Dân số già mở ra cơ hội phát triển ngành dịch vụ của “nền kinh tế bạc”

11/12/2024 - 17:11

PNO - Vấn đề già hóa dân số trở thành xu thế tất yếu với những hệ quả, thách thức về kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời, cũng tạo ra cơ hội.

Ngày 11/12, Viện Nghiên cứu phát triển và Sở Y tế TPHCM đã tổ chức hội thảo Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TPHCM.

Số liệu thống kê từ ngày 1/1 đến 8/12/2024 của Sở Y tế TPHCM về mô hình bệnh tật của người cao tuổi tại thành phố - Ảnh: HIDS
Số liệu thống kê từ ngày 1/1 đến 8/12/2024 của Sở Y tế TPHCM về mô hình bệnh tật của người cao tuổi tại thành phố - Ảnh: HIDS

Theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, TPHCM đang trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam. Số liệu từ Bộ Công an cho biết, đến cuối năm 2023, thành phố có trên 1,3 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,05% dân số. Dự báo đến năm 2030, số người trên 60 tuổi của thành phố chiếm 20% tổng dân số.

Vấn đề già hóa dân số trở thành xu thế tất yếu và mang đến những hệ quả, thách thức. Hệ quả về kinh tế, già hóa dân số sẽ dẫn đến thiếu hụt lao động, tăng chi phí an sinh xã hội và y tế. Về xã hội, tình trạng này gia tăng nhu cầu và thay đổi mô hình chăm sóc sức khỏe. Đối với hệ quả văn hóa, nó làm thay đổi cấu trúc gia đình, giảm kết nối giữa các thế hệ...

“Tuy nhiên, quá trình già hóa dân số cũng mở ra những cơ hội như phát triển các ngành dịch vụ, sản phẩm phục vụ người cao tuổi, hay còn gọi là “nền kinh tế bạc”, và nếu biết tận dụng người cao tuổi trở thành nguồn lực xã hội quan trọng, phát huy được kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong phát triển cộng đồng và giáo dục thế hệ trẻ”, ông Phạm Bình An nói.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng - Học Viện Cán bộ TPHCM - cho rằng, vấn đề công tác xã hội với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một lĩnh vực không chỉ đòi hỏi sự chú trọng từ các nhà hoạch định chính sách, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bà đã chỉ ra, cũng như nhiều đô thị lớn khác trên thế giới, TPHCM đang đứng trước thách thức lớn về già hóa dân số với sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ người cao tuổi. Điều này đòi hỏi sự phát triển một hệ thống công tác xã hội chuyên biệt, phù hợp với bối cảnh văn hóa và xã hội Việt Nam, nhằm đáp ứng hiệu quả các nhu cầu đa dạng của người cao tuổi.

Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức cho thấy TPHCM có thể áp dụng các mô hình chăm sóc dài hạn, ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe, và xây dựng các chương trình hỗ trợ tại cộng đồng. Những chiến lược này không chỉ giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, mà còn tạo ra môi trường sống nhân văn, giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, gắn bó và an toàn.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng đề xuất mở rộng dịch vụ chăm sóc tại nhà, đào tạo công tác viên xã hội chuyên sâu, phát triển mạng lưới công tác xã hội từ cấp thành phố đến cấp quận huyện, và xây dựng chính sách phúc lợi bền vững là những bước đi thiết thực.

“Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, TPHCM có thể xây dựng một hệ thống công tác xã hội cho người cao tuổi không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Như vậy, việc cải thiện hệ thống chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi sẽ không chỉ giúp họ có một cuộc sống tốt hơn, mà còn tạo điều kiện để thành phố phát triển bao dung, nhân văn hơn trong thời kỳ già hóa dân số”, bà nói.

Các đại biểu đánh giá hội thảo là bước khởi đầu quan trọng để chuyển hóa các nghiên cứu thành chính sách thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI