Dân uống nước kênh mương, mỏi mòn chờ nước sạch

17/07/2020 - 07:21

PNO - Nhiều người dân ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải dùng nước kênh mương để ăn uống, tắm giặt. Trong khi đó, dự án cấp nước sạch đã có chủ trương đầu tư từ 3 năm trước, vẫn chưa biết ngày nào khởi công.

Thèm nước sạch hơn thèm cơm
Nhiều tháng nay, mỗi sáng sớm, người dân ở xã Hương Hữu, huyện Nam Đông phải mang đủ vật dụng, tranh nhau lên rừng lấy nước suối về dùng. Qua những đợt nắng nóng gay gắt, hiện nước suối cũng khô cạn. “Bà con đang phải chắt chiu từng giọt nước cuối cùng. Nếu một tuần nữa không mưa, chắc chết khát” - ông Nguyễn Văn Xong, Trưởng thôn 6, xã Hương Hữu, lo lắng. Ông Xong cho biết, cả thôn có hơn 80 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu nhưng hiện nay, ngoài nước suối trong rừng, không có nguồn nước sạch nào khác. 

Tình trạng thiếu nước sạch ở các xã vùng cao Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng và Hương Giang của huyện Nam Đông cũng chẳng khác gì ở xã Hương Hữu. Người dân cho biết, mỗi xã đều có hệ thống nước dẫn từ suối về, nhưng do nước đầu nguồn khô cạn nên hệ thống dẫn nước này không hoạt động.

“Trong những đợt khô hạn, ở các thôn 5, 6, 7, người dân phải xuống kênh mương lấy nước về ăn uống, sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài suốt mấy tháng nay khiến bà con bây giờ thèm nước còn hơn thèm cơm” - ông Tà Rương Lương, Phó chủ tịch UBND xã Hương Hữu, nói.

Để đối phó với cơn khát nước sạch trong mùa hè khắc nghiệt, nhiều người dân ở các xã miền núi nói trên phải đào giếng trên nền đất cứng, nhưng có những giếng đào sâu đến 15m, vẫn không có giọt nước nào. 

Theo số liệu chúng tôi thu thập được, hiện có khoảng 3.000 hộ dân ở năm xã của huyện miền núi Nam Đông phải sử dụng nguồn nước lấy từ khe suối, giếng đào, hoặc kênh, mương để ăn uống, tắm giặt. Tất cả nguồn nước này đều chưa qua xử lý, có khả năng ô nhiễm cao.
 

Từ sáng sớm, người dân các xã vùng cao H.Nam Đông phải ra tận suối để lấy nước về dùng - Ảnh: THUẬN HÓA
Từ sáng sớm, người dân các xã vùng cao huyện Nam Đông phải ra tận suối để lấy nước về dùng - Ảnh: Thuận Hóa

Dự án lập 3 năm qua, vẫn cứ chờ

Từ năm 2005, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương tập trung nguồn vốn của chương trình “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” để nối mạng nước máy đô thị về nông thôn. Vốn đầu tư của chương trình được phân bổ về một đầu mối là Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế (Hue WACO).

Đến năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy nước Thượng Long ở huyện Nam Đông với công suất 2.000m3/ngày đêm và mạng lưới cấp nước sạch cho các xã lân cận. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, nhưng đến nay, vẫn chưa biết khi nào khởi công.

 Vì sao chậm triển khai dự án nước sạch cho bà con huyện miền núi Nam Đông? Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế - giải thích: “Trong quá trình xét duyệt, dự án còn thiếu thủ tục nên phải làm lại. Đến tháng 2/2020, UBND tỉnh điều chỉnh dự án và đã giao cho Hue WACO làm chủ đầu tư. UBND tỉnh đã cấp 13 tỷ đồng và sẽ tiếp tục bố trí vốn cho đủ. Tôi đã hứa là mùa hè sang năm phải có nước cho dân”. 

Cần nhiều dự án cấp nước sạch cho dân

Ông Lê Văn Bình - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế - kiến nghị, trong thời gian tới, Hue WACO cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nước sạch Thượng Long để cấp nước cho năm xã vùng cao của huyện Nam Đông.  Ngoài ra, chi cục cũng kiến nghị, UBND tỉnh sớm đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch Hồng Vân, A Đớt và Bắc Sơn ở huyện A Lưới theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với các công trình cấp nước tự chảy quy mô nhỏ, theo ông Bình, cần phải quản lý tốt hơn, không để xảy ra hư hỏng, đồng thời cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ nguồn nước này.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI