Quần đảo Trường Sa có sự hiện diện của 5 quốc gia. Dù vậy, hầu hết các tàu hoạt động xung quanh Trường Sa là của Trung Quốc, thuộc lực lượng dân quân hàng hải chính thức, đóng vai trò ngày càng rõ rệt trong việc khẳng định những yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại khu vực.
Mô hình dân quân biển
Mục đích của Bắc Kinh khi sử dụng dân quân hàng hải là để giữ sự uy hiếp dưới mức quân sự và không đẩy quá mức phản ứng của các quốc gia khác, trong trường hợp này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Mỹ, bằng cách núp đằng sau bộ mặt dân sự. Để đánh lừa dư luận, các tàu “dân quân biển” giảm tối đa trang thiết bị và chức năng phòng vệ, giúp Trung Quốc dễ dàng phủ nhận những bằng chứng về các hành động quân sự tại khu vực. Thế nhưng, vở kịch nào rồi cũng phải hạ màn. Âm mưu nào rồi cũng bại lộ.
|
Tàu sân bay của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Liêu Ninh tham gia một cuộc diễu hành hải quân gần Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, vào ngày . (Ảnh: AFP / Getty Images) |
Lực lượng dân quân hàng hải không phải là bí mật quốc gia gì của Trung Quốc. Luật Nghĩa vụ quân sự Trung Quốc kêu gọi dân quân thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuẩn bị chiến tranh bảo vệ biên giới, duy trì trật tự công cộng và luôn sẵn sàng tham gia lực lượng vũ trang. Sách trắng quốc phòng năm 2013 của nước này còn nâng cao vai trò của lực lượng dân quân trên biển trong việc khẳng định chủ quyền và ủng hộ các hoạt động quân sự. Cùng năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm lực lượng dân quân hàng hải ở thị trấn Tanmen trên đảo Hải Nam và xem đó là mô hình cho nơi khác học tập.
Một đánh giá về dữ liệu viễn thám của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế và Trung tâm sáng kiến hàng hải Skcanight của Vulcan Inc. (Mỹ), bao gồm hình ảnh hồng ngoại, radar khẩu độ tổng hợp và hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, cho thấy: số lượng tàu lớn nhất hoạt động trong quần đảo Trường Sa thuộc đội tàu đánh cá Trung Quốc, thường có từ 200 - 300 thuyền tại đá Subi và Mischief Reefs (đá Vành khăn). Tuy Trung Quốc duy trì đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, nhưng ở khoảng cách 800 hải lý (khoảng 1.480km) từ đất liền, quần đảo Trường Sa là quá xa đối với các tàu đánh cá Trung Quốc cỡ vừa và nhỏ, nếu không nhận nguồn trợ cấp “khủng” từ chính phủ.
Quấy rối tàu các nước khác
Các tàu đánh cá của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa có trọng tải trung bình hơn 500 tấn - vượt quá kích thước yêu cầu cho các tàu thực hiện chuyến đi quốc tế trong việc sử dụng bộ thu phát hệ thống nhận dạng tự động (AIS), giúp phát sóng thông tin nhận dạng, tiêu đề và các dữ liệu khác. Thống kê chỉ ra rằng, dưới 5% số tàu “đánh cá” của Trung Quốc thực sự phát tín hiệu AIS. Điều này cho thấy, hạm đội có ý định che giấu số lượng và hành động. Các tàu lưới nhẹ, chiếm số lượng lớn nhất trong nhóm tàu đánh cá Trung Quốc tại Trường Sa, rất hiếm khi triển khai thiết bị đánh cá. Tàu lưới kéo Trung Quốc thì hầu như không bao giờ thực sự đánh cá. Những hành vi bất thường và hoàn toàn không có lợi về kinh tế này cho thấy, những “chiếc thuyền ngoài xa” này không kiếm sống từ cá.
|
Nhiều tàu cá Trung Quốc “vây” quanh khu vực đảo Thị Tứ vào tháng 4/2019 (Ảnh: AMTI) |
Khi các tàu cá Trung Quốc không dạo quanh vùng biển gần Subi hoặc Mischief Reefs, ảnh vệ tinh cho thấy, chúng thường neo gần tiền đồn do Philippines và Việt Nam nắm giữ ở Trường Sa. Ví dụ điển hình nhất về hành vi này là đoàn tàu từ Subi thả neo gần đảo Thị Tứ (hiện do Philippines chiếm giữ), ở khoảng cách từ 2 đến 5 hải lý, ngay khi Manila bắt đầu xây dựng cơ sở trên đảo vào tháng 12/2018. Lực lượng vũ trang của Philippines xác nhận, họ đã theo dõi 275 tàu cá Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ từ tháng 1 - 3/2019.
Lời giải thích duy nhất cho các hành vi này là đội tàu thuộc lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc làm nhiệm vụ hậu cần và giám sát của quân đội, vận chuyển hàng tiếp tế đến các tiền đồn của Trung Quốc, theo dõi và báo cáo về hoạt động của các quốc gia khác, tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội và thực thi pháp luật. Nhưng đồng thời, đội tàu cũng có thể chuyển sang quấy rối trực tiếp tàu của các quốc gia khác bằng cách áp sát tàu hải quân, lực lượng thực thi pháp luật và các tàu dân sự nước ngoài, thậm chí là đâm thẳng, khiến vùng biển trở nên không an toàn.
Lực lượng dân quân hàng hải được xem là đội tiên phong của Trung Quốc trong việc khẳng định các yêu sách phi lý đối với Biển Đông. Vụ việc bạo lực tiếp theo xảy ra ở Biển Đông có nhiều khả năng liên quan đến “dân quân biển” Trung Quốc hơn là Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hoặc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc, vì các phương tiện thiếu cơ chế liên lạc và giảm leo thang căng thẳng như những lực lượng tương quan của quốc gia khác. Cách duy nhất để các nước trong khu vực tránh một cuộc khủng hoảng, châm ngòi bởi các tàu bán quân sự trên là thừa nhận bằng chứng về số lượng và hoạt động của “dân quân biển” Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho hành vi xấu của họ.
Linh La (theo Foreign Policy)