Dân Úc vứt bỏ 200.000 tấn quần áo cũ mỗi năm

05/10/2024 - 21:44

PNO - Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nhiều người dân Úc chưa biết phải xử lý như thế nào cho đúng cách và bảo vệ môi trường đối với quần áo cũ của mình.

Người dân Úc lúng túng với những bộ quần áo không sử dụng - Ảnh: Cavan Images/Getty Images
Người dân Úc lúng túng với những bộ quần áo không sử dụng - Ảnh: Cavan Images/Getty Images

Kết quả một cuộc khảo sát phạm vi quốc gia lần đầu tiên được thực hiện ở Úc về thói quen sử dụng quần áo cũ tiết lộ rằng, hầu hết người dân ở xứ sở Kangaroo “cảm thấy lúng túng không biết phải xử lý như thế nào với quần áo cũ”, dẫn đến khoảng 1/3 cư dân Úc đã vứt bỏ quần áo cũ cùng với những vật dụng thừa ở trong nhà.

Cuộc khảo sát do trường đại học RMIT thực hiện đã phỏng vấn 3.080 người Úc và nhận thấy, 84% số người mua quần áo mới nhưng không hoặc hiếm khi mặc trong vòng một năm qua, trong đó rất nhiều người chỉ mặc chưa tới 1/2 số trang phục có trong tủ quần áo của mình.

Tiến sĩ Alice Payne, tác giả chính của cuộc khảo sát nói rằng, kết quả cho thấy người tiêu dùng “đang bối rối, không biết làm thế nào để vứt bỏ quần áo một cách có trách nhiệm”.

Bà khuyên mọi người nên làm điều đúng đắn bằng cách lựa chọn món hàng thật cẩn thận, và khi đã quyết định mua thì cần sử dụng chúng càng lâu càng tốt, đồng thời áp dụng nguyên tắc: “sửa, bảo dưỡng, cho tặng, tái sử dụng, và cuối cùng là tái chế”.

Áo quần cũ không còn sử dụng có thể mang đi quyên góp cho các tổ chức từ thiện - Ảnh: Moment RF/Andrew Merry/Getty Images
Áo quần cũ không còn sử dụng có thể mang đi quyên góp cho các tổ chức từ thiện - Ảnh: Moment RF/Andrew Merry/Getty Images

Nghiên cứu này - được tài trợ bởi chính phủ bang Queensland và tập đoàn Kmart - đề xuất một chương trình tái chế dệt may cấp quốc gia nhằm mục tiêu giảm 200.000 tấn quần áo mà người dân Úc ném vào bãi rác mỗi năm.

Theo bà Ainsley Simpson, chuyên gia trong lĩnh vực Bền vững của Úc thì việc thiết lập một chương trình thu gom, phân loại và tái chế cấp quốc gia là ưu tiên hàng đầu của ngành công nghiệp sản xuất kinh doanh quần áo nước này.

Bà Blake Lindley, một trong những lãnh đạo của Tập đoàn Kmart, cho biết trong một tuyên bố mới đây rằng, nhà bán lẻ lớn nhất nước Úc này “cam kết ủng hộ và thúc đẩy các giải pháp đúng đắn có tác động hiệu quả đến chất thải trong ngành công nghiệp thời trang”.

Theo kết quả khảo sát, áo phông, áo sơ mi và áo dài tay là những mặt hàng phổ biến nhất bị loại bỏ khỏi tủ quần áo của người dân Úc.

“Những loại trang phục này rẻ tiền và chủ yếu là nhập khẩu. Chúng dễ bị mất phom, dễ bẩn, dễ phai màu và rách khi giặt” – chuyên gia tư vấn thời trang bền vững Julie Boulton lý giải.

Bà Boulton cho biết, cần tập trung mạnh mẽ hơn vào việc chú trọng đến chất lượng vật liệu, chất lượng sản xuất, gia công quần áo để giảm số lượng những loại trang phục bị vứt vào thùng rác. Bà cũng nhấn mạnh đến tái chế như là một giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề này.

Nhân viên đang phân loại áo quần cũ tại cơ sở từ thiện St Vincent de Paul Society ở Sydney - Ảnh: AFP/Getty Images
Nhân viên đang phân loại áo quần cũ tại cơ sở từ thiện St Vincent de Paul Society ở Sydney - Ảnh: Peter Parks/AFP/Getty Images

Cuộc khảo sát cũng cho thấy tuổi tác là yếu tố quyết định chính trong thói quen ăn mặc của con người, vượt qua các yếu tố về giới tính, thu nhập và vị trí xã hội.

Theo đó, người Úc từ 18–34 tuổi có nhiều khả năng mua đồ secondhand (đồ cũ), sửa những chỗ bị hỏng, bán lại hoặc chia sẻ quần áo cho những người cần. Họ cũng là nhóm đối tượng có xu hướng chi tiền mua nhiều quần áo nhưng lại sẵn sàng không mặc nếu lỗi mốt.

Trong khi đó, những người lớn tuổi thì lại thích quyên góp quần áo cũ không dùng nữa cho các cơ sở từ thiện, và cũng là nhóm người không thích mua đồ cũ để mặc.

Khoảng 37% số người được hỏi cho biết họ thường sửa quần áo, và phần lớn nhóm này là người lớn tuổi.

Nguyễn Thuận (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI