Dân ven biển Thừa Thiên - Huế nơm nớp lo sóng ngoạm nhà

18/12/2019 - 07:00

PNO - Mấy năm nay, bờ biển thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn trong tình trạng 'báo động đỏ' về các cấp độ sạt lở, nhất là sau mỗi đợt mưa, lũ.

Sống khổ bên vùng sạt lở

Biển ở xã Phú Thuận, H.Phú Vang là biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh. Người dân nơi đây phải đối diện với tình trạng biển xâm thực, sạt lở. Hiện tại, biển vẫn tiếp tục “nuốt” rừng dương, sóng biển kết hợp triều cường xâm thực vùng bờ biển dài hơn 5km qua các thôn An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3.

Tại thôn An Dương 1 - nằm ở đầu múi kè chống sạt lở Phú Thuận - biển lấn sâu vào đất liền hơn 10m với chiều dài 400m, ảnh hưởng trực tiếp 30 hộ dân. Hàng chục cây dương nhiều năm tuổi trên bờ bị bứng gốc, rơi xuống biển, một công trình thờ tự của ngư dân chuyên nghề đi biển cũng sắp bị sóng biển đánh sập. “Mấy hôm nay, đi dọc bờ biển, thấy nó lở gần đến nhà rồi. Nếu nhà nước không quan tâm giúp đỡ, chắc ít bữa nữa, nhà sập thôi” - ông Ngô Đức Mạnh, ở thôn An Dương 1, than thở.

Hàng năm, vào mùa mưa bão, triều cường, gần 4.300 hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3, trong đó có 600 hộ sống ven biển, cứ nơm nớp lo sạt lở. Các thôn Tân An, Tân Trung, Xuân An cũng sạt lở nặng, nhiều nhà bị sóng đánh sập, trơ móng, đành bỏ hoang. Người dân địa phương cho rằng, với tốc độ xâm thực dữ dội như nhiều ngày qua khi triều cường liên tục xuất hiện, các cánh rừng dương liễu phòng hộ ven biển sẽ khó trụ nổi.

Dan ven bien Thua Thien - Hue nom nop lo song ngoam nha
Tình trạng sạt lở bờ biển Thừa Thiên - Huế mấy năm nay luôn ở mức "báo động đỏ"

Cuối năm 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã rót 100 tỷ đồng để xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển ở thôn An Dương, chia làm hai giai đoạn với tổng chiều dài 830m.

Trong giai đoạn 1, đoạn kè chống sạt lở dài hơn 400m đã được xây với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng; giai đoạn 2 được triển khai cuối tháng 7/2019 với đoạn kè dài 230m, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại, ở hai đầu múi kè, tình trạng biển xâm thực diễn ra khá mạnh.

Ông Nguyễn Quang Dân - Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận - thông tin,  chính quyền xã đã di dời 40 hộ dân từ vùng sạt lở ven biển An Dương lên khu tái định cư Xuân An cùng xã. Mỗi hộ dân tái định cư được bố trí đất nền 140m2 ở trung tâm cộng với số tiền hỗ trợ 25 triệu đồng.

“Với tình trạng biển xâm thực như hiện nay, khoảng 300 cây dương liễu phòng hộ có khả năng bị sóng xô ngã, cuốn trôi. Sau khi khảo sát thực địa, chúng tôi sẽ báo cáo lên các cấp để có phương án ứng phó trước mắt cũng như lâu dài” - ông Dân nói. 

Nguy cơ biển nuốt nhà

Tại bờ biển xã Vinh Hải, H.Phú Lộc, tình trạng cũng tương tự xã Phú Thuận. Bờ biển nơi đây bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng 3km, biển “ăn” vào đất liền từ 5-7m. Một số đoạn bờ biển bị san phẳng nên sóng biển tràn qua Tỉnh lộ 21, đe dọa vườn trồng hoa màu và ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân. Nhiều điểm sạt lở sâu vào khu dân cư, uy hiếp nhà cửa của dân.

Đặc biệt, một số hàng quán phục vụ khách tắm biển bị sóng đánh tanh bành khiến nền móng bị hư hỏng nặng, lộ rõ cả hàm ếch. Những hàng phi lao cao lớn với gốc to chừng 50cm, rễ bám chặt vào đất cũng nằm chỏng chơ nơi chân sóng.

“Quán của tôi năm nào cũng bị sóng đánh tan tành. Hồi trước, bờ biển ở tận ngoài xa, phải hơn 200m nhưng sóng biển bây giờ lấn vào tận đây, không biết vài năm nữa sẽ ra sao. Nếu cơ quan chức năng không sớm xây kè bảo vệ bờ biển thì thời gian tới, chắc vườn tược, nhà cửa ở đây sẽ bị cuốn trôi hết” - bà Huỳnh Thị Hoa (70 tuổi, ở xã Vinh Hải) nói.

Dan ven bien Thua Thien - Hue nom nop lo song ngoam nha
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 30km bờ biển bị sạt lở

Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải - thông tin, năm nay ít mưa bão nên nhiều người nghĩ tình trạng sạt lở bờ biển tại Vinh Hải sẽ giảm, nhưng chỉ sau hai đợt mưa giữa tháng 11 và 12 vừa qua, cộng với triều cường dâng cao, bờ biển tiếp tục bị xâm thực, sạt lở toàn tuyến với chiều dài 3,3km. Bờ biển bị xâm thực nặng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 700 hộ dân toàn xã. Với tốc độ xâm thực nhanh như hiện nay, nguy cơ sạt lở vào đến nhà dân đang hiện rõ.

“Trước mùa mưa bão hằng năm, chính quyền địa phương đều huy động nhân lực dùng đá hộc, rọ thép xử lý khẩn cấp những điểm sạt lở, nhưng khi biển động mạnh, tình trạng sạt lở tiếp tục tái diễn và càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi mong các cấp quan tâm, hỗ trợ xây các tuyến đê kè chắc chắn để bảo vệ bờ biển và khu dân cư” - ông Hữu nêu nguyện vọng.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có hơn 30km bờ biển bị sạt lở, trong đó có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng. Một số chỗ nặng như thôn An Dương, xã Phú Thuận bị sạt lở với chiều dài 2km, xói sâu vào 5-8m; đoạn qua xã Phú Diên, Phú Hải, H.Phú Vang bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2km… 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI