Đăng ký BHYT tự nguyện khó hơn... mua hàng cấm

29/01/2015 - 07:36

PNO - PN - Số lượng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện đăng ký ở nhiều phường/xã giảm mạnh sau gần nửa tháng triển khai bán thẻ theo nguyên tắc 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia. Thủ phạm chủ yếu do thủ tục rườm rà từ việc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khó như mua... hàng cấm

Cuối giờ chiều 27/1, anh L.Đ.M.N. vội vã cầm một xấp giấy tờ chạy đến UBND P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM đăng ký thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện cho anh và hai con; thế nhưng sau khi kiểm tra từng thành viên trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hoàng Yến - nhân viên nhận đăng ký của phường phát hiện vợ anh là chị N.T.L. chưa mua thẻ BHYT nên không thể bán cho các thành viên còn lại trong sổ hộ khẩu.

Ngậm ngùi, anh N. cho biết, vợ anh đã chết! Đến lúc này, chị Yến hướng dẫn anh M.N. về công an (CA) phường khai giấy báo tử để bộ phận bán thẻ BHYT dựa vào đó bỏ tên vợ anh ra.

Ngồi kế bên, bà Lê Thị Bảy, 68 tuổi, cũng đến hỏi mua BHYT cho cả gia đình: “BHYT sao giờ mua khó khăn quá. Tốt hơn là bỏ chính sách mua cho cả gia đình, chứ thấy thủ tục rườm rà quá, chờ CA phường xác nhận giấy tờ thì khi nào mới mua được”. Tương tự, anh C.T.P., 42 tuổi, cũng cầm sổ hộ khẩu đến mua thẻ BHYT cho riêng mình vì anh cho biết, trong sổ hộ khẩu dù có tên hai vợ chồng nhưng anh ly hôn vợ đã 10 năm nay (nhưng chưa làm thủ tục ly hôn vì vợ anh bỏ đi đâu không biết). Đến khi cô nhân viên hướng dẫn anh về CA phường làm giấy xác nhận thì anh không chịu vì cảm thấy rắc rối, phiền hà và quyết định không mua BHYT nữa, dù trước đây anh tham gia tự nguyện liên tục.

Ghi nhận của chúng tôi tại không ít địa phương, tình cảnh anh em, người thân trong gia đình tuy có chung huyết thống, hộ khẩu nhưng vì các thành viên đã lập gia đình nên theo chồng, vợ đi ở xa (mà chưa tách khẩu) hoặc do “hục hặc”, sứt mẻ tình cảm nên muốn “mượn” giấy tờ để bổ sung hồ sơ mua BHYT thì khó như mua “hàng cấm”.

Điển hình là trường hợp của bà L.T.H., 70 tuổi, ở P.An Khánh, Q.2 không mua được vì con của bà không chịu mua BHYT. “Con tôi cũng nghèo nên không chịu mua. Tôi thì không đủ tiền để mua BHYT cho tụi nó. Giờ đành chịu”.

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh nhà có năm người gồm chị, chồng, hai đứa con và một người em hiện đã lấy chồng và định cư tại Mỹ (chưa tách khẩu). Sáng hôm qua (27/1) ra P.An Khánh mua BHYT nhưng chị Hạnh phải về tay trắng vì người phụ trách yêu cầu chị phải cung cấp thị thực của người em, hoặc phải có xác nhận của CA phường mới đủ điều kiện để mua BHYT theo quy định. Chị cho biết sẽ không đăng ký tham gia nữa vì quá phức tạp.

Dang ky BHYT tu nguyen kho hon... mua hang cam

Một người dân vui mừng khi mua được thẻ BHYT tự nguyện tại UBND P.2, Q.Tân Bình

Rối rắm người tạm trú

Sau vài ngày triển khai bán BHYT tự nguyện theo hộ gia đình không ít "thượng đế" phải thất vọng ra về vì thủ tục nhiêu khê. Chiều 27/1, có mặt tại UBND P.26, Q.Bình Thạnh, chị Nguyễn Thị Thu Huyền không khỏi thất vọng và bức xúc vì không mua được BHYT. Chị Hiền nói: “Tôi ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vào TP.HCM làm thuê tại một quán ăn ở Q.1 và thuê phòng trọ với bạn, tạm trú tại P.26, Q.Bình Thạnh. Năm ngoái, tôi mua BHYT ở P.26, Q.Bình Thạnh, năm nay tôi đem chứng minh thư và thẻ BHYT cũ tới phường nhưng cán bộ cho biết nếu muốn mua BHYT thì phải

phô-tô hộ khẩu kèm các giấy tờ như CMND, thẻ BHYT và cả hộ khẩu của chủ nhà (người cho chúng tôi thuê phòng) thì mới được mua. Làm vậy thì khó cho tôi quá. Vì chủ nhà đâu ở gần đây, với lại gia đình người ta cũng rất khó tính. Mình nhờ cậy, xin phô-tô giấy tờ đâu dễ…”.

Đau nhất là trường hợp của anh Nguyễn Hải Hồ (25 tuổi, phụ bán trái cây ở chợ Phạm Văn Hai). Anh không mắc bệnh mạn tính nhưng vì ý thức sức khỏe, hơn nữa chỉ có mình anh sống ở Sài Gòn nên năm nào cũng mua BHYT tự nguyện. Đầu năm 2015, anh Hồ đã gia hạn thẻ BHYT tại UBND P.2, Q.Tân Bình; thế nhưng trong lúc chờ nhận thẻ mới thì đến ngày 15/1/2015, BHYT có quy định chỉ bán khi cả hộ gia đình tham gia. Vì anh Hồ ở “ké” sổ hộ khẩu nhà bà con; gia đình người bà con anh khá giả đã mua thẻ BHYT tư nhân; do đó, anh đành lặng lẽ đến UBND P.2 để rút lại số tiền đã đóng.

Cũng do cái sổ hộ khẩu nên cả gia đình anh Trần Cao Trí (32 tuổi, tạm trú P.7, Q.Bình Thạnh) không mua được thẻ BHYT tự nguyện. Phản ảnh đến báo Phụ Nữ, anh cho biết: “Sổ tạm trú của tôi đã hết thời hạn hai năm nên phải nộp ở CA phường để xin gia hạn; vậy mà đã hai tuần trôi qua vẫn không thấy phường xác nhận. Tôi làm ở cơ quan nhà nước, không có tiền án, tiền sự, lại có nhà ở Sài Gòn mà chờ gia hạn sổ tạm trú sao khó quá. Bây giờ đến lúc chờ sổ tạm trú để mua thẻ BHYT cho ba thành viên trong gia đình vẫn không có sổ. Do đó, tôi chỉ mua được thẻ BHYT khi nào CA phường chịu gia hạn”.

Dang ky BHYT tu nguyen kho hon... mua hang cam

Qui định về việc cả hộ khẩu phải cùng mua bảo hiểm y tế tự nguyện đã "làm đau khổ" rất nhiều người dân

Số lượng thẻ BHYT tự nguyện giảm mạnh

Tính đến ngày 27/1, P.26, Q.Bình Thạnh đã tiếp nhận được gần 200 hồ sơ mua BHYT. Theo cán bộ phụ trách thì có khoảng 50% người phải quay về để bổ sung hồ sơ vì quy định mới.

Theo thống kê tại P.An Khánh, Q.2 đến thời điểm này, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do thủ tục nhiêu khê nên hiện mới chỉ có khoảng 30% người mua BHYT so với cùng kỳ năm trước.

Còn đại diện UBND P.2, Q.Tân Bình thống kê: Nếu như trước đây, trung bình mỗi tháng phường bán được 254 thẻ BHYT tự nguyện (kể cả thẻ mới và thẻ gia hạn) nhưng hiện nay chỉ còn có 100 thẻ. Trước khi triển khai bán thẻ BHYT theo quy đinh mới vào ngày 16/1, phường cũng gửi thư mời đến 80 hộ tham gia BHYT tự nguyện để khuyến khích tham gia BHYT hộ gia đình nhưng chỉ có 60 hộ đồng ý và đủ điều kiện tham gia.

Một nhân viên tiếp nhận đăng ký thẻ BHYT ở P.2, Q.Tân Bình lo lắng: “Khi quy định mới có hiệu lực, nhiều người dân đến phường bày tỏ bức xúc. Họ biết việc mua BHYT theo hộ gia đình là hợp lý, giá có giảm nhưng nhiều người vẫn còn khó khăn thật sự. Nhiều trường hợp có đến bốn hộ gia đình gồm 17-18 thành viên nằm chung một sổ hộ khẩu. Khi một-hai hộ mua thì chúng tôi không bán được và mong người dân thông cảm. Những trường hợp này, tôi chỉ khuyên họ đến các cơ quan chức năng để tách hộ khẩu ra. Tuy nhiên, nếu với những gia đình ở chung trong một nhà thì việc tách hộ khẩu riêng cũng khó khăn”.

Tương tự, tại P.15, Q.Phú Nhuận, chỉ tính riêng thẻ gia hạn, chưa tính thẻ mới thì số thẻ BHYT tự nguyện đã giảm từ 153 thẻ xuống còn 77 thẻ.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, cán bộ tiếp nhận đăng ký BHYT tự nguyện UBND P.15, Q.Phú Nhuận chia sẻ: “Quy định mới khiến cả người giàu lẫn người nghèo đều rắc rối. Cụ thể, nhiều gia đình giàu có đã mua BHYT tư nhân nhưng một số người trong gia đình đó vẫn muốn tham gia BHYT nhà nước để hỗ trợ cộng đồng và cũng muốn chữa bệnh ở bệnh viện công nhưng các thành viên trong gia đình không chịu mua thẻ BHYT đến hai lần nên họ thống nhất không mua. Còn với người nghèo thì khổ nhất là những gia đình ở ghép sổ hộ khẩu cho con cháu lên thành phố học…

Thiệt nhất vẫn là người mắc bệnh mạn tính trong gia đình nghèo, họ sẽ không được BHYT chi trả nữa nếu gia đình họ không có điều kiện tham gia BHYT, lúc đó lại nhờ xã hội trợ giúp. Do đó, BHXH cần có chính sách khuyến khích những gia đình có điều kiện mua thẻ BHYT tư nhân để tham gia thêm BHXH. Đồng thời, những gia đình gặp rắc rối về sổ hộ khẩu, giấy tờ hành chính từ CA phường thì BHXH TP.HCM phải chủ động kết nối để giải quyết giúp người dân”.

Chị Võ Thị Gái, cán bộ Hội Chữ thập đỏ P.An Khánh, Q.2 bày tỏ: “Điều đáng lo nhất của tôi không chỉ là việc khó khăn của người mua BHYT theo hộ gia đình tự nguyện mà chính sách mới còn ảnh hưởng đến cả hơn 100 người nghèo trên địa bàn P.An Khánh, Q.2…”.

Theo chị Gái, những năm qua, mỗi năm chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ phường đều trích quỹ mua hơn 100 thẻ BHYT tặng những người nghèo ở tỉnh ngụ trên địa bàn để họ có “tấm bùa” hộ mệnh khi “trái gió trở trời”. Rồi ngân sách cũng có chế độ tặng thẻ BHYT cho dân quân, dân phòng địa phương nhưng năm nay theo quy định của BHYT theo hộ gia đình thì những “đối tượng chính sách này” đang bị “treo” BHYT.

VĂN THANH - TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI