Dân rất thèm những công viên nhỏ gần nhà

13/07/2020 - 07:57

PNO - Cuối tuần, mặc kệ nắng chang chang, ông Lộc ôm “đồ nghề” ra con sông trước nhà ngồi câu cá. Đặt chiếc ghế đẩu trên hành lang chạy dọc theo mép sông, nơi có cây bàng tán rộng đổ bóng xuống mát rượi, ông thong dong thả câu. “Nếu không có cái hành lang này, tuổi già của tôi không biết “tiêu” vào đâu” - ông Lộc nói.

Xóa xổ những bô rác 

Hành lang dọc sông nơi ông Lộc ngồi thả câu dài chừng hơn cây số, chạy song song với tuyến đường 57, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM. Nơi đây, gần hai năm trước là một bãi rác kéo dài, ai đi ngang cũng phải bịt mũi do mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Hơn hai mươi năm làm cư dân xóm này, ông Lộc chứng kiến, ban đầu chỉ là những túi rác, sau đó thành một bãi rác to tướng. Người dân bức xúc nhưng chính quyền dường như bất lực trước vấn nạn vứt rác trộm. 

Đầu năm 2019, khi chính quyền phường Tân Phong quyết tâm dọn dẹp bãi rác, người dân ủng hộ ngay, đóng góp hơn 150 triệu đồng. Cùng với chính quyền, họ dọn cỏ, rác, xây hành lang bê tông dọc theo mép sông, lập hàng rào che chắn, trồng cây, lắp đèn chiếu sáng. 

Công viên dọc đường 14 trước đây từng bị người dân lấn chiếm, đóng cọc, dựng bạt để thể hiện quyền sở hữu
Công viên dọc đường 14 trước đây từng bị người dân lấn chiếm, đóng cọc, dựng bạt để thể hiện quyền sở hữu

Từ ngày bờ sông được cải tạo, chiều nào, người trong xóm cũng đổ nhau đến đây vui chơi. Đàn ông thì câu cá, đàn bà thì tản bộ, trò chuyện. “Người dân đâu cần gì nhiều, chỉ một chỗ thư giãn sau ngày dài vất vả là đủ” - ông Lộc trầm ngâm.

“Nhu cầu rất bức thiết của người dân thành phố hiện nay là có một chỗ thư giãn” - bà Đào Thị Kim Loan, tổ trưởng một tổ dân phố thuộc khu phố 3, phường Tân Quy, quận 7, nói. 

Bà kể, năm 2018, khi chuyển hóa bãi rác dọc đường 14 cặp mé kênh thành một vỉa hè khang trang, lắp thử sáu bộ dụng cụ thể dục ngoài trời, trang bị thêm vài ghế đá, người dân thích thú đổ ra dạo mát, tập thể dục mỗi sáng, mỗi chiều. Đầu năm 2020, khoảng đất rộng nối vỉa hè xuống mép kênh hơn 300m2 tiếp tục được cải tạo thành công viên, trồng hoa và cây xanh, lắp thêm dụng cụ thể dục thì người dân đến càng nhiều.

Thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, quận 7 đã chuyển hóa hàng loạt điểm nóng về rác thành những công viên xinh xắn với hoa, cây xanh và dụng cụ vui chơi cho người lớn, trẻ em. 

Ông Trần Nguyễn Hoàng - Chủ tịch UBND phường Phú Thuận - chia sẻ, những năm qua, phường này có nhiều đất trống xen cài trong các khu dân cư, thường xuyên bị người dân biến thành những bãi rác tự phát. Trong khi đó, chính người dân lại cần có không gian vui chơi, thư giãn. Để cải thiện, phường đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, sau đó vận động dân cùng với chính quyền thực hiện các công trình chuyển hóa những bãi rác tự phát thành mảng xanh, khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng. 

Trước kia, mũi tàu Nam Long tại khu phố 2, phường Phú Thuận ngập rác nhưng giờ đây, nơi này đã trở thành một công viên nhỏ rất được dân yêu thích. Đứng trên bộ dụng cụ tập cơ chân, bà Luyến - cư dân nơi này - kể, trước đây, bô rác lù lù ngay trước nhà, nhìn rất bực mình. Từ khi công viên nhỏ mọc lên, mọi việc thay đổi hẳn.

Bà đưa tay chỉ một lượt các thùng rác công cộng, được tô vẽ, trang trí như những bồn hoa nhỏ xinh nằm lẫn giữa các bồn hoa công viên, nói: “Khi bãi rác thành công viên, chẳng ai bảo ai, cứ mỗi khi xe đến lấy rác rời đi, bà con trong xóm lại chia nhau mang thùng rác đi rửa”. Bà Luyến cho biết, nhờ có công viên, có dụng cụ tập thể dục, nhiều người già trong khu phố tự dưng hết bệnh đau khớp gối, cảm giác khỏe hơn xưa.

Người dân bắt tay cùng chính quyền chuyển hóa điểm nóng về rác
Người dân bắt tay cùng chính quyền chuyển hóa điểm nóng về rác

“Chúng tôi chỉ cần mảng xanh nhỏ”

Tăng diện tích mảng xanh cũng chính là mục tiêu được nêu trong nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 7 lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025: đến năm 2025, đất cây xanh đạt 2m2/người (hiện chỉ mới đạt 1,6m2/người). 

Giải quyết tình trạng người dân sinh sống, lấn chiếm kênh rạch vốn là bài toán khó của TPHCM nói chung và quận 7 nói riêng. Bên cạnh các bãi rác dọc đường 14, nhiều người dựng lều bạt ở tạm rồi ở luôn. “Không dễ để vận động người ta trả lại đất lấn chiếm của Nhà nước” - bà Loan chia sẻ. Nhớ lại hành trình đi vận động, bà Loan rùng mình. 

Sau khi chuyển hóa các tụ điểm rác thải thành công viên, mỗi người dân cũng chuyển hóa niềm vui thành ý thức bảo vệ, gìn giữ không gian sống. Ở phường Phú Thuận, cách mũi tàu Nam Long vài chục bước chân là con rạch Bà Bướm. Trước kia, con rạch được ví như một hố rác tự nhiên khiến dòng chảy qua cầu Nam Long tắc nghẽn, ô nhiễm trầm trọng. Khi chính quyền chủ trương nạo vét lòng rạch, khơi thông dòng chảy, rào chắn hai bên rạch, người dân cũng đầu tư xuồng, tự nguyện vớt rác trên rạch. 

Một không gian thoáng đãng dường như là cơn đói của tất cả thị dân. Do đó, chỉ cần chính quyền nêu chủ trương, dân lập tức ủng hộ. Phần lớn các công trình chuyển hóa điểm nóng về rác thành công viên ở Q.7 đều là công trình xã hội hóa. Người dân tự bỏ tiền để cải tạo. “Từ khi quận có nhiều công viên, tôi không cần phải đi đâu xa để tìm nơi mát mẻ. Chúng tôi không đòi hỏi có công viên to. Chúng tôi chỉ cần một mảng xanh nhỏ, trong lành sát bên nhà là đủ” - bà Luyến nói. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI