Dáng cò trong ngôi nhà lay lắt

21/12/2015 - 14:41

PNO -  “Cái khổ vẫn còn đây, nhưng đoạn trường bi ai, dường như ông trời thương, nên cũng đã châm chước ít nhiều”.

Chiều đồng quê thôn Lộc Thượng (xã Phước Sơn, H. Tuy Phước, tỉnh Bình Định), mùi ngai ngái của mương nước, khô khốc cộng với mùi gốc rạ oải mục, quyện vào nhau, rồi theo những cơn gió thốc lên, giăng khắp căn nhà tuềnh toàng cô độc nơi mé đồng. Căn nhà ấy, ba mươi năm qua, sáu số phận người lay lắt.

Ở hiên nhà, các thành viên trong gia đình ngồi co ro, mắt đăm chiêu, vô hồn. Chỉ có chị Lê Thị Ninh (54 tuổi) đang sửa lại đèn pin, loại gắn trên đầu, để kịp tối đi bắt ốc bươu. Rồi chị dừng lại, hít mũi, bảo có mùi tanh tanh của đất, nghĩa là trời sắp mưa. Lát sau, mưa lâm râm mấy hạt, chị Ninh nhỏ nhẹ : “Đã mấy tháng rồi cái thôn Lộc Thượng này nắng nóng kinh khủng, ốc bươu cũng rủ nhau đi trốn hết”. Chị thở dài.

Lần theo tiếng thở dài ấy, những hình ảnh về bi kịch của gia đình này dần hiện ra. 30 năm trước, chị Ninh ngấp nghé đôi mươi, phơi phới tuổi xuân thì, với mối tình sắp sửa nên nghĩa phu thê cùng chàng trai xã bên.

Đúng lúc đó, người em trai thứ bảy của chị là Lê Văn Cư (14 tuổi) đổ bệnh, tay chân mệt mỏi rồi teo tóp, da rút lại, nhăn nhúm bọc xương. Chị nói với người yêu sẽ tổ chức đám cưới sau khi chữa trị lành lặn cho em.

Nhưng căn bệnh quái ác của Cư khiến chị lần lữa mãi với hạnh phúc riêng của mình. Bệnh tình của Cư không khỏi, lại thêm hai em trai và một em gái cũng mắc bệnh tương tự. Không muốn người yêu khổ lây, chị gạt nước mắt “lên giọng” trách anh nghèo khó, giã từ giấc mơ riêng.

Dang co trong ngoi nha lay lat
Chị Ninh chăm sóc cho mẹ

Chị cười gượng, lơi giọng: “Thời gian cứ dành hết cho mấy em, không trực tiếp chăm nom thì chạy vạy vay tiền. Đến khi giật mình, đã vài năm đi qua, người yêu cũng vừa lập gia đình”.

Tay phải chị cầm chiếc đèn pin, đập bành bạch vào lòng bàn tay trái, chiếc đèn khi tỏ khi không, chị lại thở dài. Cái thở dài lại đưa chị về quá khứ đau thương. Khi biết bệnh tình các em không khỏi, phải chịu cảnh gần như bại liệt đến hết đời, chị đi đến quyết định ở vậy để lo cho mẹ và em.

Hồi các em mới vướng bệnh, mẹ tuy có tuổi nhưng còn phụ giúp chị mấy việc lặt vặt, hay ít ra còn có khoảng thời gian hai mẹ con ôm nhau khóc. Nước mắt, không giúp các em khỏi bệnh, và nỗi cơ cực vẫn còn trong ngôi nhà chị; nhưng ít ra, sau mỗi lần ôm mẹ cùng khóc, chị thấy lòng như nhẹ đi đôi chút, rồi gom góp sinh lực, tiếp tục lo cho mẹ và em.

Nhà có tất cả 10 chị em, các em thứ tư, thứ sáu và thứ chín mất sớm; hai em thứ ba và thứ năm đã lập gia đình, nhưng nghèo rớt mồng tơi, lại ở xa, nên không giúp chị được. Rồi mẹ chị bị tai biến đến bại liệt. Nhà còn sáu người, chỉ mình chị là lành lặn, hơn ba mươi năm qua chị phải lặn lội thân cò để làm chỗ dựa cho mọi người.

Nhà có sáu sào ruộng, mình chị làm không xuể, nên cho thuê hai; bốn sào còn lại, trời thương thì đủ lúa để xay gạo ăn lần ăn hồi qua ngày tháng. Chị thành thợ “đụng”, nhưng ở quê không nhiều việc ngoài sạ và gặt lúa.

Dang co trong ngoi nha lay lat
Chị Ninh đang sửa đèn pin để kịp tối đi bắt ốc bươu

Vào mùa, chị “gửi” mẹ và bốn em cho hàng xóm để lên Tây Nguyên hái thuê cà phê, ngặt nỗi năm ngoái cà phê không trúng nên chỉ làm được nửa tháng, rồi về. Cầm trên tay hơn một triệu đồng tiền công, cùng với mấy ký lúa để dành, cả nhà chị kéo dài sự sống thêm mấy tháng.

Trong khoảng thời gian ấy, để vá víu phần nào cảnh lay lắt của cả nhà, chị phải ra đồng bắt ốc bươu. Với ánh đèn pin loang loáng trên đầu, chị rong ruổi lầm lũi tận một, hai giờ sáng hoặc thậm chí là mờ sáng hôm sau mới về đến nhà. “Thường mỗi đêm tôi bắt được 15kg ốc, hôm nào đi ráng tới sáng thì được 30kg.

Giá ốc hiện là 4.500đ/kg, tính ra ráng lắm cũng không kiếm được trăm rưỡi một đêm, cả nhà tằn tiện sẽ ăn đủ trong một tuần. Mấy bữa nay trời nắng nóng ghê quá, ao sông gì nước cạn hết, nên ít ốc”, người phụ nữ lam lũ tâm sự.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI