|
Xã Tà Cạ nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi cao chót vót - Ảnh: Phan Ngọc |
2 tháng sau trận lũ, vẫn phải ở nhờ
Hơn 2 tháng sau trận lũ quét, nhiều gia đình ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn đang sống cảnh màn trời chiếu đất do không còn nhà. Từ khuya 1/10 đến rạng sáng 2/10, người dân nơi đây phải “bỏ của chạy lấy người” do lũ đột ngột xuất hiện.
Anh Vi Văn Cường - ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - nói: “Ba cha con tôi đều chạy kịp nên không sao, nhưng toàn bộ nhà cửa, tài sản đều không còn. Cũng may, mấy tháng nay, hàng xóm cho ở nhờ trong nhà xe. Hơi chật chội nhưng quây bạt lại ở cũng đỡ mưa, đỡ lạnh hơn so với dựng lều ở”.
Chỉ tay vào ngọn núi ở phía sau nhà nay đã nứt toác hình vòng cung, sụt lún xuống hơn 2m, ông Lương Văn Thắng - ở bản Sơn Thành, xã Tà Cạ - nói: “Mưa dài ngày, đất trên núi no nước rồi, chỉ cần thêm trận mưa nữa là nó sẽ sập xuống, vùi lấp hết nhà dân ở phía dưới”. Sợ núi sập đè nhà, ông Thắng đành tháo dỡ nhà, chuyển tài sản đến nơi an toàn gửi tạm rồi dựng lán ở tạm.
Ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ - cho hay, vài ngày sau trận lũ quét, nhiều ngọn núi ở xã này bắt đầu nứt toác, sạt lở. Tà Cạ có 11 bản thì 8 bản đã xuất hiện các vết nứt, trong đó 4 bản có nguy cơ sạt lở rất cao. Ở một số bản, đất đá sạt lở đã làm sập nhà dân, buộc hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp.
Theo ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - trận lũ quét đầu tháng Mười đã khiến hơn 50 gia đình mất nhà, phải dựng lều tạm, ở nhờ nhà người thân hoặc đi thuê nhà trọ.
Anh Vi Văn Truyền - Trưởng bản Hòa Sơn - nói: “Phần lớn nhà tạm chật chội, được dựng sơ sài nên khi mùa đông về, gió xuyên qua rất lạnh. Cũng may, sau lũ, các đoàn từ thiện đã trao tặng nhiều nhu yếu phẩm nên người dân bị mất nhà giờ cũng không quá thiếu thốn”.
Theo ông Thò Bá Rê, UBND huyện đã khảo sát, tìm được một khu đất rộng chừng 10ha cách khu vực sạt lở chừng 1km để làm khu tái định cư cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, kinh phí để làm khu tái định cư này ước tính hơn 200 tỉ đồng. UBND huyện đang trình UBND tỉnh Nghệ An để sớm có nguồn kinh phí thực hiện dự án khu tái định cư.
Không riêng gì xã Tà Cạ, sau những đợt mưa lớn hồi đầu tháng Chín, hàng chục gia đình ở xã Bảo Nam cũng phải bỏ nhà, đi nơi khác dựng lều ở tạm để tránh sạt lở núi. Theo UBND huyện Kỳ Sơn, hiện toàn huyện có 265 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở núi, đất đá vùi lấp nhà.
“Cái khó là Kỳ Sơn không có mặt bằng để bố trí dân cư. Một bên là núi cao, một bên là sông suối nên người dân phải chấp nhận sống cheo leo vì không biết ở đâu. Cũng có những nơi bằng phẳng nhưng lại thuộc đất rừng phòng hộ, khó chuyển đổi, hoặc đất bằng nhưng không có nguồn nước sinh hoạt nên người dân cũng không thể ở” - ông Thò Bá Rê nói.
Giữ rừng đầu nguồn để ngăn sạt lở
Ông Lỳ Bá Thái - Phó bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn - cho biết, trận lũ quét ập về xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén hôm 2/10 là “nằm ngoài tính toán”. Bao đời nay, người dân sống quanh những con suối ở khu vực này không đủ nước để dùng nên không ai nghĩ đến chuyện có lũ ống, lũ quét.
|
Nhiều hộ dân phải dựng lều ở tạm, chờ tái định cư sau trận lũ quét - Ảnh: Phan Ngọc |
“Cả những người thổ địa ở đây cũng bảo chưa bao giờ có lũ ống. Nơi được xác định có nguy cơ sạt lở cao nhất là dọc sông Nậm Mô. Dọc sông này, chúng tôi đã cho dựng hàng chục lán trại tạm bằng sắt thép để di dời dân nhưng vừa rồi lại không xảy ra lũ quét” - ông Lỳ Bá Thái nói.
Ngược dòng suối Huồi Giảng, xã Tà Cạ về phía thượng nguồn chừng 10km, chúng tôi thấy những ngọn núi dày đặc vệt dài đỏ lòm do sạt lở. Theo ông Lỳ Bá Thái, đây là đất sản xuất của người dân. Có thể do không còn rừng nên nơi này không có khả năng giữ nước, ngăn sạt lở.
Ông Vừ Nỏ Dềnh - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn - cho biết, người dân ở xã đầu nguồn suối này chủ yếu trồng lúa, ngô, khoai, sắn chứ không trồng được cây khác. Sườn núi rất dốc, nhiều đá nên việc canh tác rất khó khăn. Lớp đất trên bề mặt nay cũng bị trôi, chỉ còn trơ lại lớp đá. Hiện khu vực này bị bỏ hoang.
Theo người dân địa phương, do phía thượng nguồn không còn rừng, không giữ được nước nên khi mưa lớn, nước đổ nhanh về hạ lưu với tốc độ cao kéo theo đất, đá, gây nên lũ quét. Ông Thò Bá Rê đồng tình với nhận định này: “Cách nhau không xa, lượng mưa tương đương, núi có độ dốc như nhau nhưng phía có rừng thì sạt lở rất ít, còn bên nương rẫy thì sạt lở rất kinh khủng”.
Ông cho hay, lòng khe ở thượng nguồn vốn hẹp nên khi đất đá từ trên núi tràn xuống, dòng chảy bị chắn ngang, biến khu vực này thành lòng chảo. Khi lượng nước đổ về quá sức chứa, bờ lòng chảo vỡ tung, nước ào ào chảy xuống hạ du thành lũ ống, lũ quét.
Theo ông, việc phủ xanh đất trống, đồi trọc ở huyện Kỳ Sơn còn khó khăn do người dân sống phụ thuộc quá nhiều vào nương rẫy. Địa hình núi dốc, việc đi lại khó khăn nên người dân chủ yếu trồng các giống cây ngắn ngày, không chú trọng trồng các giống cây lâu năm, có độ bao phủ tốt. Việc tìm đất tái định cư cho người dân ở vùng nguy cơ sạt lở chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Về lâu dài, phải tìm cách phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để người dân bớt khai thác đất rừng, quan tâm việc trồng rừng.
“Người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Để không vào rừng sống du canh, du cư, người dân cần có việc làm ổn định. Thực tế, người dân phát rừng làm nương rẫy cũng vì miếng cơm, manh áo. Do đó, nếu có được các mô hình kinh tế hay, có nhà máy sản xuất, dân có được việc làm thì mới không đi phát rừng làm rẫy, thậm chí còn trồng rừng trên nương rẫy, phủ xanh đồi trọc” - ông Thò Bá Rê nói.
Phan Ngọc