Vấn đề đang nhận được sự tranh cãi của các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm là việc từ ngày 1/6/2017 tới đây, khi Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực thì việc cha mẹ đăng ảnh các con lên mạng xã hội, trong đó có facebook sẽ là hành vi vi phạm pháp luật, nếu như việc đăng hình này chưa được sự đồng ý của chính các em.
Để có thêm cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này, PV báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam.
Đăng ảnh quá nhiều sẽ khiến trẻ già hóa
PGS Trịnh Hòa Bình nhận định, việc cha mẹ đưa hình ảnh của con cái lên mạng xã hội hiện nay đã trở nên khá phổ biến trong đời sống của cư dân mạng, thậm chí nó trở thành một vấn đề có tính chất xã hội.
|
PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhà Tâm lý học - Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam. Ảnh: Petrotime |
Theo ông, trên thực tế, hình ảnh trẻ được bố mẹ đưa lên quá nhiều, thậm chí đưa theo kiểu nhật ký, hành trình của từng ngày thì dường như nó đã trở thành một thông báo thường xuyên, một bản ghi chép về lộ trình sinh hoạt, học tập của con cái. Điều đó dẫn đến thực tế trẻ em mất đi quyền tự do được sống được phát triển, thực hiện các nhóm quyền cơ bản (sống, giáo dục, phát triển, tham gia).
"Các bố mẹ thường xuyên đưa ảnh con lên mạng xã hội thì trên thực tế, các quyền của trẻ em bị thu hẹp, đó không chỉ ở trong bối cảnh phương Tây mà còn trong thế giới hiện đại ngày nay. Tôi cũng tán thành rằng điều đó đã làm mất đi quyền lợi của con cái", vị chuyên gia tâm lý đầu ngành bày tỏ.
PGS phân tích: "Có thể là khi cha mẹ đưa lên như thế nó là niềm tự hào vì đứa con của mình tiến bộ, thông minh, tham gia các hoạt động ngoại khóa của xã hội. Nhưng khi trẻ em biết mình được thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội như vậy thì sẽ bắt đầu lo điều chỉnh thái độ, ứng xử trước ống kính máy ảnh.
Nó có thể làm cho trẻ em phát triển theo hướng già hóa, kịch sĩ và làm dày thêm lên tình cảm tự tôn, kiêu hãnh trong nhiều trường hợp còn trở nên kiêu ngạo. Đó còn là chúng ta chưa nói đến việc những người xấu có được những thông tin, đe dọa đến sự an toàn của đứa trẻ".
Ông cho rằng, việc cha mẹ thường xuyên đăng tải hình ảnh của con trên mạng xã hội có thể dẫn đến việc tâm sinh lý lứa tuổi các em bị đe dọa, các em bị già hơn, phải thường xuyên đối phó với những việc làm đó.
Trước ý kiến cho rằng việc phụ huynh phải xin phép con cái trước khi đăng ảnh cũng khiến họ bị ảnh hưởng bởi quyền riêng tư, ảnh hưởng đến tình mẫu tử, quan hệ trong gia đình, chuyên gia Trịnh Hòa Bình nhận định: "Xét về tư duy một cách logic, nó hơi khiên cưỡng và thực ra nó không phản ánh đúng suy nghĩ của người Việt Nam.
Ở phương Đông, gia đình định nghĩa với việc ông bà, bố mẹ, con cái gắn bó thủy chung, quan tâm đến nhau, quan tâm từng chút tới sự phát triển của đứa trẻ nên khi người ta post hình lên cũng mang ý nghĩa tự hào, kể cả những đứa trẻ không được khôi ngô tuấn tú thì chúng vẫn là hòn ngọc, niềm tự hào của bố mẹ".
|
Ảnh minh họa |
Vị chuyên gia nhận xét rằng, ở một bình diện nào đó nếu việc làm của bố mẹ không quá thường xuyên, không dẫn tới sự đe dọa mất an toàn của giới trẻ thì việc khoe đứa trẻ không phải là ghê gớm, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của chúng.
"Việc cha mẹ phải xin phép trẻ nhỏ trước khi đăng ảnh, tôi cho rằng nó cứng nhắc, có phần cơ học. Bởi vì khi đứa trẻ chưa trưởng thành thì bố mẹ là người đại diện quyền lợi, người đỡ đầu, trong các trường hợp phải ra các quyết định thay chúng để bảo đảm sự chính xác. Sự phát triển về tâm lý, nhận thức, hiểu biết để đưa ra các quyết định vững chãi, vậy thì rõ ràng nếu cha mẹ phải xin phép các con trước khi đăng ảnh thì có phần máy móc", PSG Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Còn một vấn đề thực tiễn, ví dụ như đến những khu vui chơi, bể bơi,... thì đương nhiên chụp ảnh sẽ dính những đứa trẻ khác, rất khó bóc tách và không phải ai cũng xin phép được.
Thứ 2 là việc cha mẹ phải có sự đồng ý của các con mới được tự do thể hiện theo chuyên gia Trịnh Hòa Bình đánh giá là có thể dẫn đến những tình huống phức tạp.
Ông ví dụ, có những kẻ muốn gây rối, xúi giục khiến đứa trẻ quyết liệt hơn khi nó chưa đủ chín chắn, phản ứng với cha mẹ. Thế cho nên ở đây, trước hơn hết vẫn là ý thức của gia đình, cha mẹ trong việc tôn trọng quyền riêng tư của đứa trẻ hơn là tự thân đứa trẻ ý thức.
Phải có thời gian bảo lưu, vận hành luật mới
Vị chuyên gia đánh giá tính khả thi của những điều luật đó là rất thấp, khó có thể thực hiện được cũng tương tư như phạt tù ngoại tình để lại hậu quả nghiêm trọng. Đó là những hình phạt nặng.
"Một mặt có thể nói những điều luật đó sinh ra là để điều chỉnh hành vi, thái độ trong cộng đồng theo ý chí nhằm nâng cao dân trí, nhưng rõ ràng không thể trong một sớm, một chiều", ông Bình nói thêm.
Nói về điều luật, PSG lập luận: "Tất nhiên là có nhiều kịch bản xảy ra. Bố mẹ không chỉ là người nuôi dạy, xã hội hóa con trẻ mà còn là người đại diện pháp lý, lợi ích, họ có quyền ra quyết định, đó là một trong những lẽ mà điều luật cấm cha mẹ đăng hình không khả thi.
Chắc chắn là luật đang hướng đến những hình ảnh nghiêm trọng mang tính chất làm méo mó, biến dạng hình ảnh đứa trẻ và tác động trực tiếp đến ứng xử, nhân cách và sự an toàn của trẻ. Luật sinh ra là để điều chỉnh hành vi xã hội nhưng không có nghĩa là luật nào ra đời cũng tức khắc điều chỉnh được ngay bởi vì ứng xử xã hội phải có một thời gian bảo lưu, vận hành theo điều chỉnh đó. Đến một giai đoạn nhất định, nó mới có độ tương thích".
Theo ông, có những điều khoản luật chưa khả thi nhưng mục đích, ý nghĩa của nó là đúng đắn, tích cực nên người ta vẫn ban hành và khả thi ở một tỉ lệ nhất định.
"Câu chuyện luật sinh ra để điều chỉnh để phù hợp hơn với tinh thần chung của hiến pháp, nhằm phát triển con người nhân văn hơn, khoa học, tiến bộ văn minh hơn. Trên tinh thần đó, các điều luật cũng phải nghiên cứu, xem xét để có những cái không dễ thực hiện nhưng là không gian pháp lý vẫn cần được tạo dựng để hành xử của xã hội đi vào nề nếp", PGS Trịnh Hòa Bình nói.
Hoàng Trang