Đánh bắt kiểu tận diệt đang làm cạn kiệt cá tôm

24/08/2024 - 06:37

PNO - Kiểu đánh bắt cá, tôm bằng điện, thuốc nổ, lưới siêu nhỏ… đang diễn ra khắp nơi khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, tính đa dạng sinh học trong môi trường ao hồ, sông suối, biển bị hủy hoại.

Không loài nào sống nổi

Tháng Tám, khi nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về vùng Đồng Tháp Mười, người dân vùng Tây Nam Bộ bắt đầu dồn sức đánh bắt cá, tôm. Do cá, tôm ngày càng ít nên người dân tìm mọi cách vơ vét sao cho lợi công, tăng thêm thu nhập. Họ không ngại dùng những phương tiện hủy hoại môi trường.

Đêm 12/8, Công an TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tuần tra, phát hiện nhóm người đi trên 3 xuồng máy, mang theo 3 bộ kích điện và 3 bình ắc quy để chích cá. Công an đã lập biên bản để xử lý các cá nhân, đồng thời thu giữ toàn bộ tang vật.

Chạy xe máy dọc cánh đồng huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, chúng tôi thường xuyên gặp cảnh người dân mang bình kích điện ra đồng. Một người đánh bắt cá ở đây cho biết, năm nay lũ về muộn, cá, tôm ít nên thả lưới cả ngày mà chẳng bắt được bao nhiêu. “Chỉ chích điện mới có đủ cá để bán” - người này vô tư nói. Theo ông, để không bị cơ quan chức năng xử lý, những người chích điện bắt cá thường đi lúc rạng sáng hoặc giữa trưa.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Long An đã phát hiện 129 vụ đánh bắt thủy sản trái phép, tịch thu 112 bình ắc quy, 205 bộ kích điện, xử phạt tổng cộng 124,5 triệu đồng. Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - nói: “Chúng tôi đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý nghiêm hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, lưới dày để khai thác thủy sản, kiên quyết xử lý các vi phạm trong khai thác thủy sản”.

Những ngày này, ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, các thương lái ráo riết săn tìm đặc sản đồng - kể cả cá đồng con - để bán cho các nhà hàng, quán nhậu. Ông Nguyễn Văn Học - nông dân huyện An Phú - lắc đầu ngao ngán: “Cá nhỏ bằng đầu đũa mà người ta cũng bắt. Cứ kiểu này thì mùa sau chẳng còn con cá nào để bắt”. Ông cho hay, để đánh bắt được cá nhỏ, người ta dùng lưới có mắt siêu nhỏ, chích điện hoặc dùng thuốc. Họ dùng loại thuốc có nhãn mác nước ngoài, chỉ cần pha 1 gói nhỏ vào nước, tưới xuống ruộng là cá bị nổ mắt, nổi lên mặt nước.

Trong 2 năm 2022-2023, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang kiểm tra, mỗi năm xử lý trên 100 vụ khai thác kiểu tận diệt thủy sản như sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, hóa chất.

Phá Tam Giang ngày càng vắng cá, tôm

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, kiểu khai thác hủy diệt thủy sản lại rộ lên ở vùng phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến ngư dân lo ngại. Chi hội nghề cá các xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), Điền Hòa, Điền Hải (huyện Phong Điền) đã có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, đề nghị sớm có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.

Công an huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tịch thu các phương tiện của “ngư tặc” trên phá Tam Giang - ẢNH: THUẬN HÓA
Công an huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế tịch thu các phương tiện của “ngư tặc” trên phá Tam Giang - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Phan Văn Ty - đại diện các chi hội nghề cá xã Quảng Lợi - phản ánh, người ta đang đua nhau khai thác thủy sản kiểu cào trìa, cào lươn, giã cào, xung điện... Họ dùng thanh sắt tạo thành hình tam giác, phía sau có một “đụt lươn”, buộc vào cán cào rồi đè sâu vào mặt đất khoảng 15cm, dùng đò gắn 2 máy ngày đêm nạo vét, tàn phá những thảm thực vật trên mặt đất bùn, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Ông Phan Văn Ty cho hay, “ngư tặc” còn tổ chức thành tổ hợp nghề, cùng nhau chống lại các lực lượng tuần tra. Trong khi hành nghề, họ còn phá hoại tài sản của ngư dân như lưới, lừ, nò sáo, khiến ngư dân bức xúc. Ông Phan Đăng Bảo - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lợi - xác nhận tình trạng trên và cho rằng, nguồn lợi thủy sản trên vùng phá Tam Giang có nguy cơ cạn kiệt.

Ngư dân tại chỗ đã phản ứng với kiểu khai thác tận diệt của “ngư tặc” nhưng bị chúng tấn công. Mới đây, ở thôn 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, 2 ngư dân Nguyễn Tần và Phan Phưởi phải vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu do bị “ngư tặc” đánh trọng thương.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho hay, tính từ đầu năm 2023 đến nay, cấp tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản hơn 12 trường hợp với tổng tiền 166 triệu đồng. Ở cấp huyện, lực lượng chức năng của huyện Phú Lộc xử lý 6 vụ, huyện Phong Điền xử lý 12 vụ, huyện Quảng Điền xử lý 25 vụ vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng đầm, phá, chủ yếu là dùng kích điện bắt cá. Công an các huyện Phong Điền, Quảng Điền cũng truy tố hình sự 2 vụ do tái phạm trong lĩnh vực thủy sản.

Thuận Hóa - Thanh Lâm - Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI