Dân vùng cát khấm khá nhờ nghề đánh xe trâu

04/03/2021 - 06:17

PNO - Nhờ nghề đánh xe trâu chở hàng hóa vào nơi xe không vào được, nhiều người có công ăn việc làm ổn định, nuôi con cháu thành tài

Giữa lúc quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở vùng nông thôn ven biển hai huyện Phú Vang, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế thì nghề đánh xe trâu vẫn có “đất dụng võ”. Nhờ nghề này, nhiều người có công ăn việc làm ổn định, nuôi con cháu thành tài. 

Thoát nghèo nhờ xe trâu

Đi dọc Quốc lộ 49B đoạn chạy qua các xã ven biển như Vinh Thanh, Vinh An (H.Phú Vang), Vinh Mỹ (H.Phú Lộc), người ta dễ dàng nhìn thấy hàng trăm người già, trẻ tập trung ở đầu làng, các cửa hàng vật liệu xây dựng hay trên các bãi biển để vận chuyển hàng bằng xe trâu. Việc đi lại ở đây rất khó khăn do đường đi toàn cát trắng, nên xe trâu là phương tiện vận chuyển chủ lực. Trước đây, người ta dùng xe trâu để vận chuyển cá và các dụng cụ phục vụ nghề đi biển. Còn hiện nay, người ta dùng xe trâu để vận chuyển đủ thứ, đặc biệt là vật liệu xây dựng. 

Nhờ hơn 20 năm làm nghề xe trâu, ông Lương Lạt đã nuôi bốn người con ăn học thành tài
Nhờ hơn 20 năm làm nghề xe trâu, ông Lương Lạt đã nuôi bốn người con ăn học thành tài

Những năm 2000, khi nhiều hộ ở xã Vinh An bắt đầu có điều kiện xây nhà và các công trình lớn, nghề xe trâu cũng phát triển mạnh. Ông Nguyễn Công Gia - ở thôn Vinh An, xã Vinh Thanh - kể: “Nhiều nhà ở thôn Hà Úc có xe trâu. Người làm nghề đánh xe trâu rất đông nhưng chẳng khi nào thiếu việc. Việt kiều đua nhau gửi tiền về xây nhà, xây lăng mộ nên nghề xe trâu cũng dễ sống. Hiếm có nghề nào dễ làm ăn như nghề xe trâu. Thậm chí, nhiều người bỏ nghề đi biển để làm nghề xe trâu. Tôi xây được căn nhà bề thế như thế này cũng nhờ vào xe trâu”.

Theo anh Nguyễn Xuân Tư - ở thôn Trung Định Hải, xã Vinh An - làm nghề này chỉ cần chịu khó. Ngày ngày, vợ anh Tư cắt cỏ về cho trâu ăn, còn anh Tư đánh trâu đi chở thuê vật liệu xây dựng hoặc phân bón lúa, tiền công 300.000-400.000 đồng/ngày. Vào tháng Ba âm lịch, mùa làm lăng mộ ở làng An Bằng, xã Vinh An, có ngày, vợ chồng anh Tư kiếm được tiền triệu. “Tui thương trâu như thương con. Nhờ nó mà có thu nhập mỗi ngày. Bây giờ, trong xã có nhiều ô tô, xe tải nhưng xe trâu vẫn vận chuyển hàng hữu hiệu nhất” - anh Tư nói.

An Bằng là vùng cát, đường làng nhỏ, khu vực xây mộ xa, xe cơ giới không thể vào được nên xe trâu “đắc địa”. Nhiều người bỏ quê đi làm công nhân một thời gian, kiếm được ít vốn cũng trở về quê sắm con trâu và chiếc xe trâu để mưu sinh. “Anh có tin không, nhờ nghề xe trâu mà gia đình tui nuôi con ăn học, rồi dựng vợ, gả chồng cho chúng” - anh Tư khoe.

Khi nhắc đến lịch sử nghề xe trâu ở xã Vinh An, nhiều người theo nghề thầm biết ơn ông Phan Lộc - năm nay 87 tuổi, ở thôn Hà Úc, một trong những người làm nghề đánh xe trâu trước năm 1975. Nhà ông Lộc nằm ở cuối thôn Hà Úc.

Xe trâu là phương tiện vận chuyển phổ biến đối với người dân làng Hà Úc, xã Vinh An
Xe trâu là phương tiện vận chuyển phổ biến đối với người dân làng Hà Úc, xã Vinh An

Ông Lộc kể, trước năm 1975, cả làng Hà Úc chỉ có 1-2 chiếc xe trâu. Lúc đó, trâu trong làng rất hiếm, gia đình nào có được xe trâu thì được xem là giàu có, vì một chỉ vàng mới đổi được một con trâu. Ông Lộc khi đó phải đi vay mượn tiền, rồi qua vùng Đá Bạc đặt mua trâu về. Cũng nhờ con trâu đầu tiên đó, ông làm ăn khấm khá. “Nghề này đã giúp cả làng Hà Úc vượt qua những lúc ngặt nghèo. Giờ tuổi già, gần 30 năm không còn theo nghề nhưng tui mong con cháu đừng phụ nghề” - ông Lộc nhắn nhủ.

Con trâu là của hồi môn 

Những địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ toàn cát trắng; người dân làm vườn, trồng hoa màu đều trên cát trắng. Trước đây, việc vận chuyển phân bón để sản xuất đều dựa vào sức người gánh gồng. Khoảng năm 1980, ngành trồng trọt và chăn nuôi ở các xã ven biển Thừa Thiên - Huế phát triển mạnh, sức gánh gồng của con người không thể phục vụ kịp nhu cầu sản xuất, người dân bắt đầu dùng trâu để kéo xe. Hàng chục năm qua, xe trâu trở thành phương tiện vận chuyển chủ lực ở vùng cát ven biển Thừa Thiên - Huế. 

Đến làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, H.Phú Lộc, sẽ thấy xe trâu rong ruổi trên đường làng, chở tất tần tật mọi thứ. Nhiều gia đình hiện vẫn còn giữ tập tục tặng trâu cho con trai khi lấy vợ, ra riêng. Ông Lương Lạt - ở thôn 4, xã Vinh Mỹ - kể, năm 28 tuổi, sau khi lấy vợ được một năm, ông xin cha mẹ ra ở riêng. Cha ông Lạt đã tặng đôi vợ chồng trẻ một con trâu làm vốn. Từ đó về sau, xe trâu đã giúp gia đình ông Lạt vượt qua khốn khó và nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.

Cụ Phan Lộc là một trong những người đầu tiên làm nghề đánh xe trâu ở làng Hà Úc
Cụ Phan Lộc là một trong những người đầu tiên làm nghề đánh xe trâu ở làng Hà Úc

Ông Lạt nhẩm tính, để có một chiếc xe trâu “đạt chuẩn”, cần khoản đầu tư 40-50 triệu đồng, gồm con trâu đực to khỏe và một chiếc xe kéo cải tiến, được thiết kế phù hợp với vùng cát. 

Nhiều người giàu lên nhờ trâu. Vợ chồng anh Huỳnh Mãn và chị Lương Thị Thiện - ở thôn 4, xã Vinh Mỹ - làm nghề xe trâu gần 20 năm nay, nuôi năm người con học xong đại học, có việc làm ổn định. Anh Mãn cho hay, ở vùng cát trắng này, làm nghề gì cũng vất vả, không đủ sống, riêng nghề xe trâu vẫn cho thu nhập ổn định. Ở làng cát Mỹ Lợi, nhiều gia đình có “của ăn của để” cũng nhờ nghề này. 

Anh Nguyễn Văn Dũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, từng làm đủ nghề kiếm sống, kể cả làm lâm tặc ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Sau bao năm làm ăn thất bại, năm 2002, anh trở về làng Mỹ Lợi với hai bàn tay trắng. Anh bèn vay mượn tiền mua một con trâu và chiếc xe. Nhờ xe trâu này, anh làm ăn khấm khá, trả hết nợ và sắm thêm chiếc xe trâu nữa. Anh Dũng cho hay, bình quân mỗi ngày, anh chở thuê 5-7 chuyến, kiếm được thu nhập 300.000-500.000 đồng. Mùa mưa thì ít việc, còn mùa nắng thì làm không kịp. 

“Nhờ nghề xe trâu mà gia đình tui từ chỗ trắng tay chuyển sang khấm khá, vừa rồi xây được nhà trị giá 140 triệu đồng. Tui một chữ bẻ đôi cũng không biết mà giờ con tui đã học lớp Mười. Ước mong của tui là sau này đứa con trai vô được đại học. Nếu sau này, trời cho lựa chọn nghề khác, tui cũng quyết chọn nghề xe trâu” - anh Dũng phấn khởi. 

Ông Hoàng Đình Xuân Thịnh - Phó chủ tịch UBND xã Vinh An, H.Phú Vang - cho biết toàn xã hiện có hơn 50 hộ chuyên theo nghề xe trâu, chủ yếu tập trung ở thôn Hà Úc. “Muốn cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao trên cát, chỉ có cách bón nhiều phân hữu cơ và rong vớt từ phá Tam Giang. Muốn vận chuyển phân, rong trên cát, phải cần đến xe trâu. Muốn vận chuyển vật liệu xây dựng nhà, làm lăng mộ, cũng phải nhờ xe trâu, vì ô tô chạy là lún” - ông Thịnh nói. 

Thuận Hóa

Từ khóa abc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI