Khi tuyển thủ... về nhà
Trên sân cỏ, trên đường đua họ có thể là người hùng nhưng chỉ cần về tới bậc thềm nhà, họ trở về là đứa trẻ bé bỏng thèm được ăn món mẹ nấu, thèm hơi ấm gia đình.
Nhiều người trong số họ rời gia đình từ khi còn rất nhỏ để theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Cho đến khi thành công, số thời gian sinh hoạt cùng đội tuyển còn nhiều hơn số ngày sống cùng bố mẹ. Một cái Tết cùng gia đình, đôi khi cũng trở thành xa xỉ. Trong khi nhiều người hối hả xuôi về nhà, họ lại vác ba lô ra đi, phải rời nhà vào khoảnh khắc người người rộn rã với bánh chưng, nem chua... bên bố mẹ.
Bài 1: 'Bò vàng' Thu Thảo: sau mỗi cú nhảy là quyết tâm chữa bệnh cho bố
|
Lại một cái tết xa nhà
Trước khi lên máy bay sang Thái gặp gỡ câu lạc bộ mới - Muangthong United, Đặng Văn Lâm chỉ có 2 ngày (28 và 29 tết) ăn tết vội. Nghe tin Văn Lâm về lại Hà Nội, căn nhà của ông Đặng Văn Long (chú ruột của Văn Lâm) không lúc nào vơi khách.
“Nhà nhỏ lắm, người hâm mộ đến xin chữ ký, chụp hình rồi đi ngay chứ đứng còn không có chỗ. Lâm hơi mệt nhưng bạn bè của cô chú, anh chị, người hâm mộ ghé sang nên vui vẻ chào hỏi. Cháu mới nghỉ dưỡng ở Nha Trang về, ăn gì không ăn chỉ muốn ăn phở. Chạy đi mua bát phở ngày cuối năm hơi khó vì hàng quán nghỉ cả rồi nhưng cháu muốn ăn nên giá nào tôi cũng tìm mua”, ông Long chia sẻ.
|
Lâm "Tây" bên gia đình chú tại sân bay và dòng nhắn nhủ với người hâm mộ. |
Những năm trước, Văn Lâm hiếm khi đón tết tại Việt Nam. Ông Long kể có một năm, gọi Văn Lâm từ CLB Hải Phòng về ăn tết nhưng Lâm nói thôi vì sợ nhìn đồ ăn thèm, lại ăn nhiều thì tăng cân trong khi mùa giải mới sắp bắt đầu. Thế rồi năm đó, Lâm lủi thủi một mình trong CLB. Ông Long nói Lâm buồn vui cũng dễ biết nhưng có điều cháu ít thổ lộ.
Năm nay, sau một mùa giải thành công của đội tuyển Việt Nam và đang trong thời gian nghỉ, Văn Lâm cho phép mình ăn tết thịnh soạn hơn. “Tôi cứ dọn sẵn mỗi thứ một ít lên để cháu chọn. Mâm cơm cũng đơn giản gồm bánh chưng, giò chả, nem chua rán... Lâm đặc biệt thích bánh chưng nhưng không ăn được nhiều vì sợ tăng cân”, ông Long nói.
|
Văn Lâm bên cạnh bố và bác - NSND Đặng Hùng. |
Trong gia đình Văn Lâm, vì biết cậu muốn tìm hiểu sâu hơn văn hóa Việt nên đều tận dụng thời gian để cả nhà cùng chuẩn bị tết. Riêng ông Long muốn chở Văn Lâm đi lựa cành đào nhưng sợ đông người đến hỏi han nên thôi: “Cháu nói sợ mình đi mọi người lại tập trung đến, ảnh hưởng những người khác nên muốn ở nhà. Cháu chỉ cần ăn bánh chưng là được”.
Trưa 30 tết, ông Long và gia đình đưa Văn Lâm ra sân bay đi Thái Lan. Hành trang của đứa cháu không có gì ngoài bánh chưng, giò chả để mang sang ăn cho đỡ nhớ tết, nhớ nhà. “Lâm buồn khi không được đón tết ở Việt Nam nhưng vì lựa chọn theo đam mê nên phải chấp nhận. Cháu muốn mang bánh chưng đi dù biết không ăn được nhiều nhưng để có không khí ngày đầu năm. Tôi động viên cháu sang môi trường mới cố gắng hòa nhập, thi đấu tốt. Quà cho cháu mang đi cũng chẳng có gì ngoài vài món ăn tết. Vậy mà Lâm nó mừng lắm”, ông Long xúc động.
Một chữ... thương
Trong gia đình, ông Long và NSND Đặng Hùng (bác ruột Văn Lâm) là 2 người đàn ông làm thay vai trò của người bố khi Văn Lâm về Việt Nam. Họ yêu bóng đá và thương cháu vô cùng. Từng bước đi của Văn Lâm từ ngày ở Nga hay khi về Việt Nam, từ ngày khổ cực hay đến khi nổi tiếng cũng đều có gia đình bên cạnh.
“Văn Lâm càng lớn càng điềm tĩnh, chững chạc. Không phải mình khen nhưng có nhiều chuyện không ai dạy cháu cả nhưng nó biết làm sao cho đúng. Thương lắm ý chí của nó những ngày đầu tập luyện, ai cũng chọc ghẹo nói nó là “Nga ngố”, vừa cười ngoại hình vừa cười vì nó ngô nghê nhưng rồi nó cứ im lặng theo đuổi đam mê”, ông Long chia sẻ.
|
Hình ảnh Văn Lâm ngày ấy và bây giờ. |
Nhớ lại ngày bị một thành viên ban huấn luyện Hải Phòng hành hung, nơi Văn Lâm tìm về là nhà chú. “Con về nhà chú nhé! Con không ở đây nữa đâu”, Văn Lâm nói vậy rồi về khi cái chân bị thương. "Tôi tìm cái xô để cháu ngâm chân nhưng chân nó to, phải tìm cái xô lớn hơn. Cháu không nói gì cả nhưng tôi biết nó sợ gia đình lo lắng nên im lặng. Sau này, nhiều lần đau đớn, đói khổ nhưng nó cũng không nói, chỉ tìm về nhà ăn bữa cơm rồi đi”, ông Long tâm sự.
Trên sân cỏ, Văn Lâm chiến đấu quyết liệt để giữ sạch khung thành, nhiều lần khán giả thấy anh lớn tiếng với đồng đội để yêu cầu mọi người tập trung nhưng ngoài sân, Văn Lâm hoàn toàn khác. Trước và sau mỗi trận đấu, việc đầu tiên Lâm làm là gọi sang Nga để nói chuyện với gia đình.
|
Văn Lâm chụp hình cùng bố mẹ và em gái. |
“Lâm rất thương mẹ, thương 2 đứa em. Với bố, cháu ít thổ lộ tình cảm hơn nhưng rất hiếu thảo. Bao giờ cũng đặt gia đình lên trên hết vì cháu nói, gia đình chỉ có một thôi. Nó sống tình cảm lắm. Mình cứ nghĩ một đứa tình cảm như thế lên sân cỏ thì không quyết liệt nhưng ra sân, cháu thi đấu hết mình”, NSND Đặng Hùng nói.
Lâm có khóc nhiều lần trên sân cỏ vì chiến thắng của đội tuyển nhưng ngoài đời, hiếm người thấy được giọt nước mắt ấy vì Lâm sợ mình yếu đuối sẽ khiến gia đình lo lắng. “Lâm có được ngày hôm nay là một hành trình dài. Có khi, cả gia đình đều khuyên cháu nghỉ nhưng nó vẫn nói con làm được, con chịu được. Thấy nó đau, mình xót xa không chịu nổi, còn nó thì cứ cười để gia đình yên tâm. Lâm sinh ra là để dành cho bóng đá. Dù từng bị chê, bị hắt hủi nhưng nhờ những ngày tập luyện đến muốn ngất đi của cháu, giờ đã thành quả ngọt”, ông Long tâm sự.
|
Văn Lâm bên cạnh gia đình trong những chuyến du lịch. |
Với gia đình, Văn Lâm luôn dành những tình cảm ấm áp nhất vì cậu biết rằng để có được ngày hôm nay, tình thương của gia đình dành cho mình quá lớn. “Văn Lâm đã nỗ lực rất nhiều để theo đuổi bóng đá trong một gia đình có khuynh hướng nghệ thuật. Ai cũng thương cháu không phải vì cháu giỏi, không phải vì cháu nổi tiếng mà vì nó sống tình cảm, hiếu thảo. Ngoài xã hội, không cần biết cháu là ai, được tung hô như thế nào nhưng về nhà, Lâm là đứa thương gia đình rất nhiều”, NSND Đặng Hùng chia sẻ.
Diễm Mi