Hai ngày nay, các tài khoản mạng xã hội rần rần chia sẻ và bình về vụ việc bạo hành trẻ tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM). Người nhát gan không dám xem hết, người cam đảm hơn thì giận run, tăng huyết áp, nổi da gà trước những hình ảnh bạo lực kinh hoàng của các "cô nuôi dạy hổ".
|
Một cảnh "sinh hoạt" bên trong lớp mẫu giáo Mầm Xanh |
Đập bất cứ dụng cụ gì trong tay vào các cháu, đập dao chan chát, đạp chân, đấm đá chẳng chờn tay... những con quỷ đội lốt người cho cả xã hội thấy: chúng ta đang buông lơi vòng tay bảo bọc trẻ . Thậm chí, với ngay chính con mình, những bà mẹ như tôi cũng phó mặc thân thể nhỏ bé của con cho sự may rủi, cho sự hiền-ác của người đời.
Nếu bạn có một đứa con bé tí teo đã phải gửi trẻ như tôi, tôi tin bạn sẽ thường trực ước mong được tận mắt thấy một ngày ở trường của con thế nào.
Con ăn thế nào, có hết suất không, chịu ngủ không, có bị cô đánh chửi, miệt thị không?
Tất cả những câu hỏi ấy, lởn vởn, lẩn quẩn trong đầu tôi từ khi đưa con vào lớp và thất thểu rời cánh cửa trường mầm mon.
Khi cánh cửa đó đóng lại, con bạn và con tôi thuộc về một thế giới mà chúng ta không thể kiểm soát. Nếu con học trường công, không có camera, hoặc trường tư quy mô nhỏ, không trang bị camera, bạn sẽ sống những ngày bất an vô cùng.
Nhưng nếu thêm tiền cho con vào trường có camera, bạn phát hiện, những hình ảnh nhòe nhoẹt, câm lặng và những góc đặt máy rất "khôn", luôn né khu hoạt động của các cháu… cũng chẳng cho bạn thông tin nào đáng kể.
Vậy là tôi cũng như bao người, đành tặc lưỡi giao con cho may rủi.
Có người nói, hãy tin vào trường lớp, giáo viên, đừng nhìn đâu cũng có cái ác, cái xấu như thế. Nhưng nếu bạn đưa cái clip ghê rợn kia cho con, và đứa trẻ nói tỉnh queo : "Con cũng bị cô đánh như vậy rồi mà". Thì bạn sẽ hoảng hồn thế nào.
Tôi gửi hai đứa con từ lúc chúng còn tí teo để đi làm. Đứa đầu từ 15 tháng tuổi và đứa sau từ 8 tháng tuổi. Tôi đã cùng các con đến và đi không biết bao trường mầm non, cả công và tư, cả chuẩn quốc gia lẫn nhóm trẻ gia đình. Bây giờ, tôi không còn tin vào nụ cười của các cô giáo khi đón trả trẻ nữa. Nó vô cùng giả tạo.
"Bé học ngoan, ăn hết suất, chị thấy không, chiều nào cũng xinh đẹp, thơm tho, vui như tết", các cô thường nói thế. Vì giờ đón trả trẻ là giờ đối phó với phụ huynh, để các mẹ yên tâm mà đi làm, rồi qua tháng sau yên tâm mà đóng tiền cho con học tiếp.
Nhưng mấy ai phân biệt được niềm vui của con khi nhìn thấy mẹ, được mẹ đón, được về nhà, với niềm vui của đứa trẻ được chơi được học, được ăn trong sung sướng, vui vẻ sau một ngày bận rộn ở trường?
Tôi hay hỏi con trai chuyện ở lớp. Có hôm con phấn khích khoe: "Hôm nay con rất vui vì được cô đánh". Tôi ngạc nhiên: "Chắc con hư nên cô đánh phạt phải không? Nhưng cô đánh thì buồn, chứ sao lại vui?" "Dạ, cô đánh đau, khóc một tí rồi thôi, chứ bị vào toilet tối hù một mình hửi mùi thúi, con sợ lắm. Hôm nay cô phạt 12 bạn, đánh đòn vào tay, vào mông vì dám nói chuyện giờ ngủ trưa. Riêng bạn M.N thì cô không đánh, mà bắt nhốt vào toilet từ trưa tới chiều tan học mới cho ra. Bạn vừa khóc vừa ngủ trong đó".
Tôi nghe con kể chuyện mà nghẹn đắng. Bạn M.N của con có cha là một Facebooker. Anh từng "dằn mặt" trong cuộc họp phụ huynh đầu năm: "Tôi mà nghe con kể bị giáo viên đánh đòn, là các cô nổi tiếng và tôi kiện tận Bộ giáo dục". Nhưng tất nhiên về nhà, bé M.N không bao giờ dám kể điều gì với cha. Vì ngay sau trận đòn hay hình phạt tàn bạo, các cô luôn đe nẹt, tạo bức tường lửa “cấm mách” thần thánh.
Hai đứa con và chuyển trường cho chúng tới lui cả chục nơi, tôi trở nên “dày dạn tâm lý” với chuyện đòn roi và miệt thị của các cô với con. Nhưng tôi luôn thua cuộc khi khai thác thông tin từ con. Vì bài “cấm mách” thần thánh ấy, chúng biết nói dối như cuội, loanh quanh khi trả lời chuyện có bị cô phạt đòn hay không.
Khi các con không nói, tôi đành nhìn những vết bầm, vết xước khi tắm cho con để nghi hoặc sự quá tay của cô giáo. Nhưng nếu bạn đánh hay té ngã, bé ít khi hoảng sợ về tâm lý. Thêm những cơn giật mình trong đêm, sự hốt hoảng khi nghĩ tới việc phải đi học, tôi biết hẳn con “gặp chuyện”.
Vài lần con ngủ đêm đái dầm (dù con tôi hết đái dầm từ lâu), tôi tới trường sớm hơn, bắt chuyện một vài bạn nhỏ trên hành lang. “Hôm qua bạn Minh khó ngủ, bị cô khẽ vào mông phải không con?” thì câu trả lời tôi nhận được sẽ là: “Không phải đánh vào mông, mà dùng tay tát vào má cô ạ. Vì bạn không chịu ăn nhanh. Lúc ấy bạn khóc còn ói hết ra, cô bắt ăn tiếp, rồi bạn ói tiếp…”. Đấy là cách khai thác thông tin của tôi và đã nhiều lần vượt được “tường lửa” của các cô. Khi tôi đối chất, các cô chỉ có thể trả lời loanh quanh. Rồi vì sợ con bị trả thù, trù dập vì tội “dám mách”, tôi sẽ phải tìm nơi học khác cho con.
Cùng con đi học, tôi cũng cùng con lớn lên, dạn dày hơn trong suy nghĩ, vì biết mình thương con đến mấy cũng không thể bảo bọc con suốt cả ngày, vì biết môi trường giáo dục còn quá nhiều bất cập lẫn khó khăn.
Có lẽ, tôi cũng như các phụ huynh đành phải trấn an mình: Nuôi một đứa trẻ đã khó kiềm chế sự bất nhẫn, các cô vừa lương thấp, vừa quá tải, tinh thần không tốt thì dễ sinh bạo lực thôi. Đành xem như cho con va chạm với đời sớm vậy! Chỉ mong con đừng gặp phải những cô quá ác, quá liều!
Nhật Minh