Điên thì có sao với 16 tập phát sóng đã kết thúc nhưng dư âm của bộ phim vẫn còn khi gần đây, những bộ truyện dành cho trẻ em xuất phát từ bộ phim này đang gây sốt trên thị trường.
Nhà sản xuất (NSX) phim đã quyết định xuất bản 5 tập truyện mang màu sắc cổ tích dành cho thiếu nhi với tên gọi: The boy who fed on nightmares, Zombie kid, The cheerful dog, The hand, The monkfish and finding the real face. Hiện, ấn bản này đang nằm trong danh sách 20 đầu sách bán chạy nhất trên kênh Kyobo Bookstore và YES24.
|
Những câu chuyện thiếu nhi mang màu sắc cổ tích có nội dung tàn khốc, kỳ quặc trong "Điên thì có sao" được xuất bản thành sách |
Trong phim, Seo Ye-ji đóng vai Ko Mun-yeong, một tác giả truyện tranh thiếu nhi mắc chứng rối loạn nhân cách. Cô viết những câu chuyện "cổ tích thời hiện đại" có nội dung vô cùng tàn khốc với nhiều chủ đề đen tối và khung cảnh kỳ quái. Đây được xem là một điểm đặc biệt bởi trước nay khi nhắc đến truyện cổ tích, người ta vẫn thường hình dung đến những điều tốt đẹp. Trong Điên thì có sao, những quyển truyện tranh có ý nghĩa đặc biệt, là tiếng nói, sự cầu cứu của nhân vật nữ chính, để những đứa trẻ khác không rơi vào hoàn cảnh như cô.
Hoạ sĩ Jam San là người đảm nhận phần minh hoạ hình ảnh cho những tác phẩm truyện tranh xuất hiện trong phim này. Những bức vẽ u tối, kỳ quặc của anh mang lại sự chú ý nhất định cho phim.
“Tôi thật sự ngạc nhiên khi phim đã kết thúc nhưng khán giả vẫn dành tình cảm nồng nhiệt. Số lượng người theo dõi tôi trên mạng xã hội ngày một tăng. Tôi vẫn nhận rất nhiều tin nhắn bày tỏ sự yêu mến từ những khán giả xem phim” - anh nói.
|
Seo Ye-ji đóng vai Ko Mun-yeong, một tác giả truyện tranh thiếu nhi mắc chứng rối loạn nhân cách trong Điên thì có sao |
Chia sẻ về cơ duyên hợp tác, Jam San nói anh từng quen biết NSX Park Shin-woo trước đây. Năm ngoái, khi nghe thông tin NSX này đang chuẩn bị một bộ phim truyền hình có nhân vật rối loạn tâm lý, anh bày tỏ mong muốn được tham gia để chia sẻ những câu chuyện về thây ma, cổ tích tàn khốc.
Trong những cuốn truyện đầu tiên của Ko Mun-yeong như The boy who fed on nightmares và Zombie kid, họa sĩ đã sử dụng gam màu tối để thể hiện những tổn thương về mặt tinh thần mà nhân vật phải chịu đựng. Sau đó, những câu chuyện dần được phát triển với những màu sắc sống động hơn. Jam San nói, anh muốn dùng hình vẽ, màu sắc để mô tả con người trong việc vượt qua những nghịch cảnh, đau khổ trong cuộc sống.
Jam San cảm thấy tự hào khi những bức vẽ minh hoạ cho những câu chuyện "cổ tích" đầy màu sắc u ám lại trở thành sách bán chạy. “Những cuốn truyện của Ko Mun-yeong từ màn ảnh bước ra đời thật, trở thành sách bán chạy nhất đã mở ra cơ hội cho các họa sĩ, như tôi. Trước đây, các nhà xuất bản rất ngại phát hành những câu chuyện cổ tích độc ác, họ cho rằng những câu chuyện như vậy sẽ không thu hút được nhiều độc giả” - anh nói.
|
Hình ảnh trong tập truyện The boy who fed on nightmares |
Jam San cho biết anh cũng từng vẽ và bán những bức tranh sáng sủa, thần bí hoặc theo trường phái giả tưởng. Tuy nhiên, khi đi qua một giai đoạn xuống dốc trong sự nghiệp, anh bắt đầu thấy chán nản với những điều quen thuộc này.
“Sau hơn 20 năm hoạt động với vai trò hoạ sĩ ý tưởng, trải qua những thăng trầm, tôi nhận ra rằng cuộc sống không hoàn toàn đẹp đẽ. Sau khi sự nghiệp xuống dốc, tôi bắt đầu tìm thấy niềm vui trong việc vẽ thây ma, những truyện cổ tích hiện đại với nhiều uẩn khúc. Tuy nhiên, hình ảnh cũng như những biểu tượng tôi sử dụng vẫn như cách vẽ trước đây” - Jam San nói.
Jam San đang chuẩn bị một tập truyện cổ tích tàn khốc có tựa đề Blood apple cho người lớn. Cuốn sách đầu tiên của bộ truyện Self-inflicted Mermaid sẽ kể về chuyện nàng tiên cá tự huỷ hoại bản thân sau khi không giành được trái tim của hoàng tử. Hoạ sĩ 47 tuổi đang tìm người có thể phát triển ý tưởng này thành một câu chuyện thú vị.
Nói về hướng đi khác biệt của mình, Jam San chia sẻ “Tôi luôn quan tâm đến cảm xúc và thể hiện chúng qua nghệ thuật. Tôi nghĩ nghệ thuật tốt đẹp khác hẳn với nghệ thuật chỉ thể hiện điều tốt. Nghệ thuật tốt đẹp đòi hỏi nghệ sĩ phải biến suy nghĩ, cảm xúc của mình trở thành nghệ thuật” - anh nói.
Nội dung một số truyện cổ trong phim Điên thì có sao:
The boy who fed on nightmares (Cậu bé ăn ác mộng) kể về một cậu bé đêm nào cũng khổ sở vì ác mộng. Cậu van xin ma nữ giúp mình xoá hết những ký ức đau buồn. Nhưng cuối cùng, cậu vẫn không thể hạnh phúc và bị ma nữ đoạt lấy linh hồn.
Theo lời ma nữ, chỉ những ai học cách vượt qua những ký ức đau buồn thì mới có thể tiếp tục cuộc sống và trưởng thành, còn không chỉ mãi là một đứa bé chưa lớn. Đây được xem là thông điệp lớn qua câu chuyện này, khác hẳn với nhiều mô tuýp thường thấy trong các câu chuyện cổ tích xưa là trẻ em sẽ được thiên thần giúp đỡ.
Zombie kid (Nhóc thây ma) kể về cậu bé cả đời cứ như thây ma, chỉ biết ăn nhưng không biết nói. Khi nạn đói kéo đến, mẹ cậu phải hiến thân làm thức ăn cho cậu. Lần đầu tiên chạm vào cơ thể người mẹ, cậu bé thốt lên rằng: “Mẹ ấm quá”. Câu chuyện khiến nhiều người xem xúc động vì đề cao tình yêu thương của gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
The cheerful dog (Chú chó vui vẻ) kể về một chú chó bị cột vào gốc cây, ban ngày vui vẻ chơi đùa cùng đám trẻ nhưng đến đêm lại rên rỉ trong buồn bã, cô độc. Câu hỏi lớn được đặt ra, vì sao chú chó không tự cắn dây để giải thoát, phải chăng bị trói buộc quá lâu đã khiến chú chó quên mất việc tự giải phóng mình.
|
Trung Sơn (theo SCMP)