Thời đại văn minh, quan điểm về hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được phát huy, bảo vệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp quan điểm này bị hiểu sai lệch, với các lập luận phổ biến như: thích thì cho, yêu thì cưới, tự nguyện là được… Hôn nhân như vậy có thể phát sinh những tình huống khó đỡ, bi hài và vi phạm pháp luật…
Tan giấc mơ Việt kiều
Lan quê ở tỉnh Bạc Liêu, kinh tế gia đình chỉ tạm đủ ăn. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, với vốn tiếng Anh đủ dùng, Lan vào làm nhân viên văn phòng cho doanh nghiệp sản xuất hàng mỹ nghệ. Sau vài năm làm thuê, Lan nhận ra rằng: với cái đà này mình không thể giàu, học nữa thì không nổi. Tuổi xuân vừa 24 nhưng Lan chưa có ý nghĩ lập gia đình. Chỉ vài người bạn thân mới biết được ước mơ cháy bỏng của Lan là được định cư ở trời Tây, trở thành Việt kiều.
|
Ảnh minh họa |
Cuối năm 2015, Lan quen một người Úc. Vì muốn có quốc tịch Úc, thấy anh chàng cũng lịch sự, vui vẻ nên Lan thỏa thuận với anh ta làm kết hôn giả để định cư ở Úc. Đổi lại, Lan phải trả cho anh ta một số tiền và chấp nhận sống thử sáu tháng tại Úc. Nếu hợp nhau thì sẽ duy trì quan hệ hôn nhân, không hợp thì sẽ ly hôn khi Lan nhập quốc tịch Úc.
Sự đời không suôn sẻ, giữa năm 2016, Lan bị cảnh sát Úc phát hiện và trục xuất về Việt Nam. Hơn sáu tháng vắng “chồng hờ”, Lan thấy mình đã xiêu lòng và yêu gã này rồi, nhưng anh ta ngày càng ít liên lạc và thờ ơ với Lan. Khi Lan đề nghị kết hôn thật thì gã Tây bảo chưa có nhu cầu, đề nghị anh ta về Việt Nam làm thủ tục ly hôn thì hắn bảo từ từ… Càng suy nghĩ càng rối bời, Lan cứ mãi trách mình nông nổi và thật sự bế tắc…
Tập hai với… con riêng của vợ
Mấy tháng nay, anh em Tuấn, Hồng giận cha và chị mình đến độ muốn từ mặt hai người này bởi quan điểm sống khác lạ của ông ta: “Tao sống không thể thiếu đàn bà, tao không cưỡng ép, dụ dỗ ai, là do con Mai thương tao nên tao cưới…”. Còn Mai thì chọn thái độ im lặng để bảo vệ lập trường bướng bỉnh của mình và hai người chuẩn bị về quê sống chung. Cãi không lại cha mình, Hồng không ngủ được, nhớ mẹ khóc nhiều, bức tranh gia đình Hồng lần lượt tái hiện.
|
Ảnh minh họa |
Cha Hồng tục huyền với mẹ Hồng trong hoàn cảnh gà trống nuôi con là anh Tuấn - bởi vợ đầu của cha ngoại tình nên ly hôn. Còn mẹ Hồng quê miền Trung nghèo khó, đã qua một lần đò, có chị Mai là con riêng, giống mẹ như đúc. Ông bà cưới nhau vì đồng cảm khi bà là góa phụ tròn bảy năm. Hai năm sau khi mẹ tái giá, Hồng chào đời và gia đình đúng là “con anh, con em, con chúng ta”.
Ba năm trước, mẹ Hồng lâm bệnh nặng, nằm một chỗ. Hồng phát hiện ra dấu hiệu bất thường từ cha mình và chị Mai nhưng không dám tin là sự thật. Chỉ sau khi mẹ mất thì anh Tuấn mới bày tỏ nghi ngờ như Hồng. Âm thầm theo dõi thì cả hai anh em phát hiện mối quan hệ trái khoáy trên đã đi xa hơn một bước, cụ thể: cha và chị Mai đã lén về quê nội, làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Xâu chuỗi lại sự việc, Hồng rất bất ngờ bởi hai năm trước cha chuyển hộ khẩu về quê nội, lấy cớ mai này về dưỡng già, giữ đất ông bà, còn chị Mai thì xưa nay hộ khẩu vẫn ở nhà ngoại ngoài quê. Vụ việc bị phát hiện, hai nhân vật chính thừa nhận hành vi của mình nhưng không nhận sai và ứng xử như trên. Còn họ hàng thì chia hai luồng quan điểm trái chiều, trong đó phe ủng hộ đưa ra lập luận: hai người không cùng huyết thống, miễn thương nhau là được, đã đăng ký kết hôn. Riêng Tuấn và Hồng vẫn thấy gì đó sai, bởi từ nhỏ chị Mai tuy kêu cha là dượng nhưng xem như cha ruột, lý nào nay kết hôn pháp luật lại công nhận?
Phước Thủy
Kết hôn trái phép: Tòa tuyên hủy
Để bảo vệ chế độ hôn nhân, tại khoản 2, điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm các hành vi như: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…
|
|
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 cũng có quy định liên quan đến việc kết hôn trái pháp luật. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân (điển hình: người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; Hội liên hiệp phụ nữ...) có quyền yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật.
Việc hủy kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự và dẫn đến hậu quả là hai bên chấm dứt mối quan hệ vợ chồng. Quyết định của tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 thì việc kết hôn giữa bố dượng và con riêng của vợ bị phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng (điểm e, khoản 1, điều 48).
Luật sư Trần Hoài Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM)
|