Đáng lo khi bệnh nhân bệnh tim ngày càng trẻ hóa

15/08/2023 - 06:01

PNO - Tình trạng mắc phải bệnh lý tim mạch nghiêm trọng do biến chứng từ bệnh lý nền và lối sống thiếu lành mạnh đang ở mức báo động. Điều đáng lo là các trường hợp này ngày càng trẻ hóa.

Bệnh nhưng không chịu thay đổi lối sống

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) - cảnh báo: gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim mà nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân không kiểm soát tốt bệnh lý nền và có lối sống thiếu lành mạnh.

Tuần qua, nam thanh niên 23 tuổi, tên P.V.Đ. - ngụ tại quận 10 - được đưa tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp cứu trong tình trạng tím tái, có cơn đau thắt ngực. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, Đ. được xác định bị nhồi máu cơ tim cấp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên chính là biến chứng từ bệnh nền gây ra. Đ. có bệnh sử béo phì nhiều năm (thời điểm nhập viện bệnh nhân cao 1m70, nặng 95kg). Thời gian qua, bệnh nhân vẫn giữ thói quen ăn các món dầu mỡ, thức ăn nhanh và lười vận động. Chính điều này đã làm mỡ máu của bệnh nhân tăng cao, lâu dài tạo thành mảng xơ vữa và gây tắc động mạch tim. Dù được cấp cứu kịp thời, nhưng nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim của Đ. rất cao nếu không quyết tâm điều trị và thay đổi lối sống. 

Bác sĩ Lê Cao Phương Duy đang khám cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện - Ảnh do bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy đang khám cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện - Ảnh do bác sĩ cung cấp

Trường hợp khác là anh T.Đ.H. (38 tuổi, ngụ quận 8). Anh H. là kỹ sư công trình, trụ cột chính của gia đình. Mới tuần trước, anh H. được người thân đưa tới Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cấp cứu trong tình trạng ngưng tim. Theo lời kể của gia đình, anh H. hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, mỗi ngày 1 gói. Cách đây 5 năm, anh đã được chẩn đoán bị tăng huyết áp, mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, bệnh nhân không chịu điều trị theo tây y mà nghe bạn bè uống thuốc nam. Điều này làm chỉ số đường huyết của anh H. không ổn định gây biến chứng tổn thương mạch máu và nhồi máu cơ tim cấp. Tại bệnh viện, anh H. đã được hồi sức tim phổi, sau đó đặt stent mạch vành. 

Còn nữ bệnh nhân H.T.K. (45 tuổi, ngụ quận 5) tới khám vì hay bị trống ngực, hồi hộp, giảm khả năng gắng sức. Sau khi đo điện tâm đồ, siêu âm tim và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị suy tim. Chị K. có tiền sử cường giáp, đã phẫu thuật cắt thùy phải tuyến giáp cách đây 10 năm. Cách đây 3 năm, trong một lần khám sức khỏe tổng quát, chị K. được chẩn đoán tái cường giáp nhẹ, nhịp xoang nhanh, rối loạn tâm trương thất trái. Tuy nhiên, do thấy mình vẫn ổn nên bệnh nhân chủ quan, không điều trị triệt để. Theo bác sĩ Phương Duy, với các trường hợp bị cường giáp thì hoóc môn tuyến giáp sẽ làm nhịp tim bị nhanh. Trường hợp của chị K., nhịp xoang nhanh nên tim làm việc nhiều hơn, lâu ngày xơ hóa, rối loạn tâm trương thất, cuối cùng dẫn đến suy tim. 

Bệnh nhân bệnh tim ngày càng trẻ 

Mỗi ngày, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám khoảng 300 trường hợp liên quan tới bệnh lý tim mạch. Theo bác sĩ Lê Cao Phương Duy, bệnh tim mạch (trừ các trường hợp bẩm sinh) không phải tự dưng mà có. Bệnh đã diễn tiến âm thầm 5-10 năm nên chúng ta khó nhận ra. Qua đó, bác sĩ khuyên rằng, những ai có yếu tố nguy cơ cao cần tầm soát bệnh tim mạch mỗi năm 1 lần. Đó là người hút thuốc lá, mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp, lười vận động hay gia đình có cha, mẹ mắc bệnh tim mạch sớm (trước 55 tuổi). Tiếp đó, đối với nhóm bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì cần tái khám định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh bị tái phát. 

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, trong các bệnh lý về tim mạch, quản lý suy tim rất quan trọng nhằm kéo dài sự sống cũng như giúp bệnh nhân có được chất lượng sống tốt hơn. Ước tính ở Việt Nam có hơn 1,6 triệu người bị suy tim, sau 5 năm được chẩn đoán, tỉ lệ sống chỉ còn hơn 50%. Tại Bệnh viện Thống Nhất, trung bình 1 ngày có 300-400 bệnh nhân có vấn đề về tim mạch đến khám, phần lớn bệnh nhân đều có dấu hiệu về suy tim. 

“Nguy hiểm nhất vẫn là người dân rất chủ quan, nhiều người khi có biểu hiện mệt, khó thở, đuối sức... còn chịu đựng nổi thường không đến bệnh viện khám mà ra nhà thuốc tây mua thuốc. Tại đây, nhân viên nhà thuốc cũng tự ý “dò bệnh” rồi kê thuốc cho bệnh nhân. Bệnh nhân không được thăm khám, điều trị đúng mức rất dễ làm cho bệnh nặng thêm mà không hay.

Ngoài ra, nhiều người sai lầm khi bác sĩ chẩn đoán, cho thuốc điều trị thì chỉ uống khi mệt và tự ý bỏ thuốc điều trị chứ không sử dụng duy trì để ngăn bệnh tiến triển. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là quản lý bệnh nền, bệnh mạn tính, huyết áp, hở van tim, tiểu đường… Người bệnh bỏ qua thuốc điều trị, không đi tái khám các bệnh trên, về lâu dài sẽ suy tim nặng hơn. Đợi đến khi có triệu chứng rõ ràng thì đã quá muộn, điều trị rất khó khăn, chi phí tốn kém. Ngược lại, ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể được điều trị khỏi hẳn suy tim”, bác sĩ Đỗ Kim Quế cho biết.

Hiện nay, bệnh nhân bệnh tim cũng đang dần trẻ hóa, có những bệnh nhân khi đến khám chỉ khoảng hơn 30 tuổi, nhưng đã ở giai đoạn 2, 3. Lúc này, cần phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt mới có thể kiểm soát bệnh. 

Ngoài ra, nếu một người mắc bệnh mạn tính, đái tháo đường, mỡ máu, thận, huyết áp cần theo dõi chặt, uống thuốc đúng chỉ định để kiểm soát tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, suy tim, tái khám định kỳ để có sự điều trị tốt. Một khi đã điều trị thì không bao giờ được quên tái khám để bác sĩ kiểm tra, đổi thuốc điều trị phù hợp ở từng giai đoạn… 

Các bác sĩ lưu ý mọi người nếu thấy các triệu chứng như sau cần đi khám để tầm soát bệnh lý về tim mạch: giảm khả năng gắng sức, hay đánh trống ngực, hồi hộp, đau tức ngực (vùng trên xương ức, sau vú trái), bị phù (hay nhầm lẫn với tăng cân). Bất thường về tim mạch làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân. Đó còn chưa kể tới các tổn thương về mặt tâm lý cũng như nguy cơ tử vong nếu bệnh không được kiểm soát tốt.

Để đề phòng bệnh tim, mọi người cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt; ăn uống khoa học, ít dầu mỡ, nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung vitamin, ít muối (dưới 2g), ít chất bột đường… Tăng cường vận động, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, sống vui vẻ, lành mạnh, suy nghĩ tích cực... 

Thanh Huyền - Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI