Vận động quần chúng phải đi vào chiều sâu, cụ thể, thiết thực. Muốn vậy, mỗi cán bộ luôn phải có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Thấm nhuần lời Bác dạy, cán bộ hội viên Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã dân vận bằng cả tâm huyết và tấm lòng.
“Chị Ngọc làm được thì mình cũng làm được!”
Ngày 14/8, mới sớm tinh mơ mà nhà chị Võ Thị Ngọc ở tổ 3, khu phố 7, P.Thới An, Q.12, TP.HCM đã đông vui. Thì ra là ngày chị em nhóm thiện nguyện tập trung nấu cơm, gói quà tặng các bệnh nhân khó khăn và người già neo đơn. Xem làm việc thiện là niềm vui nên công việc dù phải thức khuya dậy sớm nhưng các chị vẫn nói cười vui vẻ. “Được lăng xăng những công việc giúp đỡ, chia sẻ với mọi người mới biết ơn cuộc đời vì mình còn khỏe mạnh” - một chị trong nhóm nói.
Nhóm nấu cơm thiện nguyện hình thành từ trước năm 2012 tại một địa điểm khác, với vài ba tình nguyện viên và chị Ngọc là một trong số ấy.
Chồng chị Ngọc bị tai nạn giao thông, mất năm 1994. Một mình chị bươn chải nuôi ba đứa con nhỏ. Sau năm 2005, khi các con đã khôn lớn, cuộc sống dễ thở hơn, chị Ngọc bắt đầu tham gia việc Hội. “Trong lúc tôi khốn khó nhất, nguồn vốn Hội đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Bây giờ tôi tham gia việc Hội cũng là cách trả ơn cuộc đời”.
|
Hội LHPN TP.HCM trao nhà tình thương cho phụ nữ khó khăn |
Và nhờ đến với Hội chị Ngọc mới biết đến nhiều mảnh đời còn khó khăn hơn mình ngày trước. Nguồn vốn của Hội không nhiều, không đủ giúp hết chị em, nên chị Ngọc đã nghĩ ra nhiều cách vận động để hội viên được kết nối với các nhà hảo tâm trong quận. Để chị em thêm gắn kết, chị Ngọc vận động các dì, các chị trong chi hội cùng nhau làm bì cuốn bán vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật để tạo thêm nguồn quỹ giúp đỡ những trường hợp khó khăn đột xuất…
Và trên bước đường công tác Hội, người tổ trưởng phụ nữ ấy biết đến nhóm nấu cơm thiện nguyện cho người nghèo tại quận nhà. Từ đó, theo định kỳ các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần chị đến xin hơn chục suất cơm rồi mang tận nơi cho những người cần.
Năm 2016, chị Ngọc cho nhóm cơm thiện nguyện mượn sân nhà mình làm nơi nấu nướng và ủng hộ điện, nước. Những chi phí khác do chị Hoàng Thị Bích Quý - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7 vận động các Mạnh Thường Quân. Các chị em khác và bà con trong khu phố giúp sức.
Nhóm thiện nguyện nay đã lên đến vài chục người. Dù vất vả thức khuya, dậy sớm nhưng ai nấy đều vui, bởi như chị Quý nói: “Chị Ngọc làm được thì mình cũng làm được!”.
Làm thực chất, thực lòng, sẽ lôi kéo được cộng đồng
Chị Ngọc chỉ là một trong rất nhiều điển hình cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ học tập Bác làm điều hay, điều tốt.
Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về tinh thần phục vụ nhân dân, Hội LHPN TP.HCM đã không ngừng tìm tòi đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm tập hợp và thu hút phụ nữ các giới; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ cho thấy rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt với tỷ lệ cao, trong đó đạt 6/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc và 11/11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ thành phố. Nổi bật là đạt 136,33% chỉ tiêu xây dựng mái ấm tình thương (409/300 căn), 141,6% về trao phương tiện sinh kế (1.416/1000 phương tiện)…
Cũng trong thời gian này, các cấp Hội tại TP.HCM đã trao 27.335/30.000 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, đạt 91,1%/chỉ tiêu cả nhiệm kỳ (2016-2021), xây dựng 213 tuyến đường - hẻm sạch, phối hợp trồng 31.176 cây xanh…
Đại hội lần thứ X đã thống nhất xây một chiếc cầu nông thôn để tạo dấu ấn của Hội với cộng đồng. Với tâm huyết của cả hệ thống, công trình cầu Bà Tiễn, xã Phong Phú, H.Bình Chánh đã hoàn thành. Trước và sau ngày khánh thành công trình này, ở Cà Mau và Bến Tre, hai cây cầu khác do Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM và Hội Phụ nữ Q.Tân Phú vận động kinh phí trao tặng cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tính đến tháng 8/2019, chỉ riêng Hội LHPN Q.6 đã xây dựng và trao tặng 7 chiếc cầu nông thôn, trong đó có những chiếc cầu ở vùng biên giới xa xôi.
Về việc vượt chỉ tiêu 20 tuyến đường - hẻm xanh - sạch - văn minh, chị Trần Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội LHPN Q.5 - chia sẻ: “Đây là tâm sức, công lao của cán bộ Hội cùng sự đồng lòng ủng hộ của người dân. Nó cho thấy Hội đã thành công trong công tác vận động nhân dân. Nhờ sự uyển chuyển, khéo léo, cùng sự nêu gương của cán bộ Hội mà đến cuối năm 2018 đã có 35 con hẻm ở Q.5 được nâng cấp và trở nên sạch đẹp hơn, vượt chỉ tiêu (20 tuyến hẻm) của cả nhiệm kỳ 2016-2021. Nhưng số tuyến hẻm được hồi sinh vẫn không dừng lại”.
|
Một trong những con hẻm được hồi sinh nhờ bàn tay cán bộ Hội và người dân ở Q.5 |
Chị Lê Thị Phương Hồ - Chủ tịch Hội Phụ nữ H.Củ Chi - cho rằng: “Khi chúng ta làm đúng, làm thật lòng, thì sẽ lay động, lôi kéo được cộng đồng”.
“Không khoa trương hình thức, chú trọng vào thực chất, làm việc gì cũng phải nêu gương, đi đầu” là tinh thần mà bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - luôn nhắc nhở cán bộ Hội các cấp trong những lần gặp gỡ. Từ tinh thần ấy, các quận huyện đã nhìn lại và thay đổi, chọn những việc trọng tâm, phù hợp để làm và mạnh dạn bỏ đi những sổ sách hành chính, những việc làm và những mô hình thiếu thực chất, không có sức hút.
HẠNH CHI - THÙY NGÂN