Đang đi làm, bỗng nhận tối hậu thư phải nghỉ việc

01/03/2017 - 11:19

PNO - Vừa bước vào đầu năm mới, nhiều nhân viên y tế, kế toán, tổng phụ trách… đang làm việc theo hợp đồng (HĐ) dài hạn tại các trường học ở Q.11, TP.HCM đã rơi vào cảnh hoang mang lo bị chấm dứt HĐ từ ngày 1/3/2017..

Dang di lam, bong nhan toi hau thu phai nghi viec
Dù rất cần thiết trong trường học nhưng nhân viên y tế có nguy cơ trở thành tạp vụ- Ảnh: Phùng Huy

Nguy cơ mất việc

Chị A.T. (nhân viên y tế một trường tiểu học) ấm ức cho biết: “Tôi vừa được ban giám hiệu gọi lên làm việc lần thứ 3, yêu cầu suy nghĩ để dừng HĐ làm nhân viên (NV) y tế của trường, vì theo văn bản ngày 4/1/2017 của Phòng GD-ĐT Q.11 thì tôi thuộc diện bị dừng hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ ngày 1/3”.

Chị A.T. làm NV y tế tại trường đã gần 5 năm, tổng thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Chị vốn có bằng trung cấp dược nhưng do yêu cầu công việc, phải dành thời gian và tiền bạc để học thêm trung cấp y sĩ đa khoa cho đạt chuẩn và mới nhận bằng vào cuối tháng Hai.

“Giờ chắc tôi không cần lấy bằng nữa, chưa được hưởng đồng lương nào từ sự cố gắng này đã có nguy cơ nghỉ việc. Ban giám hiệu có đề nghị nếu muốn tiếp tục làm thì có thể học thêm để lấy chứng chỉ văn thư, thủ quỹ rồi vào làm lại, kiêm nhiệm thêm y tế và phải quay về ký HĐ một năm, tính thu nhập lại từ bậc 1. Như vậy làm sao đủ sống? Lần này không chỉ tôi mà nhiều NV y tế khác cũng đang chới với không biết sẽ về đâu”, chị A.T. buồn bã.

Không chỉ NV y tế, theo văn bản của Phòng GD-ĐT Q.11, hướng giải quyết các trường hợp là NV HĐ trên một năm tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục là sẽ chấm dứt HĐLĐ, chậm nhất là từ 1/3. Đó là những trường hợp viên chức không có chuyên môn nghiệp vụ, đang tham gia đào tạo nhưng thời gian kết thúc đào tạo trên một năm... Văn bản này lập tức gây hoang mang cho nhiều NV trường học không thuộc biên chế, trong đó không ít người đã công tác nhiều năm, chỉ còn một năm nữa là nghỉ hưu theo chế độ; có người thì vừa bỏ tiền học chuyên môn cho đủ chuẩn nhưng lại…

Những ngày gần đây, các NV thuộc dạng này như ngồi trên lửa khi liên tục được ban giám hiệu “mời” làm việc, bức xúc nhất là hai chức danh NV y tế và kế toán. Một số NV đã gửi đơn đến báo Phụ Nữ bày tỏ: “Căn cứ theo văn bản 06/GDĐT-TC ngày 4/1/2017 thì tất cả NV HĐ trên một năm chưa có bằng cấp phù hợp sẽ bị ngưng HĐ; nhưng riêng chức danh y tế và kế toán thì dù có bằng cấp phù hợp thì cũng phải ngưng, vì từ năm 2015 đã không còn hai chức danh này trong nhà trường. NV y tế  làm việc trong môi trường độc lập, có bằng cấp chuyên môn hẳn hòi và mỗi trường chỉ có một NV. Khi cần phủ kín mạng lưới y tế học đường thì lôi kéo chúng tôi về trường, thậm chí có những người là cấp dưỡng, bảo mẫu được khuyến khích đi học. Một số đã học xong, một số đang theo học lớp đào tạo y sĩ của Phòng GD phối hợp tổ chức. Văn bản này như dội nước lạnh vào tất cả NV y tế và kế toán phải bị cắt HĐ. Khi hoạt động, các trường học đều rất cần sự có mặt của chúng tôi để chăm sóc sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu kịp thời… Tại sao lại dừng HĐ?”.

Muốn làm tiếp, phải "lách"!

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 cho biết: “Chúng tôi thực hiện việc chấm dứt HĐLĐ với NV HĐ trên một năm là dựa trên công văn của Phòng Nội vụ trình UBND quận. Hiệu trưởng phải làm công tác tư tưởng với NV trước khi chấm dứt HĐ. Không hẳn là cho nghỉ việc luôn mà chúng tôi vẫn tìm cách sắp xếp chức danh, vị trí theo đúng quy định, để họ có thể tiếp tục ở lại trường làm việc; nhưng phải tính theo HĐ, bậc lương đúng vị trí mới.

Chẳng hạn, theo chỉ đạo thì từ năm 2015 trường đã dừng tuyển mới NV y tế học đường và NV tài chính kế toán nên những NV này muốn tiếp tục làm việc thì phải học chứng chỉ văn thư hoặc thủ quỹ (tùy theo trường còn thiếu vị trí nào). Tất nhiên, chức danh và bậc lương lúc này sẽ là NV văn thư, thủ quỹ có kiêm nhiệm thêm y tế… Nếu các NV đồng ý theo cách này thì có thể giữ lại được phần lớn người đang thuộc diện phải dừng HĐ”.

Một NV kế toán Trường tiểu học L., có bằng cử nhân, vừa được hiệu trưởng gọi lên để mở ra hướng đi: nếu muốn tiếp tục làm việc tại trường thì phải đi học văn thư, thiết bị thư viện; hoặc làm việc nhưng hưởng mức lương theo nghị định 68, nghĩa là tương tự những người không có bằng cấp chuyên môn như bảo mẫu, phục vụ, bảo vệ, mức thu nhập một-hai triệu đồng, mới được hưởng lương và chế độ nhà nước.

Mức thu nhập này, rõ ràng là không tương xứng với một người có bằng cấp, có chuyên môn; lại không thể nào trang trải được cuộc sống hàng ngày. Một NV trường học trải lòng: “Tiền không phải là tất cả mà ở đây còn là sự ghi nhận vai trò, công việc của chúng tôi trong bộ máy hoạt động của nhà trường. Nếu làm cách đó thì chẳng khác nào “lách” luật để tồn tại?".

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI