Nhìn trời mưa tôi lại nhớ quê nhà! Cũng tí tách giọt rơi, nhưng mưa ở Lafayette (tiểu bang Louisiana, Mỹ) sao mà khác...
Trời đổ mưa cho nỗi buồn của người xa quê càng thấm thía. Tôi nhớ tiếng mưa ở Việt Nam, nhớ từng giọt thả mình trên mái lá, nhớ tiếng ễnh ương, ếch nhái trỗi nhạc khi trời chưa hết sụt sùi.
Những tháng mưa, tôi thường đưa Đoàn cải lương Minh Cảnh của mình ra miền Trung lưu diễn. Miền Trung mưa ít hơn, khán giả mộ điệu cải lương vẫn ủng hộ nồng nhiệt và anh em nghệ sĩ vẫn kiếm được chén cơm.
|
Nghệ sĩ Minh Cảnh - giọng ca “làm mưa làm gió” trên sân khấu cải lương từ trước giải phóng |
Ngược về thuở thiếu thời, tôi nhớ ánh mắt mẹ đượm buồn lo khi trời đổ mưa mà đống trái cây còn nhiều, khách hàng thưa vắng. Nhà nghèo, con đông, ba mẹ gian nan, tần tảo thức khuya dậy sớm làm lụng để lo cho gia đình áo ấm cơm no. Ba thuê xe chạy taxi từ sáng đến chiều, buổi tối lại tranh thủ mượn xích lô vớt thêm vài cuốc. Là anh lớn trong nhà, tôi sớm bán bưng phụ ba mẹ nuôi đàn em.
Lại nhớ những cơn mưa bất chợt, tôi chở mẹ trên chiếc xe đạp đòn dông, phải tắp vô lề trú mưa, rồi khi trời ngớt hạt lại tiếp tục hành trình. Chỉ bằng chiếc xe đạp, tôi chở mẹ từ Sài Gòn lên tận Lái Thiêu (Bình Dương) vào vườn mua trái cây cho giá rẻ, bán mới có lời. Bận đi hai mẹ con còn thong dong, bận về ràng rịt bao bố trái cây ở phía sau, mẹ ngồi vắt vẻo trên đòn dông xe.
Thỉnh thoảng, tôi hỏi: “Mẹ ngồi có mỏi không?”. Và mẹ hỏi lại tôi: “Con đạp xe có mệt lắm không?”. Hai lượt đi về cả trăm cây số. Có khi đường mưa sình lầy trơn trợt, xe ngã ào. Tôi vội đỡ mẹ rồi mau mau đỡ bao trái cây cho khỏi bị dập.
Mùa nào thức nấy, mẹ bán trái cây miền Đông rồi miền Tây. Tôi thường đội thúng bắp luộc đi bán, cất tiếng rao vang vang các phố phường ngõ hẻm. Nhiều cô chú kéo tôi lại cười, nói: “Mày rao hay quá, mày cứ đứng đây rao tao nghe cho đã lỗ tai. Mày hát cho tao nghe một hồi rồi hãy đi bán tiếp”.
Có khi cô chú đang no bụng vẫn mua bắp để trưa chiều mới ăn. Mua không phải vì thèm trái bắp mà vì tiếng hát, tiếng rao của thằng nhỏ bán bắp. Nhờ giọng rao ngọt êm, tôi luôn bán đắt, cũng kiếm được kha khá tiền cho mẹ.
|
Danh ca Minh Cảnh và mẹ |
Nhà dời từ khu Tân Định Q.1, sang Q.8, TPHCM, tôi được anh Tư Đức gần nhà giới thiệu qua chú Hai Sĩ học ca vọng cổ. Anh nghệ sĩ Văn Được nghe, khen “giọng thằng này ngon à” rồi dắt qua chú nhạc sĩ Ngọc Sáu đàn ca thử vào những giờ cơm trưa. Anh Văn Được mạnh dạn dắt tôi đến giới thiệu với bà bầu gánh Kim Chung. Cánh cửa tổ nghiệp bắt đầu mở ra khi bà gật đầu, nói: “Được rồi, để mai cho thằng bé này lên ca sa-long”.
Thời điểm ấy cuối năm 1960, tôi đã 21 tuổi nhưng người đẹt, đen đúa vì buôn bán khổ cực, ăn uống thiếu thốn; phận nghèo đâu dám có người yêu nên vẻ mặt vẫn ngây ngô. Ai nhìn cũng tưởng tôi cỡ tuổi 14-15 và gọi bằng “thằng bé”. Thậm chí có khi đoàn hát còn rao tôi là “thần đồng Minh Cảnh”.
Đêm đầu tôi ca, khán giả đến rạp xem đông gấp sáu lần lượng khách thường ngày và đêm thứ hai thì khán giả kín rạp, đứng chen chân nhau. Trời thương, cho tôi giọng ca với âm lượng vừa tai của mọi người nên đến với Đoàn Kim Chung, cuộc đời tôi bắt đầu sang trang mới. Gia đình cũng nhờ tôi đi hát mà đỡ chật vật hơn xưa.
Lúc nhỏ, nhiều lần tôi bày tỏ khát khao được đi hát, ba tôi nói: “Tùy các con thích nghề nào thì chọn cho kỹ rồi học cho tốt. Ba không bó buộc các con phải theo ý ba”. Mẹ lại không muốn tôi đi hát. Mẹ nói: “Người ta học chữ trở thành thầy thông thầy ký, được người đời gọi bằng thầy còn nếu con đi hát thì người đời chỉ gọi bằng… thằng kép hát thôi”.
Nói thì nói vậy, chứ khi tôi có cơ may bước vào nghệ thuật và thành danh, mẹ luôn bên cạnh, động viên. Ba mẹ thường nhắc nhở: “Môi trường hát xướng không hề êm đềm. Con ráng kiên nhẫn, nhịn nhục, đừng giận hờn hơn thua với ai nghen con!”. Mẹ thường hỏi tôi thèm ăn gì để nấu cho tôi tẩm bổ nhưng tôi cứ muốn được ăn cơm thường như cả nhà. Cuộc sống từ thuở lọt lòng, vốn luôn thiếu hụt, được no bụng là may, tôi không còn biết mình thèm gì. Có chăng chỉ là thèm được hát, thèm tiếng vỗ tay nhiệt thành của khán giả.
Khi tôi rời Đoàn Kim Chung, tự lập Minh Cảnh kịch đoàn I - II, ba mẹ, bà xã và cả nhà trở thành những nhân viên đắc lực của đoàn, người ca diễn, đánh trống, người kéo rèm, bán vé… Lần tôi lâm nạn khi đu dây bay trên sân khấu biểu diễn kiếm sĩ dơi, phải nằm một chỗ cả tháng trời, cả nhà lại túc trực săn sóc, dìu đỡ, lo thuốc thang.
Đoàn hát và gia đình khuyên tôi hãy nhờ người đóng thế vai trong những pha mạo hiểm vì tôi là linh hồn của gánh hát, có mệnh hệ gì thì mọi người biết sẽ sống sao. Tôi cảm ơn tấm lòng của mọi người nhưng tôi vẫn tiếp tục cống hiến những pha tuyệt chiêu cho khán giả vì khát khao tận hiến cho nghề và vì “sinh mạng ai cũng quý, ai cũng như ai, đâu có gì khác nhau giữa một nhân viên với một trưởng đoàn”.
Năm 2005, tôi sang Mỹ lưu diễn, định đi một thời gian ngắn rồi lại về nhưng hoàn cảnh đẩy đưa, ngày về quê nhà cứ nay lần mai lữa. Đã không được kề bên mẹ, bên vợ… để nắm lấy bàn tay giây phút lâm chung khiến tôi ở tuổi ngoài 80 ray rứt khôn nguôi.
Biết bao giờ tôi được cất câu vọng cổ trên quê cha đất tổ, thăm lại những hội xuân, bến nước, sân đình… từng nhẩm dấu chân qua. Biết bao giờ được về lại góc chợ thân quen nơi có lần “thằng bán bắp dạo” tò mò đứng xem người ta chơi bầu cua cá cọp, quên mua bảy đồng rau về cho mẹ nấu canh, bữa đó về bị ăn mấy roi cho chừa tật…
Danh ca Minh Cảnh
(Tô Diệu Hiền ghi)