Đang căng mình chống dịch, Indonesia liên tiếp bị cháy rừng

09/05/2020 - 11:23

PNO - Khói bụi từ các vụ cháy rừng và than bùn ở Indonesia có thể làm phức tạp hóa nỗ lực của đất nước này trong việc chống lại COVID-19.

Bà Wiendra Waworfox - Giám đốc bộ phận phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Indonesia - cho biết hôm 8/5 rằng, các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do khói từ những đám cháy tương tự như triệu chứng nhiễm COVID-19.

Sự gia tăng đồng thời bệnh hô hấp do hai nguyên nhân có thể trở thành vấn đề đau đầu của các cơ quan y tế Indonesia. Nghiên cứu cho thấy có một mối tương quan giữa tỷ lệ tử vong cao và mức độ ô nhiễm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Khói mù từ các vụ cháy rừng và khai khẩn đất đai do hoạt động canh tác trái phép - chủ yếu là cho những đồn điền dầu cọ - xảy ra hàng năm ở Indonesia.

Theo chính quyền địa phương, tính đến thứ Năm 7/5, ít nhất 765 điểm cháy đã được phát hiện ở nước này, thấp hơn con số 1.222 vụ năm trước đó.

Lực lượng chức năng cố gắng dập tắt một vụ cháy rừng ở Indonesia.
Lực lượng chức năng cố gắng dập tắt một vụ cháy rừng ở Indonesia

Miming Saepudin - người đứng đầu mảng dự báo thời tiết và cảnh báo sớm tại Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý quốc gia Indonesia - cho biết, trong tháng 5 hầu hết các khu vực ở đất nước vạn đảo sẽ bước vào đầu mùa khô, bao gồm cả những khu vực thường xảy ra cháy rừng và cháy than bùn. "Chúng tôi đã dự đoán rằng mùa khô sẽ đạt đến đỉnh điểm vào tháng 8, bao trùm 64,9% đất nước”, ông nói. 

Một số chuyên gia lo ngại khói mù sẽ cản trở nỗ lực giảm thiểu tác động từ đại dịch COVID-19, vốn đã lây nhiễm cho 13.112 người và giết chết 943 người tại Indonesia tính đến thứ Sáu 8/5.

Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn do nguy cơ thiếu khẩu trang chống bụi mịn N95. Hiện tại, khẩu trang cao cấp được dành riêng cho các nhân viên y tế, cộng đồng dân cư được hướng dẫn đeo khẩu trang bình thường.

Nhưng bà Wiendra Waworfox khẳng định khẩu trang N95 cũng cần thiết cho những người bị ảnh hưởng bởi khói từ đám cháy rừng, vì khẩu trang thông thường không lọc khói hiệu quả.

"Có thể sự khan hiếm khẩu trang N95 sẽ trầm trọng hơn vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 khi mùa khô đạt đến đỉnh điểm, giữa lúc chúng tôi phải cạnh tranh với các quốc gia khác để có được chúng.

Hơn nữa, chúng tôi chưa thiết kế bất kỳ kế hoạch dự phòng nào để đối phó với nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cả cháy rừng và COVID-19, trong khi hầu hết các nguồn nhân lực y tế đã tập trung để đối phó với COVID-19", bà Waworfox nói.

Năm 2019, các vụ hỏa hoạn đã tàn phá hơn 1,6 triệu ha đất đai của Indonesia, chủ yếu trên các đảo Borneo và Sumatra.

Vụ hỏa hoạn năm 2019 đã gây ra nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cho khoảng 900.000 người. Đám mây khói bụi đã ảnh hưởng đến chất lượng không khí không chỉ ở Indonesia, mà còn ở Malaysia, Singapore và cả Thái Lan, Philippines.

Tấn Vĩ (Theo Kyodo)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI