NHỮNG NỮ ĐẢNG VIÊN “CHÂN ĐẤT” - Bài 3:

Dấn thân cho lợi ích cộng đồng

19/10/2022 - 05:55

PNO - “Tôi đến với Hội vì thương mẹ, rồi từ Hội mà biết thương hơn chị em quanh mình. Được xét kết nạp Đảng, tôi băn khoăn, tự hỏi mình có thể hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó, có nêu gương được không? Bởi, tôi chỉ là một phụ nữ bình thường” - chị Huỳnh Thị Khải Hoàng chia sẻ.

Chị Khải Hoàng (41 tuổi, ở P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM) là một đảng viên và là cán bộ nhiệt huyết được Hội Phụ nữ phát hiện, bồi dưỡng từ một bà nội trợ. 

Vì thương mẹ mà nhận nhiệm vụ 

Quán cà phê Thắm Thía trên đường Nguyễn Văn Cự, P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM) được chị Khải Hoàng và cô em gái Hoàng Nguyên mở năm 2016. Từ đó, nơi này trở thành điểm hẹn của cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố 7 của phường. Cứ một, hai tháng, mọi người lại tập trung đến đây để chế biến 400-500 suất ăn rồi chở lên Bệnh viện Ung Bướu (TP.HCM) phân phát cho bệnh nhân nghèo. Mỗi lần như thế chị Khải Hoàng lại móc tiền túi mua thêm vài thùng sữa tươi, ít bánh ngọt để bổ sung cho suất ăn thêm dày dặn. Bởi cái tính hay nghĩ ngợi nên trong bất kỳ hoạt động từ thiện nào chị cũng tìm cách để có thêm quà. Trong dịp Trung thu vừa qua, dự tính ban đầu chỉ trao 100 phần quà, nhưng rồi chị lo các bé ở các xóm lao động gần đấy thấy vui ghé lại mà không có quà thì tội, nên đã tìm cách chuẩn bị thêm 100 phần nữa. “Chỉ hộp bánh Trung thu, ít kẹo với chai nước ngọt, nhưng cháu nào cũng vui, làm mình vui lây” - chị Khải Hoàng hạnh phúc. Toàn bộ quà đều do anh chị em của chị, người làm nội trợ, người buôn bán nhỏ, người làm tài xế góp lại với nhau. “Anh em tôi đều tâm niệm chẳng cần chờ tới khi giàu có mới cho đi, mà trong khả năng của mình có thể giúp gì được cho mọi người, góp vui được cho các cháu, thì làm” - chị Khải Hoàng tâm sự. 

Chị Khải Hoàng nối bước mẹ vào căn nhà của Hội
Chị Khải Hoàng nối bước mẹ vào căn nhà của Hội

Trước khi mở quán cà phê Thắm Thía, gia đình chị Khải Hoàng ở Tỉnh lộ 10, P.Tân Tạo A. Chồng đi làm xa, còn chị ở nhà quán xuyến gia đình và nuôi dạy hai con nhỏ. Hồi ấy, mẹ chị - dì Lại Thị Cầm - đang là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 7. Thương mẹ tất bật sớm khuya, vừa buôn bán kiếm sống vừa lo việc Hội, nên chị thường theo giúp mẹ, nhân đó rủ rê chị em công nhân đang ở trong năm phòng trọ nhà mình góp sức mỗi khi có hoạt động cộng đồng. Bù lại, mỗi khi Hội tổ chức đưa hội viên đi tham quan, dã ngoại, chị đều khuyến khích chị em tham gia và tài trợ 50% chi phí cho mọi người. 

Lặng lẽ đồng hành bên mẹ, chị Khải Hoàng không ngờ mình nhận được sự thương quý của chị em. Đến năm 2013, sức khỏe của mẹ yếu dần nên bà nhờ chị gánh vác việc Hội. Chị bối rối, bởi nghĩ rằng mình chỉ quen nội trợ, làm sao đủ sức đứng ra đại diện cho giới, nhất là việc chăm lo chu toàn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho chị em. Nhưng mẹ chị thuyết phục: “Mẹ già rồi, không còn mau lẹ nữa, mà việc Hội thì rất cần người trẻ khỏe”. Bà động viên chị cứ nhận nhiệm vụ và hứa, bà và các chị em khác sẽ cùng sát cánh. Rồi đến hôm “ra mắt”, bà con đồng thanh bầu chị giữ chức Tổ phó tổ dân phố 55 và Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 7.

Từ một cán bộ Hội nhiệt huyết, chị Khải Hoàng được Hội Phụ nữ P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân bồi dưỡng để trở thành một nữ đảng viên luôn dấn thân vì lợi ích cộng đồng.

Thắp lên hy vọng về sự sống cho người khác 

Đến nay, chị Khải Hoàng đã có gần bảy năm tuổi Đảng. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, chị tâm sự, khi trở thành đảng viên, ý thức về sự nêu gương nơi chị càng lúc càng rõ ràng. Nếu như trước kia, chị muốn mọi thứ lặng lẽ thì sau này chị lại muốn những việc tốt được lan tỏa để nhiều người cùng kề vai chung sức. Như chuyện hiến máu, chị đã thực hiện gần 10 năm nay, mỗi năm ba, bốn lần. Không những thế, chị còn vận động ngày càng nhiều người thân và bà con lối xóm cùng tham gia. Cô em gái Hoàng Nguyên và người chị dâu của chị đã có ngót nghét 30 lần hiến máu. Chị Nguyễn Thị Chi - một bà mẹ ba con - sống bằng nghề làm nem chả, hễ nghe chị Khải Hoàng gọi hiến máu là bỏ cả việc để tham gia. Anh Nguyễn Văn Vương - một thợ điện - dù nay đã chuyển chỗ ở đi nơi khác, nhưng cứ nghe chị thông báo hiến máu là quay về góp mặt… 

Tháng Bảy vừa qua, chị Khải Hoàng làm thủ tục hiến mô tạng sau khi qua đời. Điều đặc biệt là có ba bạn trẻ ở độ tuổi 20-30, vì thương quý chị qua các hoạt động tình nguyện mà cùng theo chị làm thủ tục hiến mô tạng. “Khi tham gia các hoạt động tình nguyện, tôi gặp nhiều bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện, từ đó nhận ra sự sống quý giá và hy vọng cũng quý giá không kém. Tôi nghĩ đơn giản lắm, chết là hết, nhưng nếu cơ thể mình còn có ích, giúp được cho ai đó thắp lên ngọn lửa hy vọng về sự sống, hoặc cho nghiên cứu trong ngành y, thì sao lại không làm” - chị Khải Hoàng bộc bạch. 

Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân - cho biết, từ tổ phó tổ dân phố, năm 2017 chị Khải Hoàng được bà con tín nhiệm bầu làm Phó ban điều hành khu phố 7. Chị luôn tiên phong kêu gọi các nữ chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, sẵn sàng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những người lao động có hoàn cảnh quá khó khăn; tập, sách, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Hội LHPN quận, phường đã nhiều lần biểu dương chị là tấm gương phụ nữ sống giản dị, chí nghĩa, chí tình. Tháng Sáu vừa qua, chị cũng được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen ghi nhận nghĩa cử hiến máu nhiều lần. 

Mẫn Nhi

Bài 4: Chọn “giúp đời, giúp người” làm lẽ sống

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI