Dân văn phòng thắt lưng buộc bụng vì lạm phát

03/07/2022 - 06:30

PNO - Sau hai năm ở nhà vì đại dịch, các nhân viên văn phòng trên toàn thế giới quay trở lại nơi làm việc. Và lập tức họ phải đối mặt với khó khăn khi nhiều chi phí, nhất là giá bữa trưa ngày càng trở nên đắt đỏ do lạm phát.

Bữa trưa đắt đỏ

Cho dù đó là đĩa salad, bánh mì hay cơm hộp, giá bữa ăn trưa đang tăng trên toàn thế giới. Kênh CNN đưa tin rằng, các nhân viên khi quay trở lại văn phòng tại Mỹ đã “choáng” khi thấy giá thực phẩm, nhiên liệu, tiền nhà trẻ và chi phí đi lại tăng chóng mặt. 

Sản phẩm hộp cơm trưa ăn liền bán ở cửa hàng 7-Eleven ở Jung-gu, Seoul (Hàn Quốc) được nhiều nhân viên văn phòng lựa chọn nhằm tiết kiệm chi phí trong những ngày “bão giá” - ẢNH: YONHAP
Sản phẩm hộp cơm trưa ăn liền bán ở cửa hàng 7-Eleven ở Jung-gu, Seoul (Hàn Quốc) được nhiều nhân viên văn phòng lựa chọn nhằm tiết kiệm chi phí trong những ngày “bão giá” - Ảnh: YONHAP

Theo Bộ Lao động Mỹ, hiện chỉ số giá đối với thực phẩm bên ngoài gia đình đã tăng 7,2% so với năm ngoái. Giá thực phẩm trong riêng tháng Tư đã tăng 9,4% so với cùng thời điểm vào năm trước, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Cả Starbucks và Dunkin Donuts đều tăng giá cà phê, bánh mì và các loại bánh bán vào buổi sáng. Bữa trưa càng tốn nhiều tiền hơn.

Kelly Yau McClay - sống ở bang Maryland - cho biết: “Lạm phát bữa trưa là có thật 100%. Trước đây, bạn có thể mua bữa trưa với giá từ 7 - 12 USD. Bây giờ không có cách nào bạn có thể có được một bữa trưa tươm tất với giá dưới 15 USD”. Nhiều nhân viên tìm cách xoay xở bằng việc mang đồ ăn trưa từ nhà và mang gói cà phê pha sẵn vào văn phòng thay vì ghé các quán cà phê.

Ở Hàn Quốc, giờ ăn trưa là rất đặc biệt đối với nhân viên văn phòng. Họ thường ngồi lại giao lưu với bạn bè và đồng nghiệp lâu hơn thời gian dành cho bữa ăn. Trong một cuộc khảo sát của công ty nhân sự Incruit vào tháng Năm, 96% trong số 1.004 nhân viên văn phòng được hỏi nói rằng họ thấy giá bữa trưa đang ở mức cao. Gần một nửa trong số đó cho biết đang tìm cách cắt giảm chi tiêu cho bữa trưa. 

Lee Sang-jae - người điều hành một nhà hàng galbitang (thịt bò hầm ăn với cơm) ở quận trung tâm của Seoul - nói rằng anh đang cố gắng không tăng giá nữa để giữ chân khách hàng. Nhà hàng của Sang-jae đã tăng giá món galbitang hai lần trong năm nay, từ 10.000 won lên 12.000 won. Anh chia sẻ: “Tôi từ bỏ một phần lợi nhuận của mình, sau khi nghĩ đến những khó khăn tài chính mà nhân viên văn phòng trong những ngày này phải đối mặt”.

Một số thực khách chọn thực phẩm rẻ hơn từ cửa hàng tiện lợi thay cho những quán ăn như của Sang-jae. Những chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc như GS25, CU, 7-Eleven và Emart24 đã đạt ​​mức tăng 30 - 50% trong doanh số bán đồ ăn liền kể từ đầu năm 2022.

Tăng hỗ trợ cho nhân viên

Việc quay trở lại làm việc ở văn phòng cũng khiến chi phí xăng dầu, đi lại tăng lên. Điều đó đã khiến một số nhân viên quyết định đi chung xe để tiết kiệm hơn. Một số không ra khỏi nhà vào những ngày không phải đi làm. Giá quần áo ở Mỹ đã tăng 5,4% so với năm 2021 khi nhiều người tăng cân sau cả năm ở nhà, cần thay trang phục công sở rộng rãi, thoải mái hơn. Trước tình hình này, nhiều người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn, hoặc có thêm các phúc lợi nhằm hỗ trợ cuộc sống trong giai đoạn khó khăn. 

Mercer - công ty tư vấn nguồn nhân lực có trụ sở tại New York - đã khảo sát hơn 300 nhà tuyển dụng ở Mỹ vào tháng Ba và phát hiện ra rằng, 77% nhân viên nghỉ việc là do không hài lòng với chính sách lương. Và họ đã chọn đổi việc khi nhận được đề nghị mức lương cao hơn ở một công ty khác. Có đến 45% nhà tuyển dụng đã không tính lạm phát vào ngân sách tiền lương. Đồng thời, chưa đến 25% cho biết đang thay đổi ngân sách tiền lương vì lạm phát. 

Lạm phát đã vượt qua mốc 8% vào tháng Năm tại Mỹ. Nhiều công ty chọn không tăng lương tương ứng với mức lạm phát hiện tại do lo rằng sẽ rất khó để thu hồi chính sách trong những năm tới, khi lạm phát giảm xuống. Thay vào đó, các công ty chọn trả thêm dưới hình thức thưởng một lần như phát hành cổ phiếu cho một nhóm nhân viên, hoặc tăng cường thưởng trên doanh số, tăng phúc lợi về chăm sóc sức khỏe…

Vì vậy, đối với những người lao động đang làm tốt công việc và cảm thấy mức lương không theo kịp với chi phí sinh hoạt, đây là thời điểm để họ trao đổi với người sử dụng lao động để có sự hỗ trợ cần thiết. 

 Tấn Vĩ (theo CNBC, Reuters, Forbes, Yahoo)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI