Đáng lo ngại khi nhiều người trẻ có ý định tự sát

16/04/2025 - 06:15

PNO - Theo Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người tự sát tại Việt Nam. Điều đáng lo ngại là trong đó có không ít học sinh, thanh niên. Nguyên nhân thường liên quan đến áp lực học tập, mối quan hệ xã hội…

Ra ngoài vui cười, về nhà cô độc

Là “con cầu, con khẩn”, từ bé, T.T.K.L. - 20 tuổi, ở tỉnh An Giang - luôn được gia đình chăm bẵm. Từ vui chơi, học tập cho đến định hướng việc làm sau này, cô đều làm theo sắp xếp của cha mẹ. L. nói: “Lúc nhỏ, tôi không nghĩ nhiều, tập trung học nên từ lớp Một đến cấp III luôn đạt thành tích tốt. Tôi trở thành niềm tự hào của gia đình khi thi đậu vào trường đại học có tiếng mà cha mẹ muốn. Cho đến lúc lên TPHCM học, tôi thấy rất sợ và lạc lõng”.

  Một số chia sẻ cảm xúc tiêu cực về cuộc sống, có ý định tự sát đăng ở các hội nhóm trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Một số chia sẻ cảm xúc tiêu cực về cuộc sống, có ý định tự sát đăng ở các hội nhóm trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Rời xa gia đình và sống một mình, L. rất chật vật trong sinh hoạt, không biết cách tìm tài liệu học tập, ngay cả làm bài tập nhóm cũng là cực hình. Cô cảm thấy khó khăn trong các mối quan hệ với bạn bè. Ở môi trường đại học, giảng viên không còn cầm tay chỉ dạy, nhắc nhở như lúc học phổ thông, các môn học khô khan… khiến L. cảm thấy như bị nghẹt thở.

Cô bị ám ảnh bởi những thành tích quá khứ, bỏ mục tiêu giành học bổng bản thân từng đặt ra. Dần dần, L. bị cuốn theo mua sắm, đua đòi vì nghĩ như vậy mình được người khác để ý. Khi ra ngoài, L. rất tự tin cười nói, lên mạng xã hội thoải mái phát ngôn, nhưng khi về nhà trọ, cô thấy sợ hãi, mệt mỏi, nặng nề vì bài vở, tiểu luận, bài thuyết trình…

L. chia sẻ: “Tôi sợ cha mẹ thất vọng nếu nói ra, nhưng tôi rất sợ bài tập, nên về nhà tôi chỉ coi clip cho đến khi ngủ quên. Tôi bị thi lại nhiều môn. Có đợt, tôi mất ngủ hơn 1 tháng liền, không muốn ăn uống, đi học, cũng không muốn sống nữa.

Tôi vào một hội nhóm trên Facebook, chia sẻ dòng trạng thái: Nếu tôi biến mất khỏi thế giới này, có ai buồn, khóc không? Viết xong, tôi đi mua một số thứ chuẩn bị tự sát. Mua xong, quay lại nhà trọ thì thấy 2 người bạn học chung cấp III. Thì ra, bạn của tôi cũng có trong hội nhóm nên chạy đến khuyên can. Chúng tôi đã ôm nhau khóc”.

Được bạn động viên, L. về nhà tâm sự với mẹ, rồi bảo lưu kết quả học tập, đi điều trị tâm lý. Bác sĩ chẩn đoán cô bị rối loạn lo âu kéo dài, trầm cảm nặng, phải dùng thuốc điều trị. Hiện tại, L. đã kiểm soát được cảm xúc, giảm ám ảnh muốn tự sát, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi sát.

Đi làm được 2 năm, N.V.K. - 24 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu - quyết định lập gia đình, có con dù công việc chưa ổn định. “Đi làm cả ngày rất mệt, vợ chưa hỏi thăm chồng đã móc túi đòi tiền. Nhiều lúc tôi nóng giận, mẹ vợ lại mắng nhiếc khó nghe” - K. nói.

Mỗi lần cãi nhau, vợ K. lại mang con ra đánh đòn, mắng nhiếc đổ lỗi do nhà chồng quá nghèo nên mới khổ. Đi làm thì thôi, về nhà K. thu mình lại, tự lấy cơm ăn, rồi móc võng ngoài hành lang ngủ, không muốn nói chuyện với nhà vợ. K. chán nản, không biết bản thân sống để làm gì?

K. nhớ lại: “Có nhiều đêm, tôi thức tới sáng chỉ với câu hỏi có ai cần mình nữa không? Có đêm tôi khóc nhiều lắm, mà không biết vì sao mình khóc. Đến khi tôi mơ thấy mình rơi xuống nước, sáng hôm sau tôi viết thư tuyệt mệnh đưa cho đồng nghiệp.

Tôi giả vờ nói là tôi tặng quà bất ngờ cho vợ, dặn anh ấy đợi chiều đến nhà đưa vợ giúp tôi. Có thể thấy tôi bất ổn, tan ca làm, đồng nghiệp âm thầm đi theo và truy hô mọi người giúp đỡ khi tôi nhảy xuống sông”.

Quan tâm đúng mức về sức khỏe tâm thần

Ngay khi nghe tin, vợ của K. rất lo lắng, đưa anh đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM trị liệu. Sau hơn 3 tháng, hiện K. đã ổn định tâm lý, có lại niềm vui gia đình. Tuy nhiên, thi thoảng K. vẫn có cảm giác bất an nên tiếp tục duy trì tham vấn tâm lý tại địa phương.

  Một số chia sẻ cảm xúc tiêu cực về cuộc sống, có ý định tự sát đăng ở các hội nhóm trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Một số chia sẻ cảm xúc tiêu cực về cuộc sống, có ý định tự sát đăng ở các hội nhóm trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh (Khoa Tâm lý Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) cho biết, tự sát là vấn đề nghiêm trọng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi này thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, lo âu kéo dài.

Đối với bệnh nhân bị trầm cảm, có nguy cơ tự sát thì sức khỏe tâm thần của người bệnh đã kéo dài lâu, nghiêm trọng và “bộ máy” tâm lý không có khả năng để thích ứng với sự kiện xảy ra. Cho đến khi có một tình huống khác xuất hiện, sẽ như “giọt nước tràn ly”, lúc này xung động tự sát sẽ xuất hiện.

Đa số người có hành vi tự sát thường bị mất cân bằng từ yếu tố xã hội, thiếu hệ thống nâng đỡ như gia đình, nhà trường, bạn bè… Khi không còn khả năng “chống đỡ”, người bệnh cảm thấy tuyệt vọng. Họ không nghĩ về tương lai và tin rằng cuộc sống không còn ý nghĩa. Lúc này, dễ xảy ra hành vi tự kết liễu, quyết định tức thời.

Ở Việt Nam, vấn đề về sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người vẫn còn coi nhẹ các triệu chứng bệnh, không đến bệnh viện khám vì xem đây là biểu hiện của sự yếu đuối, bệnh về thần kinh…

Thậm chí, ở nhiều gia đình và cộng đồng, sức khỏe tâm thần không được xem là một phần quan trọng của sức khỏe tổng thể, dẫn đến việc thiếu sự hỗ trợ cần thiết. Điều này khiến bệnh nhân càng thu rúc, chỉ biết cố gắng chịu đựng. Dẫn đến việc nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời, bị trầm cảm từ đó làm tăng nguy cơ tự sát.

“Đáng nói, người có vấn đề về tâm lý, trầm cảm thường hay bị nhầm lẫn bởi các triệu chứng của suy nhược cơ thể như mất năng lượng, giảm tập trung, thường xuyên mệt mỏi… Nguy hiểm hơn, đa phần thanh thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, thường đến khám khi bệnh đã vào giai đoạn nghiêm trọng nên việc điều trị khó khăn” - bác sĩ Lâm Hiếu Minh nói.

Vì vậy, để ngăn ngừa những vấn đề về sức khỏe tâm thần, mọi người cần phải có nhịp sinh học ổn định, quản lý stress, cân bằng cảm xúc. Các thành viên trong gia đình nên xây dựng mối quan hệ mở. Cha mẹ, con cái trò chuyện thường xuyên để có thể nói ra khó khăn đang gặp phải. Ngoài ra thầy cô, bạn bè, người quen nên đồng hành, giúp đỡ các bạn trẻ trong học tập, công việc và cuộc sống.

Nếu bị mất ngủ kéo dài, hay bồn chồn lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, căng thẳng liên tục, kèm theo sự thay đổi hành vi như dễ cáu gắt, không muốn giao tiếp… người bệnh cần tâm sự với người thân, quen để tìm cách giải quyết. Gia đình, bạn bè nếu nhận thấy các biểu hiện hãy hỗ trợ đưa họ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý điều trị, ngăn chặn hành vi tự sát.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI