở gần đây thôi mà con tôi như vầy, có đau lòng không chứ?”. 

Cũng có khi bà T. nói bà không dám qua thăm con vì sợ sự xuất hiện của bà, và đồ ăn bà đưa tới sẽ khiến con bị đánh. Bà T. quan niệm, ba hay mẹ trực tiếp nuôi con đều được, chỉ là đừng ai cản trở người kia thăm nom chăm sóc hay tạo áp lực tiêu cực lên tinh thần và thân thể con trẻ.

Bà T. kể, bà đến đưa đồ ăn rồi thui thủi xách về khiến nhiều bà con gần đó bức xúc. Có người còn bày bà lên tòa nộp… “đơn xin nấu cơm cho con mình ăn”!

Phóng viên liên hệ Trường tiểu học An Phú 2, thầy Phạm Văn Tuân, giáo viên chủ nhiệm lớp của cháu T. năm học 2020-2021, cho biết: “Em T. học tốt, hoàn thành xuất sắc chương trình lớp Bốn, giao tiếp với thầy cô bạn bè bình thường”.

Trả lời về có hay không việc cháu T. bị bạo hành và bỏ mặc, một đại diện của UBND P.An Phú trả lời: “Qua nhiều lần UBND và Công an P.An Phú phối hợp xác minh, cả ông T. và cháu T. đều không công nhận những thông tin như bà T. trình bày. Cháu T. nói khi cháu không nghe lời, ba có la có đánh để dạy cháu thôi”. 

Thật khó chấp nhận nguyên lý “dạy bằng roi vọt” - một cách thỏa hiệp với bạo lực gia đình khi mà hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, trẻ em đã được bảo vệ bằng rất nhiều văn bản, điều luật… Điều tệ hại là nạn nhân, một mầm non phải được nâng niu, bảo vệ lại thừa nhận người lớn có quyền phạt đòn khi em mắc lỗi.

Qua nhiều tháng giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, việc địa phương tổ chức cuộc hòa giải để tìm tiếng nói chung giữa ba và mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục cháu T. và thấu hiểu nguyện vọng thực sự của cháu… đến nay chưa thực hiện được.

Mâu thuẫn, căng thẳng của hai người lớn ngày càng sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con trẻ.

Ông T. kéo lê cháu T. trên lề đường, trước cửa nhà bà T., ngày 12/10
Ông T. kéo lê cháu T. trên lề đường, trước cửa nhà bà T., ngày 12/10 ( Ảnh cắt từ clip)

Tháng 9/2021, cháu T. sang nhà mẹ ở vì ba đi cách ly tập trung. Trở về, ông T. đã đến nhà bà T. la lối, đòi đón con về trong khi cháu T. khiếp sợ, trốn trong nhà. Bà T. kể, có khi con đang đánh cầu lông với bạn nhỏ chung xóm, nhác thấy ba đến, cháu vứt vợt chạy biến vào nhà, khóa cửa lại.

Sự việc ầm ĩ xảy ra ngày 12/10 vừa qua là một trong nhiều lần ông T. đến đón con nhưng con không hợp tác.

Không thể kéo dài tình trạng giằng co này và xuất phát từ mong muốn cũng như sự phát triển toàn diện của con, bà T. tiếp tục nộp đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con đến Tòa án nhân dân TP.Thuận An.

Mong hội đồng xét xử sớm có phán quyết công tâm, đa chiều trên cơ sở cân nhắc tất cả chứng cứ. Tuy nhiên, việc tòa giao con cho ai trực tiếp chăm sóc thì quyền làm cha làm mẹ của người còn lại cũng phải được tôn trọng, bảo đảm. Đó cũng là điều kiện cần thiết để con trẻ được bình an và phát triển. 

Tô Diệu Hiền

“CON CƯƠNG QUYẾT Ở VỚI MẸ”

Trước đây, con viết lời khai ở với ba do ba dặn con như vậy, con không dám cãi lại, sợ ba đánh. Khi con ở với ba thì không được tốt đẹp, ba đánh con hoài. Có khi đánh bằng tay, có khi đánh bằng roi, dây, chổi… Con đau lắm.

Mẹ đem đồ ăn đến, con muốn ăn nhưng không dám ăn, ăn vô hoặc bỏ vào tủ lạnh sẽ bị ba phát hiện, la đánh. Con không biết cách che màn hình hay tháo dây điện của camera, sợ ba về đánh thêm.

Mấy tuần nay, con ở với mẹ được sung sướng, vui vẻ. Việc học cũng thuận lợi, bình thường. Con làm gì sai, mẹ có la nhưng không có đánh. Ba gọi điện thoại, con không nghe, vậy là ba chửi mẹ không cho con nghe điện thoại. Bây giờ con sợ gặp ba, con cương quyết ở với mẹ.

Bé Dương Huỳnh T. 

 

Do mẹ “đầu độc” con mới không chịu về!

Để có thông tin hai chiều, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông Dương T. (P.An Phú, TP.Thuận An, Bình Dương) về vụ việc.

Phóng viên: Sự việc xảy ra ngày 12/10 đã được quay clip lưu lại, ông xác nhận như thế nào, ông đã đánh con phải không?

Ông Dương T.: Tôi chỉ giữ con chứ không đánh. Khi nó hét dữ quá tôi mới tát nó. Con tôi lâu nay rất ngoan, chưa bao giờ như vậy. Bà T. dạy sao mà sau khi đủ ngày cách ly, tôi tới đưa con về, nó lấy chổi đánh tôi, tôi rất đau lòng. Không thể nào ba đi vắng mới mấy ngày, con đã thay đổi tính nết vậy được.

Bà T. đã cách ly hoàn toàn tôi và thằng nhóc. Mấy ngày trong trại cách ly tập trung, tôi gọi điện thoại muốn gặp con, bà T. không cho nghe. Tôi đã cảnh báo, nếu bà T. không giao trả con cho tôi, tôi sẽ tố cáo bà về việc bắt giữ con trái pháp luật. 

* Khi phạt con, ông có từng dùng hình thức đánh con không? 

- Con mắc lỗi nhiều lần, lặp lại, nói không nghe, tôi mới phạt chứ tôi không hở chút là phạt con. Tôi có đánh vô mông nó, đánh bằng cán chổi. Tôi đánh vậy ăn nhằm gì, đúng không? Mình hiện giờ là văn hóa của Việt Nam chứ không phải văn hóa Tây!

* Ông cho rằng con không chịu về với mình là do tác động của mẹ?

- Tôi nghĩ chỉ khi bị mẹ “đầu độc”, con tôi mới có biểu hiện như vậy. Trong mười mấy ngày qua, bà T. đã dùng thủ đoạn nào đó khiến thằng con tê liệt ý chí, nó mới không chịu về. Có thể bà T. đã nói rằng COVID là chết, nên đừng về với ba để tránh lây nhiễm hay nói gì đó khiến con sợ. Chứ tình cảm cha con tôi rất khắng khít, một tay tôi nuôi con từ nhỏ.

Tôi nuôi dạy rất chuẩn, không dạy bậy. Tôi tập cho con tự lập từ nhỏ: tự chạy xe đạp đi học, tự lau nhà, rửa chén, phơi đồ, học bài… Giờ qua nhà mẹ, mẹ nó sẽ cho nó chơi game, khỏi làm việc. 

Về việc con tôi nói “trước kia ba dặn khi tòa hỏi thì phải trả lời là con muốn ở với ba”, tôi không bao giờ dặn điều gì, mẹ nó dặn thì có. Trước giờ, trên đường đi học ngang qua nhà mẹ, nó cũng không ghé. Bởi mẹ có những hành động không thể chấp nhận được, nó đã chứng kiến và ăn sâu vào tiềm thức. 

Một tay tôi nuôi con từ nhỏ, bà T. không hề ngó ngàng, không thèm quan tâm con, xem như đã bỏ con. Khoảng một năm nay, tự nhiên bà T. quan tâm thái quá. Bất kể giờ giấc, kể cả giờ ngủ, bà cũng qua gõ cửa đòi gặp con, tôi mới bực mình…

* Theo ông thì vì sao cháu T. từ chối thức ăn của mẹ kể cả lúc ba đi vắng hay đói?

- Con nó từ chối đồ ăn mẹ đem qua là do mẹ nấu quá dở. Một phần tôi ngăn cản là vì con đã lớn như vầy mà mẹ còn đút từng muỗng. Không có chuyện con sợ tôi nhìn thấy qua camera. Tôi không ác đến mức độ không cho nhận, nhưng tự đứa trẻ cảm thấy không thích.

Khi đi vắng, tôi luôn để tiền sẵn ở nhà, có gì cần, con có thể đi mua. Vì chỉ có hai cha con nên thường ra ngoài ăn, không nấu nướng. Trong thời gian giãn cách này thì phải ăn ở nhà thôi. Tôi trình độ đại học, đang làm nghề tự do, tôi có thể làm bất cứ việc gì hợp pháp để nuôi con.

Vì công việc, tôi có đi khỏi nhà nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ là tôi về. Không bao giờ có chuyện tôi không ngủ ở nhà, bỏ con ngủ một mình như bà T. nói.

* Xin cảm ơn ông! 

H.N. (thực hiện)

 

Ưu tiên quyền chọn lựa của đứa trẻ!

Về quyền của cha mẹ đối với con cái sau khi ly hôn được quy định tại điều 81, 82, 85 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Sau khi ly hôn, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi theo quy định của pháp luật.

Người không trực tiếp nuôi dưỡng con có các quyền và nghĩa vụ quy định tại điều 82: 

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Về hành vi bạo hành con cái, tùy theo mức độ mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và gây tổn hại đến các thành viên trong gia đình thì:

Người có hành vi bạo lực phải tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng và chấm dứt ngay hành vi bạo lực, phải nghiêm túc chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc xử lý hành vi bạo lực.

Thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng tổn thương của nạn nhân như: đưa đi điều trị, chăm sóc nạn nhân và bồi thường thiệt hại nếu nạn nhân có yêu cầu.

Trường hợp trên, người mẹ có quyền đưa con về chăm sóc trong thời gian người cha đi cách ly tập trung để điều trị bệnh, xâu chuỗi sự việc thì người mẹ có thể để con lại chăm sóc cho ổn định tinh thần, quyền lựa chọn của đứa trẻ là ưu tiên, nhằm đảm bảo tinh thần và sức khỏe.

Về việc thay đổi quyền nuôi con, người mẹ cần thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Luật sư Võ Thị Anh Loan
(Công ty Luật GOLD KEY, Q.3, TP.HCM)


 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI