Dân quận 4, Bình Chánh sẽ sớm nhận được tiền đền bù từ dự án chống ngập

31/05/2019 - 08:33

PNO - Sau nhiều cuộc họp, nhà thầu thi công dự án là Công ty Trung Nam BT 1547 hứa sẽ chuyển tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân quận 4, huyện Nhà Bè, Bình Chánh...

Dan quan 4, Binh Chanh se som nhan duoc tien den bu tu du an chong ngap
Cống ngăn triều trên kênh Bến Nghé, thuộc dự án chống ngập do Công ty Trung Nam thi công

Trong hai tuần kể từ ngày 14/5, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tổ chức các chuyến đi thực nghiệm, kiểm tra, giám sát dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” do Công ty Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư. Kết quả, việc thi công dự án này đang bị chậm tiến độ. 

Đại diện Công ty Trung Nam 1547 khẳng định đã hoàn tất khoảng 80% khối lượng. Nêu lý do tiến độ chậm, công ty này chỉ rõ, vướng mắc lớn nhất chính là do các quận huyện không chịu bàn giao mặt bằng.

“Nếu tới đây, các quận huyện không bàn giao mặt bằng cho Công ty Trung Nam thì công ty không đảm bảo được tiến độ dự án” - đại diện công ty này nói. 

Thế nhưng, mới đây, trong cuộc làm việc giữa Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, Công ty Trung Nam 1547 cùng một số quận, huyện, lãnh đạo các quận huyện này cho rằng, vướng mắc dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng là do cho đến giờ, vẫn chưa nhận được tiền từ công ty này “rót” xuống để các quận huyện thực hiện việc giải tỏa, đền bù mặt bằng cho dân. 

Đơn cử, quận 4 hiện còn có hai tổ chức và một cá nhân đã đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng do tiền từ Công ty Trung Nam chưa chuyển xuống nên quận chưa giải quyết được việc bồi thường.

Tương tự, huyện Nhà Bè có đến 139 hộ dân và 11 tổ chức nằm trong diện giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho dự án, huyện đã vận động thành công từ năm ngoái. Sau đó, do có sự điều chỉnh ranh dẫn đến 22 hộ phải điều chỉnh đền bù, người dân cũng đang rất mong chờ nhận được tiền bồi thường di dời.

Trong khi đó, UBND huyện Bình Chánh đã hoàn thành xong việc vận động, chỉ còn chờ tiền chi trả cho dân để dân giao mặt bằng. Hiện huyện này còn 13 hộ dân với tổng kinh phí bồi thường khoảng 22 tỷ đồng nhưng Công ty Trung Nam chưa chịu chuyển kinh phí để chi cho dân. 

Khi bà Nguyễn Thị Lệ chất vấn lãnh đạo Công ty Trung Nam vì sao chưa chuyển tiền cho các quận huyện, công ty đang có những khó khăn gì về tài chính thì đại diện công ty này cho biết: “Tiền luôn có sẵn để giải ngân, nhưng hiện nay, một số mặt bằng vẫn chưa thể chi tiền để các hộ dân di dời theo thủ tục. Trước đây, UBND TP.HCM có đồng ý cơ chế tạm ứng 70%, công ty có kiến nghị là đối với công tác vận động, không có tiền đi kèm thì khó”. 

Nghe đại diện Công ty Trung Nam 1547 trình bày, ông Trần Vĩnh Tuyến cắt ngang: “Đừng nói chuyện hôm qua mất thời gian, nói chuyện hôm nay đi! Các hộ đều đang chờ tiền để đi thì sao không triển khai, giải quyết?”.

Đại diện Công ty Trung Nam 1547 cam kết tại cuộc họp, ngay trong sáng 29/5 - tức ngày diễn ra cuộc họp này - công ty đã mang tiền ra ngân hàng chuyển cho Q.4, dự kiến chậm nhất vào ngày 3/6, quận 4 sẽ có tiền.

Tương tự, đối với huyện Bình Chánh, đại diện Công ty Trung Nam 1547 cũng cam kết trong hai ngày 3 hoặc 4/6, huyện này sẽ nhận được tiền.

UBND các quận huyện cho biết, ngay khi có tiền, việc giải tỏa, đền bù cho dân sẽ được thực hiện rốt ráo, nếu hộ nào không chấp hành, sẽ tính đến giải pháp cưỡng chế để đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Công ty Trung Nam BT 1547 chậm nhất ngày 30/6.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Trung Nam BT 1547 làm nứt hàng trăm nhà dân nên đại diện các quận huyện đề nghị công ty này thông qua bảo hiểm, sớm giải quyết dứt điểm.

Người đứng đầu cơ quan dân cử của thành phố thẳng thắn lưu ý: “Có cuộc họp hôm nay là để nghe các vị đang gặp khó khăn gì, ở đâu để mà cùng tháo gỡ chứ không phải để phản biện rồi không gặp nhau, dẫn đến không giải quyết được vấn đề”.

Cả bà Lệ và ông Tuyến khuyến cáo các quận, huyện và sở, ban, ngành cần có sự phối hợp sâu sát, chặt chẽ hơn để giải quyết vấn đề giải tỏa, đền bù cho dân chứ không “đổ qua đổ lại”, nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án. 

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI