Trở thành vật thiết yếu trong cuộc sống
Là vật vướng víu đối với nhiều người nhưng lại là hàng phòng vệ tốt nhất trước kẻ thù vô hình nguy hiểm, chỉ trong vài tháng, khẩu trang bất ngờ gia nhập danh sách các vật phẩm thiết yếu của hàng tỷ người trên thế giới.
|
Người bán trái cây 62 tuổi Peda Tuazon luôn thuyết phục mọi người đeo khẩu trang để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 - Ảnh: AP |
Rất lâu rồi mới có một mặt hàng được chấp nhận rộng rãi từ Melbourne đến Mexico City, Bắc Kinh đến Bordeaux, trải dài qua mọi biên giới, văn hóa, thế hệ và giới tính khi dịch COVID-19 lây nhiễm hơn 18 triệu người. Jeremy Howard - đồng sáng lập của # Masks4All, một nhóm vận động hành lang quốc tế ủng hộ thói quen đeo khẩu trang - nhận xét: “Có lẽ chưa bao giờ có sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy trong hành vi của con người toàn cầu”. Nhưng hiếm khi, cũng có thể chưa bao giờ, một vật nhỏ bé lại gây ra sự bất hòa và bất đồng chính trị dữ dội như vậy, nhất là tại Mỹ.
Giống như những thói quen khác của con người, chiếc khẩu trang trở thành tấm gương cho nhân loại. Rất nhiều người, với mức độ nhiệt tình khác nhau, đã thích nghi với sự khó chịu của việc che giấu nét mặt, hơi thở cùng niềm tin mạnh mẽ rằng họ đang hành động vì mọi người, hy sinh cho lợi ích chung.
|
Tatyana Khrupina từ Moscow, Nga nói rằng cô “không thực sự tin” vào độ hiệu quả của khẩu trang - Ảnh: AP |
Marsha Dita, một nhà truyền thông xã hội tự do ở Jakarta, Indonesia, đưa ra một quan điểm ngắn gọn và ngày càng được chia sẻ rộng rãi: "Đây không phải là lúc để ích kỷ”. Tương tự, Hikari Tsunashima ở Tokyo, Nhật Bản, nơi việc đeo khẩu trang đã trở nên phổ biến suốt nhiều năm qua, nói: "Tôi nghĩ mọi người nên đeo khẩu trang.
Nó sẽ cung cấp một số biện pháp phòng ngừa bởi khi bạn bị bệnh, tất cả đã quá muộn".
|
Người bán cá Sante De Luca nói: “Mọi người phải đeo khẩu trang! Đó không còn là sự lựa chọn cá nhân mà là sự tôn trọng người khác” - Ảnh: AP |
Sự tức giận
Tuy nhiên, cũng có những sự kháng cự quyết liệt đối với khẩu trang, đặc biệt là ở các nền dân chủ. Rất nhiều người không thích làm theo yêu cầu của chính phủ và không tin vào các bằng chứng khoa học. Những lời kêu gọi “khẩu trang kiềm hãm tự do” được phát sóng rầm rộ tại các cuộc tuần hành ở Mỹ, Canada, Anh. Ở London, một diễn giả phản đối việc bắt buộc đeo khẩu trang tại các cửa hàng của Anh bằng lập luận: “Người dân chết hằng năm. Điều này không có gì mới".
|
Estelle Fitz tạo dáng trên cầu Westminster ở London (Anh). Cô nói: “Bạn nên đeo khẩu trang vì sự an toàn của mọi người, tôi chắc chắn đó là lý do lớn nhất cho điều đó. Bạn phải nghĩ về những người khác” - Ảnh: AP |
Cuộc tranh luận toàn cầu về chiếc khẩu trang còn được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo chính phủ, những người bác bỏ công dụng của khẩu trang và khuyên dân chúng không nên sử dụng, giữa lúc số lượng tích trữ vật tư y tế thiếu đến mức các nhân viên y tế chăm sóc người bệnh bị lây nhiễm và hy sinh bởi không được bảo vệ đầy đủ.
Đứng đầu trong số những người phản đối khẩu trang là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chỉ đeo khẩu trang ở nơi công cộng sau khi COVID-19 giết ít nhất 134.000 người Mỹ và thay đổi ý kiến 180 độ trong tháng Bảy rằng đeo khẩu trang là một hành động yêu nước.
|
Cụ Eszter Kutas cần mẫn may những chiếc khẩu trang tại căn hộ của mình |
Ngay cả trong các hộ gia đình, ý kiến cũng không thống nhất. Yu Jungyul, một nhân viên chăm sóc sức khỏe trẻ em ở Seoul, Hàn Quốc, nói rằng cô phải thuyết phục mãi, chồng mới chịu đeo khẩu trang. Cô nói: “Chúng ta phải đeo khẩu trang vì người khác, thay vì chỉ cho bản thân chúng ta”.
Chấp nhận vì lợi ích bản thân và cộng đồng
Ở Úc, lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại Melbourne đi kèm với lời cầu xin từ thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrew. Ông Andrew lên tiếng: “Hầu hết chúng ta không thể rời khỏi nhà nếu thiếu chìa khóa hay điện thoại di động. Giờ đây, bạn không thể rời khỏi nhà nếu thiếu khẩu trang”.
Xu hướng chấp nhận cũng được khuyến khích bởi những người nổi tiếng. Nhà sử học thời trang Kimberly Chrisman-Campbell, tác giả Worn On This Day: The Clothes That Made History, giải thích rằng một góc nhìn thời trang có thể lan tỏa toàn cầu trong vài phút nhờ phương tiện truyền thông xã hội. Cô gợi ý rằng, việc những người nổi tiếng (kể cả các chính trị gia) đeo khẩu trang trên ti vi hoặc trên phương tiện truyền thông xã hội sẽ có tác động to lớn. Kimberly nhận xét: “Quyết định đeo hoặc không đeo khẩu trang mang đến cho mọi người ảo tưởng về sự kiểm soát, tại thời điểm mọi thứ dường như vượt quá tầm kiểm soát”.
Nhân viên cửa hàng vải Laure Estiez nói rằng mạo hiểm ra ngoài mà không mang theo một chiếc khẩu trang trong bộ sưu tập khoảng 30 “tác phẩm” tự may của cô là điều “không bình thường”. Tương tự, người bán rau quả Montassar Yoinis nhận thấy rằng những người mua sắm sẽ tự giác tránh xa quầy hàng nếu người bán không mang khẩu trang.
|
Ashley Lawrence và mẹ cô đã làm những chiếc khẩu trang đặc biệt dành riêng cho người khiếm thính |
Nhưng cũng có những vấn đề mang tính thực tiễn. Khẩu trang xem chừng là mặt hàng xa xỉ đối với những người nghèo khổ và đang tạo ra vết lõm đau xót trong ngân sách của những gia đình khó khăn. Wasim Abbas, một dân làng ở Pakistan, cho biết: “Đại đa số người nghèo không thể tiếp cận khẩu trang". Ngoài ra, tại những nơi có nhiệt độ cao, đeo khẩu trang là một cực hình. Ở Lagos, Nigeria, Jibola Costello - một thương nhân đường phố - nói rằng anh phải cởi bỏ khẩu trang vì không thể thở.
Khẩu trang và sự quan tâm
Không chỉ sát cánh cùng những người hùng thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch bệnh: các bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu, tình nguyện viên y tế… chiếc khẩu trang còn là cách thể hiện tình hữu nghị, tình cảm với cộng đồng và những người xung quanh.
Tại Hungary, cụ bà Eszter Kutas 91 tuổi đã may hàng trăm chiếc khẩu trang tại nhà trong mùa dịch. Cháu trai của bà, Jon Kutas, chịu trách nhiệm quảng cáo và phân phối sản phẩm. Phần lớn trong số đó được mua bởi những người hàng xóm. Với giá 10 USD một chiếc, gia đình Kutas quyên góp được hơn 2.000 đô la cho Quỹ cứu trợ COVID-19 tại vùng tây bắc đất nước.
Trong nhiều tuần, cụ Kutas thức dậy lúc 5g sáng và làm việc đến tận đêm. Bằng cách trở nên bận rộn và sử dụng các kỹ năng của mình để giúp đỡ người khác, cụ Kutas nói rằng mình cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn. Cụ Margarita Gil Baro (84 tuổi) từ Cadiz, Tây Ban Nha cũng dành 8 giờ mỗi ngày để cho ra đời hơn 50 chiếc khẩu trang, gửi đến các bệnh viện quanh vùng.
Nếu những người già mong muốn góp sức, thì những người trẻ tuổi càng không thể ngồi yên. Ashley Lawrence, nữ sinh viên năm cuối tại đại học miền đông Kentucky (Mỹ), cùng mẹ dùng vải và tấm nhựa để may những chiếc khẩu trang dành riêng cho người khiếm thính. Nhờ có loại khẩu trang này, họ vẫn có thể nhìn được chuyển động môi của người đối diện để đón nhận thông điệp cần truyền tải.
Có thể thấy, chiếc khẩu trang vốn dĩ chỉ là vật ngoài thân, nhỏ bé nhưng giờ đây đang gánh trọng trách bảo vệ sức khỏe của thế giới, đồng thời phản ánh những giá trị, cảm xúc của nhân loại mà trước đây ít ai chú ý.
Ngọc Hạ