Đang hình thành văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe"

15/03/2024 - 12:17

PNO - Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định như vậy và tha thiết cấm người tham gia giao thông sử dụng rượu bia.

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội họp bàn về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sáng 15/1
Ủy ban thường vụ Quốc hội họp bàn về Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, sáng 15/3

Chưa rõ căn cứ về "nồng độ cồn nội sinh"

Sáng 15/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay, còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm người tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo đó, loại ý kiến thứ nhất nhất trí với dự thảo Luật là cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ưu điểm của việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn, theo ông Lê Tấn Tới, đã được kiểm nghiệm thực tiễn và phát huy kết quả tốt. Từ khi thực hiện tới nay, số vụ tai nạn liên quan tới rượu bia đã giảm. Việc cấm hành vi trên có mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ.

“Đến nay, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.  

Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tới thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng; có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệnh kết quả xử lý.

Dù vậy, quy định như trên cũng được cho là nghiêm khắc và tác động đến thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam; ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương; giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia...

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định trên và cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Theo ông Lê Tấn Tới, phương án này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân, không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia... Quy định này cũng tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Nhiều ý kiến ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe để giảm thêm số tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe của người dân
Nhiều ý kiến ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe để giảm thêm số tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe của người dân

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề xuất 2 phương án.

Phương án thứ nhất: Cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Phương án thứ hai: Quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.

Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh “tha thiết” đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án cấm tuyệt đối người tham gia giao thông sử dụng rượu bia như phương án đầu để bảo vệ nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi.

Nhiều ý kiến ủng hộ cấm tuyệt đối rượu bia khi lái xe

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến đồng ý với phương án thứ nhất, cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bà Nguyễn Thị Thanh – Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH nhắc lại kết quả sau quy định này tại Luật phòng chống tác hại của rượu bia (năm 2019) đi vào thực tiễn. Theo đó, thống kê năm 2023, tai nạn giao thông đã giảm 25% số vụ, 50% số người chết... so với năm 2022. Bên cạnh đó, việc cấm tuyệt đối sử dụng rượu khi tham gia giao thông cũng từng bước giảm thiểu tác hại của rượu bia với khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm và gián tiếp của hơn 100 căn bệnh khác cho người sử dụng.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chia sẻ, Quốc hội khóa XIV đã rất khó khăn để thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Kết quả đã có 3/4 số ĐBQH đồng tình với phương án cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. “Không có cớ gì khi chúng ta trao đổi, thảo luận về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lại bỏ quy định rất hữu hiệu ở Luật phòng chống tác hại của rượu bia”

Cùng ủng hộ phương án thứ nhất song Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý cần làm rõ thêm một số nội dung để làm cơ sở ủng hộ quy định cấm rượu bia khi tham gia giao thông, trong đó làm rõ về nồng độ cồn nội sinh đang được dư luận nói nhiều tới.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI