Dân sự ly hôn bị biến thành án hình sự?

12/03/2013 - 07:33

PNO - PN - Trong thời gian chờ đợi tòa giải quyết đơn xin ly hôn với chồng, tiệm vàng của chị Lý Kim Chi (ảnh - SN 1972, ngụ tại Tây Ninh) phải đóng cửa suốt chín tháng vì khối tài sản trị giá hơn 25 tỷ đồng bị phong tỏa. “Cách làm...

“Thế chân” 100 triệu đồng cho tài sản 25 tỷ

Năm 1991 chị Lý Kim Chi và ông Trần Văn Quý (SN 1971, thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cưới nhau và có hai con chung, con đầu đang học ở Mỹ. Vợ chồng chị mở tiệm vàng Thới Lai tại thị trấn Trảng Bàng, Tây Ninh, toàn bộ việc kinh doanh do chị Chi trực tiếp đảm nhận. Chi phí nuôi dưỡng, ăn học cho hai con đều do chị Chi lo. Trong thời gian chung sống, giữa chị và ông Quý phát sinh mâu thuẫn. Tháng 4/2012 chị và ông Quý quyết định sống ly thân, đến tháng 6/2012 thì nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.

Ngày 27/6/2012, ông Quý có đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) kê biên tài sản tại tiệm vàng; đồng thời xin tòa phong tỏa các tài khoản của chị Chi tại một số ngân hàng. Yêu cầu này của ông Quý được tòa chấp thuận bằng việc buộc ông Quý đóng tiền đảm bảo 100 triệu đồng cho khối tài sản tương đương 25 tỷ đồng. Ngày 9/7/2012, tòa ra quyết định áp dụng BPKCTT. Trên cơ sở đó, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trảng Bàng tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản tại tiệm vàng Thới Lai với tổng số 1.136 lượng vàng và 540 triệu đồng, giao cho chị Chi quản lý.

Sau đó, vì cho rằng chị Chi tẩu tán tài sản, ông Quý lại yêu cầu TAND huyện Trảng Bàng áp dụng bổ sung BPKCTT bằng việc kê biên 2/3 trong tổng số vàng đã kê biên trước đó. Yêu cầu này tiếp tục được tòa chấp thuận, giao tài sản cho Chi cục THADS Trảng Bàng quản lý.

Do vụ án có tính chất phức tạp, tài sản tranh chấp lớn, nằm ở nhiều địa bàn khác nhau và có con đang ở nước ngoài nên vụ việc được chuyển lên TAND tỉnh Tây Ninh thụ lý. Ông Quý tiếp tục có đơn yêu cầu TAND tỉnh Tây Ninh kê biên 2/3 trong tổng số vàng đã kê biên trước đây của tiệm vàng Thới Lai, cũng với lý do chị Chi tẩu tán tài sản. Yêu cầu này một lần nữa được chấp thuận. Tòa án tỉnh Tây Ninh ra quyết định thay đổi áp dụng BPKCTT giao 2/3 tài sản kê biên cho Cục THADS tỉnh Tây Ninh quản lý.

“Tôi không hề tẩu tán tài sản như cáo buộc của ông Quý. Tòa án các cấp không chứng minh được điều này nhưng vẫn áp dụng BPKCTT. Những lần kê biên tài sản, hội đồng cưỡng chế không giám định chất lượng vàng mà chỉ phỏng đoán cảm tính, ước tính số lượng rồi kê biên. Tôi chỉ đồng ý kê biên 1/2 số vàng đang tranh chấp chứ không phải kê biên 2/3”. Theo chị Chi, số vàng đang tranh chấp là tài sản chung với ông Quý, theo nguyên tắc chung, mỗi người được một nửa quyền sở hữu, tòa có kê biên cũng phải tạo điều kiện để chị tiếp tục lao động kiếm sống.

Dan su ly hon bi bien thanh an hinh su?

Vi phạm tố tụng

Theo chị Chi, từ khi các cấp tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT nhưng hơn 10 ngày sau mới tống đạt quyết định áp dụng BPKCTT nên chị không đủ thời gian để khiếu nại hoặc xin thay thế biện pháp. Hơn nữa, cách làm của các cơ quan tố tụng, từ việc ra quyết định đến việc tiến hành kê biên khẩn cấp như một vụ án hình sự chứ không còn là một vụ dân sự ly hôn.

Tiếp xúc với chúng tôi, thẩm phán Hồ Thị Mối, TAND Tây Ninh, từ chối cung cấp thông tin vì vụ án đang trong thời gian chuẩn bị xét xử.

Theo luật sư Hồ Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM): Căn cứ theo đơn trình bày của chị Chi, chúng tôi thấy rằng tòa án chưa thực thi đúng quy định pháp luật về áp dụng BPKCTT. Với khối tài sản tương đương 25 tỷ đồng nhưng chỉ yêu cầu ông Quý có “nghĩa vụ tài sản” đóng tiền đảm bảo 100 triệu đồng là chưa phù hợp. Bởi lẽ, “nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi th­ường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho ng­ười bị áp dụng BPKCTT, hoặc cho ng­ười thứ ba do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng gây ra. Tài sản hơn 25 tỷ đồng đã bị niêm phong không kinh doanh hơn chín tháng thì phần thiệt hại rất lớn.

Điều 123 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng BPKCTT...”. Thực tế hơn 10 ngày sau, tòa án mới tống đạt quyết định áp dụng BPKCTT cho chị Chi là vi phạm tố tụng. Trong quá trình kê biên, hội đồng cưỡng chế không giám định chất lượng vàng mà chỉ phỏng đoán cảm tính, ước tính số lượng rồi kê biên như chị Chi trình bày là vi phạm quy định. Nếu chị Chi chứng minh được thiệt hại thì chị có quyền yêu cầu bồi thường.

Mai Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI