Đang bầu bì, tôi lại còn mắc kẹt giữa bên tình, bên hiếu

24/05/2023 - 09:01

PNO - Em về ở với cha mẹ để được chăm sóc tốt hơn khi mang thai, nhưng bây giờ em lại mệt mỏi quá thì phải có sự chọn lựa lại mà thôi!

Chào chị Hạnh Dung

Em xin được giấu tên. Hai vợ chồng em kết hôn ngoài dự kiến. Em và chồng quen nhau được 3 năm. Nhà chồng em rất nghèo, từ nhỏ ảnh ở cùng ông bà nội. 2 đứa định là làm 2 năm nữa chồng em kiếm tiền sẽ cưới. Nhưng đùng cái em có thai ngoài ý muốn. Nên phải cưới vội.

Cưới em, chồng em chỉ cho đôi bông 5 phân vàng, ngoài ra không cho gì hết. Cưới xong thì về ở bên cha mẹ em, có mẹ chăm sóc lúc em bầu bì. Em cũng muốn ở gần cha mẹ, tại chồng em không có cha mẹ. Tính anh cũng nóng nảy. Trước giờ không ai dạy, tự lo tự làm tự ăn, nên rất là cứng đầu.

Cha mẹ em thì lúc đầu không ghét, cũng lo cho vợ chồng em đủ thứ. Cha nhậu vô thì hay la rầy. Đủ chuyện. Một phần cũng rầy không đúng, nên chồng em không phục. Nên rất hay xảy ra vấn đề.

Lúc đầu em cũng hay khuyên chồng nên nhịn cha mẹ. Dù sao cha mẹ cũng lo cho mình. Nhưng về sau thấy chồng em ngoài chuyện cứng đầu và tham ngủ thì anh rất lo làm ăn, cũng không nhậu nhẹt tiêu xài gì cả, không bạn bè, không gái gú, em thấy cũng tội, nên cũng sang khuyên cha.

Nhưng tính cha gia trưởng. Cha kêu thôi chồng đi, cha nuôi. Chồng thì kêu về bên chồng ở, không ở chung nữa.

Em nên làm sao hả chị? Chị cho em xin lời khuyên. Em đang mang thai tháng thứ tám rồi ạ. Em đang rất bất lực, rất buồn, rất stress ạ. Em xin cảm ơn.

Em xin được giấu tên

Em gái giấu tên thân mến,

Đang bầu bì, lại phải ở trong cái cảnh "Bên tình, bên hiếu - bên nào nặng hơn", nên em lo lắng quá đến mức rối trí cũng phải. Thế nhưng điều quan trọng nhất lúc này là em phải giữ gìn sức khỏe, cho mình và cho con. Em vui vẻ, bình an, nhẹ nhàng thì con em ra đời mới tươi tắn, mạnh khỏe được, em nhé.

Hãy nhìn vào mặt tích cực của vấn đề: em đang có người cha, người mẹ rất thương em, lo lắng cho em. Em cũng có một người chồng tốt, một người đàn ông trưởng thành từ gian khó, cũng chịu làm ăn, và quan trọng là rất biết chịu trách nhiệm về em, về con. Chẳng mấy ai có được cả hai điều đó một lúc đâu. Nên lấy thế làm vui, em ạ.

Ông bà có câu "Thuyền theo lái, gái theo chồng". Câu này có thể làm "kim chỉ nam" cho sự chọn lựa của em bây giờ. Nếu tất cả những chuyện em kể, suy nghĩ và cảm nhận của em là đúng, thì Hạnh Dung thấy rằng chồng em có thể là người cho em đặt lòng tin và đi theo, một khi mâu thuẫn giữa chồng em và cha em không thể giải quyết. 

Thuyết phục một người đàn ông gia trưởng chịu nhường nhịn con rể, nhất là trong trường hợp con rể đang phải ở nhờ trong nhà mình là vô cùng khó. Hạnh Dung không biết cách em trò chuyện với cha ra sao. Nhưng dù sao thì một người cha bình tĩnh, hiểu chuyện, thương con, thương cháu không thể trong lúc con gái đang có bầu mà bảo con bỏ chồng đi, để cha nuôi được.

Hạnh phúc của con gái ông, của cháu ông không chỉ đơn giản nằm trong chuyện "nuôi ăn ngày 3 bữa cơm", phải không em? Dù ông có bất bình gì đó về chàng rể, ông cũng không thể nói đơn giản·thế. Vậy cho nên, nghe lời cha như thế là không thể được rồi.

Lúc trước, em về ở với cha mẹ để được chăm sóc tốt hơn trong khi dưỡng thai, nhưng bây giờ em lại mệt mỏi quá vì những va chạm trong cuộc sống chung, thì em phải có sự chọn lựa lại cho phù hợp với tình hình mới mà thôi. Và em có thể có vài phương án để chọn lựa.

Vì em ngày sinh của em cũng đã cận kề, mọi thay đổi lúc này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em và em bé, em có thể cùng chồng bàn bạc lại. Nếu chồng cảm thấy cũng không chịu nhịn được nữa, lại nóng tính, có thể dẫn đến những chuyện không hay, thì chồng có thể ra ngoài thuê nhà, và thường xuyên chạy qua chạy lại chăm sóc em. Ông bà bảo "Xa thì mỏi chân, gần thì mỏi miệng". Bớt va chạm, tiếp xúc sẽ bớt vấn đề.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong những lúc chồng không ở gần, em tranh thủ tác động tâm lý cha mẹ, nhờ mẹ khuyên giải cha giúp, và cũng động viên chồng mỗi khi về nhà ráng làm thân với cha, thể hiện tình cảm kính trọng, yêu thương và biết ơn cha mẹ vợ lo cho vợ mình. Cứ trì hoãn, kéo dài, làm bớt căng thẳng mọi vấn đề, cho đến khi em sinh con xong, con cứng cáp phần nào thì hãy ra riêng theo chồng. 

Trong trường hợp mọi mâu thuẫn đã đỉnh điểm và em sợ có những chuyện không hay, chồng cũng khăng khăng muốn em về nhà mình, thì trước đó, em cần phải cùng chồng chuẩn bị tâm lý và "cơ sở vật chất" từ đầu. Hãy chắc chắn rằng chồng em đủ sức, đủ tiền, đủ kinh nghiệm để khi về ở cùng anh, em sẽ được bình an, vui vẻ, anh sẽ chăm sóc, lo lắng cho mẹ con em thật tốt.

Sau nữa, hãy lựa chọn cách rời nhà cha mẹ cho thật bình an, để không khoét sâu mâu thuẫn cha vợ - chàng rể. Hãy động viên chồng nín nhịn mà xin phép cha mẹ cho đàng hoàng, đưa ra lời hứa hẹn sẽ chăm sóc em tốt khi đưa em ra riêng. Hãy hứa với cha mẹ là sẽ đưa em, đưa cháu về thăm ông bà thường xuyên... Một thái độ nhẹ nhàng, lễ phép chắc sẽ khiến cho việc em rời nhà cha mẹ không phải là sự chống đối, mà chỉ là làm sao tốt nhất cho mẹ và con em.

Với phương án nào thì vai trò của em trong việc chọn lựa, giải quyết các mâu thuẫn này đều cũng rất lớn và rất khó khăn. Nhưng em cũng đừng quá áp lực lên bản thân mình. Hãy khéo léo đặt sự chọn lựa đó cho những người thân: ai thương em nhiều hơn sẽ chịu nhún, chịu nhường nhiều hơn. Và em dựa vào đó mà nghỉ ngơi, dưỡng sức mình, em nhé.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI