Nước sông, suối đen ngòm
Ở xã A Ngo, hiện có 3 bãi hạ tải than đá của Công ty cổ phần Logistics PTS Việt Nam, Công ty TNHH Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty TNHH Nam Tiến. Đây là các doanh nghiệp nhập than đá từ Lào về qua cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, sau đó chở ra các cảng biển để tái xuất sang nước khác.
|
Dòng nước ở cống thoát nước gần một bãi hạ tải than đá đen ngòm - Ảnh: Thuận Hóa |
Có nhà ở cạnh bãi hạ tải than đá, ông Hồ Văn Mai cho biết, các bãi than này đã làm đảo lộn cuộc sống của các gia đình trong vùng này: “Trước đây, gia đình tôi dùng nước dưới suối phía sau nhà để ăn uống, nhưng từ khi có các bãi than đá, nước từ các bãi than chảy xuống làm suối đen ngòm, gia đình tôi phải đi xin nước ở nơi khác hoặc phải mua nước đóng bình để dùng, rất tốn kém, bất tiện. Mùa nắng, bụi than từ bãi và từ các xe tải trọng lớn bay mù mịt, bám vào nhà cửa, làm cho chén đũa, áo quần và các vật dụng khác đen thui. Ai cũng lo lắng cho sức khỏe”.
Ông Hồ Văn Thúc - ở thôn A Đeng, xã A Ngo - than, nhà nào ở đây cũng phải đóng kín cửa suốt ngày để hạn chế bụi than bay vào nhưng mỗi sáng thức dậy, bụi than vẫn đen kịt trên nền nhà: “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương di dời các bãi tập kết than này ra xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Cứ để bãi than lâu ngày như thế này, người dân đổ bệnh hết”.
Ông Hồ Thủy - Trưởng thôn La Lay, xã A Ngo - cho biết thêm, trước đây, khi chưa có các bãi than, cuộc sống của bà con rất yên lành. Khoảng 3 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều mặt. Thôn La Lay có 80 hộ, 339 nhân khẩu, khoảng 80% số hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ các bãi than. Mùa nắng, bà con phải mua bạt che chắn nhà cửa nhưng vẫn không thể ngăn bụi triệt để. Mùa mưa, nước từ các bãi than chảy xuống các rãnh 2 bên đường rồi chảy trực tiếp xuống các sông, suối, làm cho dòng nước đen ngòm. Người dân phải góp tiền khoan giếng để có nước dùng, nhưng nguồn nước này cũng bị nhiễm vôi, phèn khá nặng. Trường học cũng ở gần bãi tập kết than nên người dân lo bụi than ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con em họ.
Đề xuất xây băng tải than đá
|
Công ty TNHH Nam Tiến đã đào thêm các hố lắng ở bãi tập kết than đá |
Ông Hồ Tất Huấn - Chủ tịch UBND xã A Ngo - cho biết, ngày 25/9/2023, UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra về hoạt động hạ tải các bãi than gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân. Bãi hạ tải của Công ty cổ phần Logistics PTS Việt Nam hiện có khoảng 2.000 tấn than đá, không được che chắn, phủ bạt, các hố lắng bị bồi lấp. Do vậy, nước mưa đã cuốn lượng lớn than đá ra sông, suối khiến sông, suối đen ngòm.
Bãi hạ tải của Công ty TNHH Tập đoàn Hoành Sơn có khoảng 200 tấn than đá, được phủ bạt nhưng hố lắng đã bị bồi lấp nên cũng có than đá bị nước mưa cuốn ra sông, suối. Bãi hạ tải của Công ty TNHH Nam Tiến có khoảng 100.000 tấn than đá, toàn bộ không được phủ bạt, hố lắng sơ sài, một lượng lớn than đá theo nước mưa chảy ra sông, suối. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các công ty che chắn bãi than, sớm nạo vét hố lắng, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Ngày 12/10/2023, UBND xã A Ngo tiếp tục kiểm tra việc thực hiện các kết luận và yêu cầu của đoàn kiểm tra trước đó. Đoàn ghi nhận, các công ty vẫn chưa chấp hành đầy đủ những yêu cầu về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Ông Trịnh Xuân Bình - quản lý bãi than của Công ty TNHH Nam Tiến - cho biết, mấy ngày qua, công ty đã đào mới 3 hố lắng, nâng tổng số hố lắng lên 7 cái. Công ty cũng phủ bạt che chắn bãi than và vẫn đang hoàn thiện các hạng mục nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Ông Bùi Đức Thành - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị - cho hay, tuyến Quốc lộ 15D đi cửa khẩu La Lay nhiều lần bị hư hỏng, sụt lún, đứt gãy mặt đường. Do đó, việc tự ý xây dựng, đưa vào hoạt động các bãi hạ tải, tập kết than không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây mất an toàn giao thông trên tuyến. Ông nói: “Chúng tôi đã nhắc nhở, lập biên bản, đề xuất xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này dừng hoạt động trên để chờ ý kiến kết luận, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền”.
Ngày 2/8/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn gửi các cơ quan, ban, ngành và UBND huyện Đakrông. Công văn này cho phép Công ty Nam Tiến cùng lúc thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định đồng thời được mở bãi tập kết, hạ tải hàng hóa tạm thời ở vị trí đang được khảo sát để lập dự án đầu tư xây dựng kho bãi tập kết. Công văn cũng yêu cầu Công ty Nam Tiến đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự tại bãi tập kết tạm thời này. Nhưng trên thực tế, bãi tập kết than này vẫn đang gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bất an.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi năm, các doanh nghiệp trên cần vận chuyển 20-30 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển. Do cơ sở hạ tầng ở cửa khẩu quốc tế La Lay chưa đồng bộ, Quốc lộ 15D cũng chật hẹp nên đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường do hoạt động hạ tải than đá ở gần cửa khẩu này. Để thuận lợi trong việc nhập khẩu than đá từ Lào về, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương, đề xuất phương án vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay bằng băng tải.
Theo ông Lê Đức Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, để thực hiện phương án này, cần xây dựng băng tải than đá dài 160km nối từ mỏ than ở 2 tỉnh Sekong và Salavan (Lào) về đến cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Trong đó, đoạn phía Lào dài 85km, đoạn phía Việt Nam dài 75km, tổng mức đầu tư đoạn ở Việt Nam dự kiến 10.800 tỉ đồng. Trước mắt, UBND tỉnh kiến nghị cho phép nhà đầu tư xây dựng băng tải dài 5km, công suất 6.000 tấn/giờ ở khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay. Nếu được đồng ý và cho thực hiện, phương án này sẽ giúp tăng năng suất nhập khẩu than, giảm rủi ro, bảo vệ môi trường, tránh hư hỏng hạ tầng giao thông.
Thuận Hóa