Đánh cắp tình thương

25/09/2014 - 06:15

PNO - PN - Ba tôi nằm bệnh viện cả tuần, một mình mẹ tôi túc trực. Bốn chị em tôi chỉ hùn nhau lo tiền viện phí, rồi tạt vào một lần cho có lệ. Lần tôi vào thăm, chợt nghe loáng thoáng giường bên xì xầm, đại ý là con cái gì mà bất...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ thường trách chị em tôi lạnh nhạt với ba. Nhưng bà cũng chỉ phàn nàn vài câu, chứ không nỡ nặng lời. Bởi lẽ, hơn ai hết - là người trong cuộc, là nạn nhân chính - bà mới là người thấu hiểu tại sao chúng tôi lại oán trách ba ruột của mình.

Bốn chị em tôi ai cũng đã hơn nửa đời người. Chúng tôi chưa bao giờ thấy ba làm một điều gì cho gia đình, chưa bao giờ thấy ông tỏ ra có một chút trách nhiệm. Cuộc đời ông chỉ toàn ăn chơi, làm khổ vợ, khổ con.

Là con gái một gia đình công chức, mẹ quen ba tôi qua mai mối. Nhà nội tôi cũng thuộc hàng khá giả. Ba tôi có tiếng đào hoa, tiêu tiền như nước, hết cặp cô này đến cô khác. Tưởng sau khi lập gia đình, ông sẽ thay đổi, nhưng vẫn chứng nào tật nấy.

Ba mẹ lấy nhau được vài năm thì ông bà nội tôi lần lượt qua đời, của cải để hết lại cho ba tôi. Thay vì dùng của cải ấy dành dụm cho gia đình, hay làm vốn kinh doanh thì ông lại đốt hết vào những cuộc chơi triền miên, mặc kệ mẹ tôi buồn khổ, khóc lóc. Tôi nhớ mãi hình ảnh ngày mình còn bé, mẹ một tay dắt tôi đi thất thểu, tay còn lại ẵm em tôi còn chưa dứt sữa, đi tìm bắt ghen.

Danh cap tinh thuong

Tiền bạc, của cải gia đình phần đội nón ra đi theo mấy cô bồ của ba, phần bị ông nướng hết vào các sòng bài, cuộc nhậu thâu đêm. Mẹ tôi khuyên nhủ cỡ nào cũng không xong. Rồi ba căn nhà mặt tiền của ông bà nội để lại lần lượt tan theo mây khói. Nhà tôi phải dời vào hẻm. Mẹ cắn răng bán đi những món đồ quý giá trong nhà: cái ti vi, cái tủ lạnh, những món đồ cổ, ngay cả bộ nữ trang ngày cưới… Cuối cùng, căn nhà trong hẻm cũng không giữ được, cả gia đình phải dạt ra ngoại thành, cất tạm mái nhà trên miếng đất nhỏ của ngoại.

Mẹ tôi làm thuê làm mướn để nuôi bốn đứa con. Tôi là chị cả, phải bỏ học nửa chừng đi làm phụ mẹ nuôi em. Có những ngày, mấy mẹ con chỉ ăn toàn rau luộc. Gia đình đã đến mức cùng khổ mà ba tôi vẫn không dừng lại. Ông say xỉn triền miên, hễ về đến nhà là tìm cách nã tiền vợ con đi nhậu tiếp. Có tiền đưa thì ông im, không có thì ông làm dữ. Lúc bé, tôi rất sợ mỗi khi ông về nhà. Ông đánh mẹ tôi rất tàn nhẫn, bầm mặt bầm mũi. Có lần, nửa đêm ông đánh mẹ tôi đến gãy xương sườn, phải đưa đi cấp cứu. Những trận đòn ngày bé vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Mẹ tôi, người phụ nữ kỳ lạ, vẫn có thể sống với ba tôi đến cuối đời. Bà làm lụng vất vả, cáng đáng cả gia đình, cắn răng chịu đựng những trận đòn tàn khốc, nuốt ngược những giọt nước mắt tủi nhục. Bà vẫn chờ ông về sau những cuộc phiêu lưu tình ái, vẫn chăm sóc ông sau những cơn say, trong những lần bạo bệnh. Và đặc biệt, bà không hận ông. Chúng tôi không thể hiểu được mẹ.

Chị em tôi vẫn làm nghĩa vụ và trách nhiệm của người con. Chúng tôi vẫn chu cấp tiền cho ba hàng tháng, vẫn lo cho ông một cuộc sống đầy đủ. Nhưng chúng tôi không bao giờ có thể yêu thương hay kính trọng ba, không bao giờ có thể đối xử bằng tình cảm cha con đúng nghĩa. Rất nhiều người bảo chúng tôi rằng ông đã già, thôi thì hãy quên đi quá khứ, hãy mở lòng vì máu mủ ruột rà. Mẹ cũng bảo vậy. Bản thân chúng tôi rất muốn nghe lời mẹ, rất muốn tha thứ, nhưng trái tim chúng tôi như phân thành hai nửa. Một nửa muốn quên hết tất cả, muốn gọi một tiếng “ba” từ đáy lòng, muốn nấu bữa cơm, muốn bưng cho ông ly nước, lấy cho ông viên thuốc, đưa ông đi du lịch cùng con cái, các cháu nội - ngoại… Một nửa còn lại thì đầy oán hận - oán hận người đàn ông tệ bạc, nát rượu, tàn nhẫn, người đã làm khổ cả cuộc đời mẹ tôi, đã đánh gãy răng tôi trong một cơn say, đã vất em tôi mới hơn một tuổi ra giữa sân khi trời mưa…

Sự dằn vặt ấy khiến chúng tôi đau lòng lắm, nhưng bảo chúng tôi quên đi, bảo chúng tôi tha thứ là điều không dễ. Ông đã hủy hoại, đã đánh cắp những giá trị thiêng liêng của tình phụ tử.

 Cẩm Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI