Đằng sau những trang báo buổi đầu của báo chí Quốc ngữ

22/06/2022 - 09:49

PNO - Tác giả Trần Đình Ba vừa cho ra mắt ấn phẩm "Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945".

 

Đằng sau mặt báo được phát hành vào đúng dịp 21/6
Đằng sau mặt báo được phát hành vào đúng dịp 21/6

Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945 tái hiện đời sống báo chí từ thuở ban đầu đến 1945. Mỗi tờ báo được tái hiện trên cơ sở hồi ký, ghi chép của người làm báo từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945.

Tác phẩm gồm hai phần, phần một Đi tìm manchette tờ báo qua ghi chép của người đương thời và phần hai Chuyện sau mặt báo qua ký ức của người đương thời. Cuốn sách ghi chép tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo chữ Pháp, chữ Hán.

Ấn phẩm nhắc đến những tờ báo trong nước: Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tiếng dân, An Nam tạp chí, Hà thành ngọ báo… đến những tờ báo hải ngoại: Cao Miên hướng truyền, Công binh tạp chí… Đồng thời cũng dành một phần nội dung viết về những tờ báo ít thông tin: Bulletin des Communes, Nam Kỳ Hoa kiều nhật báo, Công hội đỏ, Chớp bóng…

Ngoài ra còn có những tư liệu ghi chép của người Pháp như Louis Roubaud với Việt Nam, bi thảm Đông Dương, Claude Bourrin với Bắc kỳ xưa, Đông Dương ngày ấy (1898 - 1908)… Và đề cập đến những tờ báo Pháp ngữ như Le Courrier d’Haiphong, L’Avenir du Tonkin, Les Pages Indochinoise.

Trong ấn phẩm còn có nhiều bài viết các các ký giả thời ấy về chế độ kiểm duyệt báo chí lúc bấy giờ; hoặc nhận định, đánh giá tờ báo cụ thể nào đó trên báo bạn, về ký giả nào đó trong tranh luận văn nghệ… Các nhân vật được chọn in trong sách là các nhà báo: Trương Vĩnh Ký, Đặng Thúc Liêng, Diệp Văn Kỳ, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…; các nhà văn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Anh Thơ…

Những tên tuổi trên văn đàn như Nguyên Hồng (Bước đường viết văn), Vũ Ngọc Phan (Những năm tháng ấy), Nguyễn Huy Tưởng (Đến với văn chương và cách mạng), Nguyễn Vỹ (Văn thi sĩ tiền chiến)… cũng xuất hiện trong tập sách này.

Ấn phẩm cũng bổ sung nhiều chi tiết còn khuyết thiếu trong các tác phẩm nghiên cứu về báo chí Quốc ngữ trước đó
Ấn phẩm cũng bổ sung nhiều chi tiết còn thiếu trong các tác phẩm nghiên cứu về báo chí Quốc ngữ trước đó

Nhiều câu chuyện về hậu trường nghề báo được đề cập trong phần hai cuốn sách với kỹ thuật lấy tin, nhuận bút, giá báo, cách thức cộng tác báo... Những câu chuyện về khó khăn của nghề báo cũng được đề cập, thể hiện ở chế độ kiểm duyệt báo chí, kinh phí xuất bản báo, số lượng bản in, sự tồn tại ngắn ngủi của một số tờ báo vì bị chính quyền thực dân cấm, đình bản, hoặc vì thiếu vốn: Tiếng vang làng báo, Đời mới…

Tác phẩm có những đóng góp về mặt nội dung, thể hiện ở việc xác định lại thời điểm ra đời, kết thúc của một số tờ báo mà những thông tin trong từ điển, thư tịch báo chí, hoặc sách báo chí trước đó bị sai lệch hoặc thiếu. Đằng sau mặt báo cũng bổ sung được thông tin về một số tờ báo trong sách nghiên cứu báo chí còn thiếu. Ví dụ như Đông Tây tuần báo, Học sinh, Phật hóa tân thanh niên, Sống…

Quỳnh Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI