Thói quen xấu xí
Trên phương tiện giao thông công cộng hoặc đến những chỗ đông người, ta sẽ thường xuyên nhìn thấy cảnh người trẻ nhanh nhảu giành chỗ ngồi tốt. Người lớn tuổi chậm chạp lên sau, nếu may mắn còn chỗ sẽ ngồi phía sau, nếu không thì cứ việc… đứng. Rất ít người trẻ sẵn lòng đứng lên nhường chỗ cho người già hoặc phụ nữ có thai. Đa số những người nhường chỗ thường là những người thuộc lứa tuổi trung niên.
Chuyện giúp đỡ những người mang vác nặng cũng đang ít dần trong cộng đồng. Thậm chí có những thanh niên trẻ khỏe, ăn mặc lịch lãm thể hiện sự khó chịu khi phải chờ đợi những người vì mang vác nặng, có con nhỏ… nên phải di chuyển chậm chạp trên đường hẹp, nhà gửi xe…
Mới đây, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TPHCM, người đi đường không khỏi bức xúc trước thái độ của một thanh niên lái ô tô sau vụ va quẹt nhẹ nhưng khiến người phụ nữ đi xe máy ngã xuống đường, đồ dùng văng tung tóe. Chưa biết lỗi thuộc về ai, nhưng cách tài xế dừng xe giữa đường, hạ cửa kính, dửng dưng nhìn người phụ nữ cố gượng dậy, loay hoay nhặt đồ đạc và dựng xe máy là rất phản cảm. Có lẽ lối ứng xử của người lái xe kia không phải là chuyện cá biệt.
Ngày nay việc giúp đỡ người khác sao thật hiếm dù những hành động đẹp giúp đỡ người khác luôn được cộng đồng biểu dương.
|
Một hành khách say xỉn đến mức không thể đứng vững, quậy phá ở sân bay Liên Khương - ẢNH: T.V. (ảnh chụp ngày 11/10/2023) |
Háo hức chuẩn bị du xuân ngày đầu năm nhưng nhiều người cũng có cả tâm trạng lo lắng, bất an về những hành vi xấu xí chen lấn, xô đẩy ở những nơi đông người như lễ hội, chùa chiền. Cảnh cướp lộc, nhét tiền vào tượng Phật ở đền, chùa; nạn hái hoa, bẻ cành, đứng trên ghế, trèo lên tượng, giẫm đạp vào bồn hoa để... chụp ảnh tự sướng… ở công viên, điểm du lịch cũng làm nhiều người ngán ngẩm.
Không gian chung của cộng đồng đang bị biến thành không gian riêng của một số cá nhân. Họ gây ồn ào bất chấp ánh mắt khó chịu của người xung quanh. Tiếng ồn ào, náo động có thể từ một bàn tiệc, bàn nhậu; từ chiếc điện thoại thông minh của một cá nhân; từ cuộc cãi cọ, mắng chửi lẫn nhau của các thành viên trong gia đình… Có những người có thói quen khạc nhổ khắp nơi. Đang lái xe họ cũng không kiềm chế được thói quen xấu, bất chấp việc người đang lưu thông phía sau có thể hứng trọn bãi khạc nhổ của họ. Ở một số khu vực công cộng, tường nhà người khác bỗng trở thành nhà xí cho cả người lẫn vật nuôi. Cá biệt, có trường hợp phóng uế cả trong thang máy khu chung cư.
Điều đáng lo ngại khác là xu hướng ứng xử bạo lực. Người ta dễ dàng mắng chửi nhau, đánh nhau chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt: không muốn nhường đường; tranh nhau chỗ chụp ảnh, đậu xe… Phải chăng bạo lực là cách duy nhất để một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, hóa giải mâu thuẫn trong cuộc sống? Hàng loạt vụ việc bạo lực học đường liên tục diễn ra khiến cộng đồng hốt hoảng với câu hỏi phải chăng đánh nhau, xé áo bạn đang có nguy cơ trở thành “phong trào”?
Trách nhiệm của từng cá nhân
Quá nhiều điều đáng xấu hổ khi nhắc về văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân. Văn hóa ứng xử không tỉ lệ thuận với trình độ học vấn mà phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Thực tế cho thấy, không ít người có địa vị xã hội lại ứng xử kém văn minh nơi công cộng, bị dư luận phản ứng.
Điểm lại những quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng trong xã hội hiện đại sẽ thấy: tất cả những quy tắc đó vốn không xa lạ với người Việt. Văn hóa Việt Nam vốn được nhắc nhiều đến các yếu tố: kính trên nhường dưới, tương thân, tương ái, hòa nhã, giúp đỡ, sẻ chia… Một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng, văn hóa Việt Nam trước đây là văn hóa của cộng đồng nông nghiệp. Tính cố kết cộng đồng, trật tự kỷ cương rất cao và chặt chẽ. Khi cá nhân có những ứng xử lệch lạc sẽ bị cộng đồng tẩy chay, bài xích. Ở thời đại 4.0, việc đề cao tính cá nhân được chú ý nhiều hơn. Một bộ phận cộng đồng chỉ nghĩ đến bản thân, đặt cá nhân cao nhất, dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc.
Dù chỉ một bộ phận cư dân có hành vi xấu xí, nhưng điều này lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý chung, hình thành thói quen xấu trong xã hội. Lối ứng xử kém văn minh cũng sẽ khiến hình ảnh người Việt trở nên xấu xí hơn trong mắt du khách quốc tế.
Để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, bên cạnh những chiến lược, chính sách mang tầm quốc gia, mỗi công dân đều có thể góp tay bằng chính ý thức, trách nhiệm của mình. Xây dựng lối ứng xử có văn hóa cho chính mình và người thân trong gia đình, để hình thành cộng đồng ngày càng văn minh, hiện đại, nên được coi là trách nhiệm của từng cá nhân.
Một xã hội văn minh không chỉ được đánh giá bằng hình ảnh hạ tầng khang trang, hiện đại, nơi có những công dân ăn mặc thời trang, sử dụng sản phẩm công nghệ hiện đại… Điều quan trọng và mang nhiều yếu tố quyết định vẫn là hình ảnh công dân có lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, nhất là ở nơi công cộng.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn |
Phạm Phước Dũng