Đáng lo ngại về các nhóm hướng dẫn “bùng nợ” trên mạng xã hội

31/07/2024 - 07:19

PNO - Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - một trong những lý do nợ xấu tăng là do việc thu hồi nợ và xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt là tình trạng trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách “bùng nợ” công ty tài chính, mạo danh các công ty tài chính lừa đảo, chây ì không trả nợ… Tỉ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng.

Nhóm nào cũng có lượt 50.000 - 60.000 thành viên
Nhóm nào cũng có lượt 50.000 - 60.000 thành viên

Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên hệ và yêu cầu Facebook chặn 47 nhóm hướng dẫn “bùng nợ” ngân hàng, hướng dẫn cách vay tiền lừa đảo hay cách lừa đảo bằng thế chấp tín dụng. Tuy nhiên, kết quả thu hồi nợ của các công ty tài chính vẫn rất thấp. Các hội nhóm dạy nhau “bùng nợ” mới tiếp tục được thành lập, mỗi nhóm lên tới vài chục ngàn thành viên.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cùng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng, xử lý nghiêm tình trạng nói trên. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về trách nhiệm trả nợ vay. “Giả sử khách hàng đang có nợ xấu, khi đi xin việc làm, đơn vị tuyển dụng trích xuất dữ liệu cá nhân cũng phát hiện ra người ứng tuyển đang có nợ xấu, dẫn đến quá trình xin việc sẽ gặp khó khăn. Do đó người dân khi vay tiền, dù ít hay nhiều phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn” - tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nói.

Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI