Đang ngủ, người đàn ông bị rắn cạp nia bò lên giường cắn

25/08/2020 - 13:24

PNO - Buổi tối, khi đang ngủ, anh P.T.V. (37 tuổi, ở Lạng Sơn) bị rắn cạp nia bò lên giường cắn vào mạn sườn trái, khiến anh nhập viện cấp cứu.

Cách phân biệt vết răng rắn độc cắn
Cách phân biệt vết răng rắn độc cắn

Ngày 25/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân tên P.T.V., 37 tuổi, bị rắn độc bò vào nhà cắn.

Anh V. kể, khi đang ngủ vào ban đêm, bỗng anh bị rắn cạp nia bò lên giường cắn vào mạn sườn trái. Ngay khi phát hiện bị rắn cắn, anh được đưa đến bệnh viện cấp cứu, may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cảnh báo, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều ca bị rắn độc cắn. Từ đầu năm tới nay, bệnh viện tiếp nhận đến 20 trường hợp, đặc biệt số ca nhập viện tăng mạnh vào mùa mưa.

Theo các bác sĩ, để nhận biết rắn độc cắn và cách sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Với những loại rắn độc phổ biến, người dân có thể nhận ra dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của chúng như: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh ra, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình khúc vàng khúc đen), rắn cạp nia (thân mình khúc trắng khúc đen), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).

Rắn độc thường có 2 răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt với rắn không độc.

Răng của loài rắn độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía họ và gây tổn thương mắt, từ đó gây nhiễm độc toàn thân.

Cách sơ cứu người bị rắn độc cắn

- Cần động viên người bị rắn cắn bình tĩnh, bớt lo lắng. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại khiến nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Bất động chân, tay bị cắn. Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

- Nếu bị rắn hổ mang cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.

- Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

- Không tìm thầy lang, đắp lá thuốc. Không chích rạch vết cắn nếu bị rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch. Không làm các biện pháp khác như: chườm đá, gây điện giật...

- Hướng dẫn kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn cắn: Dùng băng rộng khoảng 5-10cm, dài vài mét, có thể băng chun, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Cởi đồ trang sức ở vùng bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo.

Vết cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay: Băng ép những vị trí này. Dùng nẹp cố định cẳng bàn tay. Dùng khăn hoặc dây treo lên cổ bệnh nhân.

Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc có thuốc giải độc 

Vết cắn ở thân mình: Ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực. Không băng ép khi bị rắn lục cắn.

- Trong quá trình vận chuyển, duy trì biện pháp băng ép và bất động, khẩn trương vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bằng ô tô. Lưu ý, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Nạn nhân không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa và có thể xảy ra nguy hiểm trên đường đi mà không được hỗ trợ.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI