Đầu cầu miền Bắc: giữ gìn truyền thống, khai bếp ngũ hành
Vốn nổi tiếng là một nữ nghệ sĩ mang cốt cách người Hà Nội truyền thống, đối với NSƯT Chiều Xuân, dù là tết xưa hay tết nay, bữa cơm đầu năm luôn là thời khắc vô cùng đặc biệt, vừa thân mật sum vầy, lại vừa long trọng thiêng liêng. Đặc biệt nhất là ngày mùng Một tết, năm nào gia đình nữ nghệ sĩ cũng mời cả nhà thông gia đến thưởng thức những món ăn ngon nhất, được chuẩn bị chu đáo, thịnh soạn.
|
“Người đẹp không tuổi” luôn xem bếp nhà là nơi gắn kết tình thân, nuôi dưỡng nhân tâm, khởi ngàn tài lộc. Bởi lẽ, bếp nuôi dưỡng những kỷ niệm của gia đình, riêng nghi thức khai bếp đầu năm lại chính là điểm khởi đầu cho những điều tốt đẹp của 365 ngày sắp tới |
Giống như NSƯT Chiều Xuân, cái tết của gia đình NSƯT Chí Trung cũng không thể trọn vẹn nếu thiếu không khí ấm cũng của bữa cơm tân niên với những món ăn đặc trưng quen thuộc như măng, hành ngâm, bóng xào, thịt gà... do cả gia đình cùng nhau khai bếp. “Táo” Chí Trung chia sẻ thông tin phong thủy mà anh nghiên cứu: “Khai bếp là một hoạt động tề tựu đủ ngũ hành: Kim (chảo kim loại), Mộc (đũa gỗ), Thủy (dầu ăn), Hỏa (bếp, nhiệt) và Thổ (yếu tố trung tâm - người khai bếp).
|
Với Chí Trung, khai bếp còn là khoảnh khắc các thành viên trong gia đình tạm gác đi những bộn bề cuộc sống, cùng nhau nấu nướng, chia sẻ những câu chuyện vui vẻ |
Đầu cầu miền Nam: Khai bếp rộn ràng, ngập tràn may mắn
Không chỉ các nghệ sĩ ở đất Bắc, các nghệ sĩ phương Nam cũng rất xem trọng hoạt động khai bếp dịp đầu xuân.
Đầu năm ôn lại chuyện cũ, với những người mà bữa cơm đầu năm giờ chỉ còn trong kỷ niệm như NSƯT Thành Lộc thì nồi thịt kho, tô canh khổ qua má làm và cả những bài học quý giá bên mâm cơm ngày xưa đều khiến anh rưng rưng mỗi khi nhắc lại: “Nhà tôi có truyền thống mạnh ai phải tự bới cơm chứ không được đưa chén cho người khác bới giùm, nồi cơm thường cố tình để thật xa bàn ăn để ai cũng phải tự động đi lấy”.
NSƯT Thành Lộc cho biết: “Khi tìm hiểu các tài liệu về văn hóa, phong thủy, tôi thấy rằng một gian bếp được bài trí hợp phong thủy sẽ “thắp lửa” tài lộc cho cả gia đình. Có lẽ vì vậy, ngày đầu năm, các ông bà mình luôn dặn con cháu phải luôn giữ cho bếp ấm bằng việc khai bếp đầu xuân, tạo hòa khí vui vẻ ngày đầu năm, từ đó sẽ sinh ra tài lộc”.
|
Truyền thống gia đình đã nuôi dưỡng nên một NSƯT Thành Lộc không bao giờ quên giá trị cội nguồn |
Nghệ sĩ Thanh Thủy - người đồng nghiệp trong Ngày Xửa Ngày Xưa của Thành Lộc và nghệ sĩ Kim Xuân cũng đồng quan điểm: ngày tết, phải khai bếp, để bếp ấm, nhà an thì giàu sang mới đến.
“Khai bếp là một tập tục rất hay khi mà ngày đầu năm mới, mọi người ăn mặc đẹp đẽ, cùng quây quần khai bếp. Nhà tôi vẫn thực hiện theo trình tự sau: đầu tiên mình bật bếp, chỉnh độ lửa ở mức vừa phải, ngụ ý mong muốn nếp nhà luôn êm ấm, thuận hòa. Sau đó rót dầu đều, ngập chảo, tượng trưng cho năm mới sung túc đầy ắp. Kế đến, mình lắc nhẹ chảo để dầu lan tỏa đều chảo như hình ảnh tài lộc tràn ngập đầy nhà. Cuối cùng, dùng đôi đũa gỗ để chế biến những món ngon cho gia đình. Khai bếp khi ấy mới hội đủ ngũ hành, khởi đầu cho năm mới gia đạo thuận hòa, sự nghiệp hanh thông”, NSƯT Kim Xuân bộc bạch.
“Thật ra tài lộc không đâu xa mà nảy mầm trong gia đình mình, do chính mình vun đắp, tích lũy mà thành. Vì thế, cứ đúng sáng mùng Một là cả nhà cùng nhau khai bếp đầu năm, sau đó mọi người mới tự do đi chơi, đi chùa, chúc tết…”, nghệ sĩ Thanh Thủy cho biết.
Lý giải thêm về cơ sở phong thủy của hoạt động khai bếp đầu xuân, chuyên gia phong thủy, tiến sĩ Lê Xuân Phương cho biết: “Kim là chảo tròn, tượng trưng cho một năm mới trọn vẹn đủ đầy; Mộc là đôi đũa tre ngụ ý hạnh phúc lứa đôi vuông tròn, hòa hợp; Thủy là dầu vàng dùng để chế biến thức ăn, như chiên chả giò chẳng hạn; Hỏa là bếp, tượng trưng cho năng lượng, sức khỏe dồi dào và Thổ chính là người khai bếp” .
|
Tiến sĩ Lê Xuân Phương phân tích ngũ hành hội tụ trong hoạt động khai bếp đầu năm là nền tảng để vạn sự hanh thông, thuận lợi trong năm mới |
Ngoài ra theo tiến sĩ Lê Xuân Phương, với nhịp sống hiện đại, không phải gia đình nào cũng có thể khai bếp vào đúng mùng Một tết. Vì vậy, tùy theo gia chủ, có thể chọn một ngày thuận tiện nhất, nhưng cần trong vòng 15 ngày đầu tiên của năm mới.
Tiến sĩ cũng lưu ý thêm, khai bếp cần nhất sự trọn vẹn, nên trong buổi khai bếp, món ăn phải trọn vẹn, không được khê khét, hay sượng sống. Bếp không được tắt lửa. Khi đã bật bếp thì phải có món để nấu, tránh việc đã mở bếp lên mà không nấu gì.
M.Y.N