Tôi may mắn khi ngay từ thời tiểu học được học những thầy cô có kỹ năng dạy môn Lịch sử. Những kiến thức thầy cô truyền đạt không giúp tôi “kiếm cơm” (vì sau này tôi đi theo ngành kỹ thuật) nhưng đã giúp tôi sống tốt hơn, ít ra là hưởng thụ trọn vẹn hơn khi đọc sách, xem phim, xem kịch hoặc ngắm nhìn những danh lam thắng cảnh di tích lịch sử khi đi du lịch sau này.
Tôi và các bạn đã từng im phăng phắc khi nghe thầy giảng về nhà Trần ba lần đánh thắng quân Mông Cổ, từng tin rằng mình có thể dùng dao thích vào cánh tay hai chữ “sát thát” như binh lính nhà Trần hay hào khí dâng tràn khi thầy đọc cho nghe hịch xuất quân của vua Quang Trung: "Đánh cho sử tri Nam quốc sơn hà chi hữu chủ".
Yêu Sử là vậy nhưng đến các kỳ kiểm tra, kỳ thi môn Sử là một môn khó nhằn cho những học sinh không thích học thuộc lòng những sự kiện đi theo ngày tháng, như tôi.
Lúc còn nhỏ tôi chỉ thích những bài học về đánh quân Mông Cổ, chiến thắng quân Minh hay vua Quang Trung đại phá 20 vạn quân nhà Thanh. Những bài lịch sử về văn hóa, kinh tế, xã hội thời kỳ nào đó ít được tôi chú trọng. Khi lớn lên tôi mới hiểu để dân tộc Việt Nam lúc nào cũng tự cường sẵn sàng kháng chiến chống giặc là nhờ có những thời gian các triều đại cầm quyền chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.
Tôi không dám phản bác ý kiến cho rằng xong chín năm phổ thông học sinh đã hoàn thành nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có môn Lịch sử, đảm bảo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cốt lõi. Bằng trải nghiệm của mình, tôi không tin những chàng trai, cô gái 15-16 tuổi hiểu rõ hết lẽ thịnh suy từng triều đại của nước nhà.
Lịch sử đâu chỉ là tiếng trống xung trận hay khúc ca khải hoàn khi đuổi sạch quân xâm lược. Lịch sử còn là những lý do xuất hiện thương cảng sầm uất xa xưa như Hội An, Phố Hiến, những bộ luật Hồng Đức, luật Gia Long được biên soạn như thế nào, mang lại lợi ích gì? Hay là hoàn cảnh hình thành trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu.
Nếu 3 năm cấp trung học phổ thông được học Lịch sử kiểu khác với học thuộc lòng thời gian, sự kiện (để rồi lại quên sau khi kiểm tra, sau khi thi), tôi tin rằng môn học đó sẽ mang lại tình yêu quê hương, đất nước sâu đậm, cũng như trang bị cho các bạn trẻ sắp vào đời ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội, quê hương đất nước (như người xưa đã dạy “thất phu hữu trách”).
Theo tôi, không nên đưa Lịch sử làm môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông. Cần thiết nhất là phải thay đổi cách dạy, cách kiểm tra, cách đánh giá kiến thức môn Sử trong các kỳ thi. Có như vậy môn Sử mới trở thành môn học được yêu thích không cần phải đắn đo bắt buộc hay tự chọn.
Bây giờ người ta thường đùa “dân ta phải biết sử ta, cái nào không biết thì tra Google”. Tôi không tin bàn phím và những cái click chuột có thể thay thầy cô giáo truyền đến học sinh niềm tự hào, lòng yêu quê hương và ý thức sống trách nhiệm với đất nước.
Nguyễn Huỳnh Đạt