Anh nghỉ việc, gom hết tiền dành dụm mở một trường mầm non dân lập. Nhờ người bạn có kinh nghiệm chỉ dẫn đường đi nước bước, nên mọi công đoạn vất vả ban đầu đều ổn thỏa; chỉ còn vấn đề cuối là ai sẽ đứng tên chủ trường và trực tiếp quản lý? Đàn ông ra mặt e là không tiện… “Dễ thôi mà”, bạn nói, “Anh cứ kêu vợ phụ một tay. Đàn bà phù hợp hơn”.
Nói thì đơn giản nhưng bắt tay vào anh mới hiểu, nghề chơi cũng lắm công phu, đặc biệt là với một phụ nữ lá ngọc cành vàng như vợ anh. Tuy cũng tốt nghiệp đại học nhưng lâu nay vợ anh chưa từng làm gì, bao năm chỉ quanh quẩn hai chữ “nội trợ”. Anh cũng từng một thời có cảm giác kiêu hãnh với hai chữ ấy, khi nghĩ mình đủ sức chu toàn kinh tế để vợ ăn rồi… ở không, làm kiểng.
Nhưng cuộc đời không sao nói trước được. Cơ quan anh sa sút, thêm nỗi mệt mỏi khi vợ quá… rảnh rang, anh đã phải thay đổi quan niệm. Ừ thì nói vợ đi học một khóa ngắn hạn, lấy chứng chỉ rồi về đường hoàng làm chủ trường, cũng vừa nhàn hạ vừa sang chảnh đấy sao?
Trầy trật mãi vợ anh mới có được tấm bằng theo quy định. Trời thương và cũng do anh khéo chăm chút, học sinh đông, lợi nhuận của trường cũng kha khá. Lẽ ra anh phải mãn nguyện với việc kinh doanh mới mẻ này, nhưng… Chuyện là cứ dăm bữa nửa tháng, trường lại xảy ra một vụ ồn ào. Toàn chuyện bé xé ra to, lại đều liên quan đến vợ anh!
Nào là to nhỏ các vấn đề riêng tư nhạy cảm, tam sao thất bản, đôi chối các kiểu giữa đàn bà với nhau. Nào là cư xử không công bằng, kẻ thương người ghét, dẫn đến lương thưởng thiếu rạch ròi, khiếu nại tới lui ì xèo. Nào là cứ nghĩ mình là chủ trường rồi phách lối với từ hiệu trưởng, cô giáo, cho tới bảo mẫu, nấu bếp…
Linh tinh vậy thôi nhưng anh đến nhức cả đầu vì bị lôi vào cuộc. Vợ anh là do anh đặt vào vị trí ấy, vợ tất nhiên ít nhiều phải nể chồng, nên có chuyện là tức thì anh bị lôi vào cuộc để nói một câu phải quấy. Mà anh thì, biết phải làm sao cho vẹn toàn?
Rồi chỉ là giao tiếp xã giao thôi, vợ anh cũng để ảnh hưởng đến hình ảnh của trường. Có lần anh nghe người nào đó bình luận oang oang ngay trước cổng trường: “Trường tốt đấy nhưng nhìn cái mặt con chủ trường thấy ghét quá!”. “Quả” này là do cái ánh mắt không mấy thiện cảm vợ anh thường dành cho người cùng phái, do thái độ “không ưng thì cứ việc lặn đi cho nước nó trong” của vợ anh đây mà.
Thôi đành từ từ cho cô ấy có thời gian thích nghi, lâu nay cô ấy có ra ngoài xã hội đâu… Thế nhưng lượng học sinh lại có chiều hướng chựng lại rồi giảm sút, dù anh đã gia tăng một số tiện ích, lại không tăng học phí. Thiên thời, địa lợi đều ổn, nhưng “nhân” không “hòa” nên đành chịu sao? Anh thật không cam lòng!
Anh về góp ý xa gần với vợ, nhỏ to khuyên vợ điều chỉnh bản thân để thích nghi với môi trường làm việc vốn đông người cùng giới nên hơi phức tạp. Đó là cơ ngơi của gia đình, nơi vợ được thể hiện bản thân, được trọng vọng, được góp sức mang lại vật chất cho cả nhà kia mà… Không ngờ tính cách thích áp đặt, chuyên quyền, ra vẻ của vợ anh hóa ra lại… khó sửa.
Anh nhận ra, vợ anh dần chẳng còn muốn làm theo những gì anh sắp xếp; còn tỏ rõ sự bực bội, chỉ muốn tranh cãi với chồng trước mặt người khác. Sự “cậy quyền” của vợ khiến cho hai vợ chồng đâm ra khó trao đổi, thỏa thuận, nói chi đến đồng lòng. Anh đành chọn cách kiểm soát từ xa, hạn chế xuất hiện ở trường, để khỏi ảnh hưởng đến công việc chung. Vậy mà…
Lần này là phản ứng gay gắt của một phụ huynh. Chị làm ầm lên rằng vợ anh “thiếu thốn” lắm hay sao mà cứ phải rủ rê cà phê riêng với chồng người khác. Chị mới để chồng đón con vài ngày mà đã sinh chuyện, vậy thì dạy dỗ được ai? Những câu ghen tuông cay nghiệt đàn bà dành cho nhau giữa chốn đông người khiến vợ anh mất mặt, hùng hổ lao ra. Nhiều nhân viên của trường không giấu được sự hả hê. Điều tiếng.
Anh lại lần nữa cố thu xếp, dàn hòa. Anh bao che bằng cách nhận đó là do anh nhờ vợ gặp gỡ, cô ấy không tự ý, tất cả chỉ là hiểu lầm. Chị phụ huynh kia tin anh, bỏ về, nhưng lại chuyển con sang trường khác. Thêm vài người vô tình chứng kiến cuộc đôi co, cũng cho con nghỉ học…
Chuyện lần này buộc anh phải nghĩ ngợi. Phải chăng khi có điều kiện thuận lợi, đàn bà dễ thay đổi, thậm chí đến mức không thể nhận ra nổi? Như vợ anh là một minh chứng rõ ràng! Đâu mới là bản chất thật của người đàn bà bấy lâu vẫn vui vẻ an phận ở nhà, nay lại “bung lụa” đến thế? Hay chỉ do anh cứ ngỡ mình hay, mình hiểu rõ tất cả, nhưng hóa ra là chẳng hiểu gì…
Giờ vợ anh nhìn đầy vẻ tự tin là mình đủ lông đủ cánh, không cần chồng chống lưng trước các rắc rối nữa. Vợ anh muốn tự giải quyết mọi thứ theo cách của mình. Anh như thành người thừa, muốn xen vào cũng khó, vì cách nói mang chất “sở hữu” của vợ anh ngày rõ rệt “ở trường của em…”.
Anh bắt đầu thấy hối hận vì đã nghỉ việc, gom hết trứng vào một rổ. Lẽ nào mình đành ngậm ngùi nhận lãnh cú “hất chân” của vợ? Phải chăng anh nhu nhược nên đành mang phận “chồng của chủ trường”, ngồi mát ăn bát vàng, đợi vợ ban phát tiền tiêu vặt? Hôm ấy, anh ngồi với chị đồng nghiệp cũ trong một quán nước. Ngày còn chung cơ quan, anh thường cùng chị ấy đâu lưng chống chọi với bao khó khăn, áp lực. Hai người chưa từng một lần “bỏ bạn”.
Vậy mà với vợ mình anh lại chẳng thể “hợp tác”! Bỗng dưng anh muốn bộc bạch tất cả những vất vả muộn phiền của mình khi tự ra làm chủ; bộc bạch thêm cái ý định kiếm việc làm đang manh nha. Anh thèm có ai đó biết lắng nghe và hiểu nỗi đơn độc của mình, khi người bạn đời của anh như một đường thẳng song song không chia sẻ được. Anh đã tính toán sai lầm ở đoạn nào đó thật rồi…
Vũ Anh