3 ngày cho 13 năm
Hôm nay (6/5), Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ mở phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An) bị kết án tử hình về 2 tội "Giết người" và "Cướp tài sản" xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) vào đêm 13/1/2008.
Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 8/5, do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa; Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đại diện Viện KSND.
Trước đó, vào ngày 5/5, một cán bộ văn phòng TAND tối cao cho biết, trong phiên giám đốc thẩm, Hồ Duy Hải sẽ không được triệu tập như phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Bên cạnh đó, do phải thực hiện giãn cách phòng chống COVID-19, nên chỉ có một số phóng viên báo chí được tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, trong ngày công bố quyết định, TAND tối cao sẽ tạo điều kiện cho các báo khác được tiếp cận thông tin.
|
Bị cáo Hồ Duy Hải |
Theo nội dung vụ án, năm 2007, Hồ Duy Hải quen biết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Sáng 14/1/2008, người dân phát hiện 2 nữ nhân viên này bị sát hại dã man. Hơn 2 tháng sau, cơ quan chức năng đã bắt giữ Hồ Duy Hải để điều tra về hành vi giết người và cướp tài sản.
Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra từ ngày 28/11 - 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Hồ Duy Hải tội tử hình về tội "Giết người", 5 năm tù về tội "Cướp tài sản". Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả 2 tội là tử hình.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm ngày 28/4/2009, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Hồ Duy Hải.
Theo bản án của hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều thể hiện, khoảng 19g30 ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi chơi. Đến 20g30, sau khi bưu điện nghỉ, Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân đi mua trái cây.
Trong lúc chị Vân đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng nhưng bị chị Hồng phản ứng. Hải sát hại chị Hồng và sau đó tiếp tục sát hại chị Vân. Sau khi gây án, Hải lấy 1 triệu đồng, khoảng 40 - 50 sim điện thoại, 1 điện thoại Nokia và nữ trang của hai nạn nhân. Sau đó, Hải đem nữ trang đi TPHCM bán được 3,7 triệu đồng.
Trong cả hai phiên tòa, Hồ Duy Hải đều nhất mực kêu oan, nhưng không được chấp nhận. Hồ Duy Hải và người thân trong gia đình đã làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình và hoãn thi hành án. Hành trình kêu oan và diễn biến của vụ việc này cũng đầy gian nan, tưởng chừng hết cơ hội cho bị cáo này.
Cụ thể trong năm 2011, đơn ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải bị bác bỏ và đến ngày 24/11/2014, hội đồng thi hành án quyết định sẽ thi hành án tử hình Hải vào ngày 5/12/2014.
Bất ngờ vào ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ. Trong cùng ngày, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Tiếp đến ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải.
Đến ngày 22/11/2019, viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình để điều tra lại.
Kháng nghị của VKSND tối cao, cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ và nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Còn nhiều dấu hỏi cần làm rõ
Liên quan đến vụ án của Hồ Duy Hải, Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng văn Phòng luật sư Vì Dân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng có nhiều vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, đánh giá chứng cứ và có nhiều tình tiết cần làm rõ.
Trong đó có một số vấn đề được luật sư Triển chỉ rõ như việc khám nghiệm hiện trường thu giữ vật chứng. Với một vụ trọng án khiến 2 người tử vong trong đêm, cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường, thu giữ chứng cứ. Nhưng trong biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chỉ có 1 điều tra viên, 1 kiểm sát viên và 3 cán bộ phòng kỹ thuật hình sự. Trong phần đầu biên bản không có người chứng kiến, nhưng ở phần chữ ký lại có ông Đinh Phú Hùng.
Những chứng cứ, vật chứng bắt buộc trong vụ việc phải thu giữ và giám định ngay, như: thớt gỗ, con dao, vỏ dao, chiếc ghế, các vết máu trong nhà vệ sinh và hè nhà, mẫu tóc còn để lại trong bộ phận chậu rửa mặt... nhưng không được thu giữ và bảo quản, giám định. Từ đó dẫn đến sử dụng biện pháp mô tả, mua thớt mới, dao mới, ghế khác làm vật chứng, mà kích cỡ là hoàn toàn khác với số liệu được ghi trong biên bản khám nghiệm hiện trường và lời khai của nhân chứng. Hơn nữa còn chậm được tiến hành giám định làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả.
Thậm chí nhiều khu vực không được khám nghiệm hiện trường như: cầu thang và cả khu vực lầu 1, sân, tường và các cửa ra vào sân của Bưu điện, khu vực để máy phát điện, cầu dao nguồn điện, bể nước...
"Việc khám nghiệm hiện trường cũng diễn ra hết sức qua loa, đại khái. Những người tham gia dọn dẹp thì mỗi người khai một kiểu về nơi tìm thấy con dao, hình dáng con dao. Chiếc ghế đưa ra tại Tòa làm vật chứng thì hoàn toàn không đúng với chiếc ghế được mô tả trong biên bản hiện trường...", luật sư Triển nhận định.
|
Luật sư Trần Đình Triển và cuộc làm việc với mẹ của tử tù Hồ Duy Hải |
Ông Triển cũng cho rằng, kết luận điều tra và cáo trạng suy diễn lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường. Lời khai này cho thấy, anh Thường khai không nhận biết được ai là người nói chuyện với Hồng. Nhưng kết luận điều tra và cáo trạng lại viết: "Đinh Vũ Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải đang ngồi trong bưu điện Cầu Voi".
Thứ hai đó là vi phạm về đánh giá chứng cứ, không làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai, hồ sơ vụ án. Sau khi vụ án xảy ra hơn 2 tháng, cơ quan chức năng triệu tập Hồ Duy Hải về một vụ việc cá độ bóng đá, được biết là Hải nhận tội giết 2 nạn nhân sau đó. Từ đó kết luận điều tra, cáo trạng và 2 bản án hầu như chỉ căn cứ vào lời khai của Hải để kết tội.
Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, vấn đề đặt ra là bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh là mình có tội hay không có tội. Lời khai của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ khi phù hợp với các chứng cứ được thu thập khách quan, đúng pháp luật và phản ánh đúng bản chất của vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử phải đặc biệt lưu tâm khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, lời khai được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để đưa ra quyết định của bản án, nhưng trong vụ án nhiều mâu thuẫn đã bị bỏ qua.
Một trong số các mâu thuẫn có thể kể đến đó là việc nạn nhân Hồng và Vân không thể bị sát hại vào thời điểm từ 21g đến 21g30 ngày 13/1/2008, dựa vào căn cứ khoa học về tiêu hóa thức ăn trong dạ dày nạn nhân Hồng, vết hoen của tử thi hay căn cứ vào sự đông khô của máu.
"Biên bản giám định pháp y ghi nhận trong dạ dày Hồng có ít thức ăn đã nhuyễn. Cơ quan điều tra đã không tiến hành giám định khoảng thời gian tiêu hóa thức ăn để xác định thời gian từ khi ăn đến khi chết. Tuy nhiên, căn cứ khoa học về tiêu hóa thì khi thức ăn trong dạ dày đã nhuyễn và còn lượng ít thì thời gian ăn trước đó ít nhất là 4 giờ.
Như vậy, chị Hiếu (một nhân viên của bưu điện Cầu Voi) từ Bưu điện ra về lúc 17g, giả sử rằng sau đó Hồng và Vân nấu ăn thì cũng ăn vào khoảng 18g. Với sự tiêu hóa thức ăn trong dạ dày được ghi nhận trong Biên bản pháp y thì Hồng và Vân bị chết sau 22g cùng ngày. Trong thời gian đó, hồ sơ vụ án đã có chứng cứ là Hải đang ngồi ở quán uống cà phê với 2 người bạn là Lĩnh và Chương. Đây cũng là chứng cứ chứng minh Hải ngoại phạm", luật sư Trần Đình Triển phân tích.
Ngoài ra, còn nhiều chi một số chi tiết khác như dấu vân tay thu tại hiện trường. Theo bản án, Hồ Duy Hải đã có khoảng gần 1 giờ ngồi nói chuyện với hai nạn nhân Hồng và Vân. Hồng có rót nước mời Hải rồi mới cầm tiền của bị cáo đưa để đi mua hoa quả. Sau đó, Hải nẩy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng dẫn đến xô xát giết người, khi Vân đi mua hoa quả về sợ bị bại lộ nên giết cả Vân để che dấu.
"Nếu sự thật diễn ra như vậy, thì Hải không có dự mưu, toan tính từ trước để giết Hồng và Vân để cướp tài sản. Đồng thời, quá trình đó Hải sẽ để lại rất nhiều dấu vân tay trên cốc uống nước, trên bàn, ghế, cửa, chậu và cần gạt nước trong nhà vệ sinh; vết giày dép. Khám nghiệm hiện trường thu giữ các vết vân tay trên cửa kính ra vào, cửa nhà vệ sinh, đặc biệt là dấu vân tay trên cần gạt nước mà các kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng đều ghi nhận Hải có vào rửa dao và rửa tay. Nhưng kết quả giám định kết luận, tất cả các dấu vân tay thu giữ tại hiện trường lại không phải dấu vân tay của Hồ Duy Hải", luật sư Trần Đình Triển đặt vấn đề.
Vì vậy, hy vọng rằng những mâu thuẫn, vấn đề được chỉ ra trong vụ việc sẽ được giải đáp trong phiên tòa giám đốc thẩm ngày hôm nay.
An Vũ