Dân quá khổ với dự án 'treo', lãnh đạo vẫn loay hoay tìm giải pháp

26/08/2019 - 14:49

PNO - Có trường hợp trẻ sinh ra khi dự án vừa được quy hoạch, nay "trẻ" có vợ con, vẫn phải sống cùng cha mẹ trong căn nhà chật chội do không được tách thửa, không được cải tạo, mở rộng nhà.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn TP.Đà Nẵng chỉ hoàn thành 21/208 dự án, đạt 10,1%, với 1.544/9.746 hồ sơ cần giải tỏa trong năm 2019, đạt 15,8%.

Tại TP.Đà Nẵng, có nhiều dự án “treo” hàng chục năm nhưng đến nay, vẫn chưa biết bao giờ mới triển khai. Hệ lụy mà người dân gánh chịu từ dự án “treo” là rất lớn, trong khi chính quyền liên tục họp và hô khẩu hiệu “quyết tâm”.

Treo hơn 20 năm

Thôn Đông Hòa, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang nằm trong quy hoạch “treo” gần 20 năm nay. Nhiều năm qua, người dân trong thôn kiến nghị lên chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, yêu cầu trả lời câu hỏi “có giải tỏa thôn Đông Hòa hay không”, nhưng không nhận được câu trả lời dứt khoát. Đến nay, khi người dân tiếp tục kiến nghị, họ nhận được câu trả lời là “chờ phân kỳ giải tỏa”.

Bà Đậu Thị Huệ - Bí thư chi bộ thôn Đông Hòa - cho biết, việc quy hoạch “treo” thôn Đông Hòa gây bao khốn khổ cho dân, nhất là nạn ngập úng vào mùa mưa, nhà cửa, đường sá không nâng cấp được, trẻ em đến trường rất nguy hiểm vì trong thôn còn có hai trường học đang hoạt động.

Theo bà Huệ, sau khi quy hoạch, cách đây hơn chục năm, khi được đưa vào quy hoạch tổng thể thì phần diện tích đất nông nghiệp của người dân trong thôn đã bị thu hồi, nay phần diện tích này đã thành nền nhà, phân lô hết cả, trong khi cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp rất vất vả.

Năm 2018, huyện đưa thôn Đông Hòa vào quy hoạch để nâng cấp đường chính thôn, sau đó đơn vị thi công cũng đã đi kiểm tra, đo đạc để làm nhưng liền đó, cấp trên có công văn về, cho rằng thôn Đông Hòa nằm trong dự án nên không triển khai làm đường.

"Cử tri thôn Đông Hòa mỗi lần có tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, HĐND H.Hòa Vang, đều hỏi về số phận thôn Đông Hòa, nhưng không có vị nào trả lời cho thỏa đáng câu hỏi của hơn 3.000 người dân trong thôn” - bà Huệ nói.

Dự án Làng đại học thuộc P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn bị “treo” hơn 20 năm là ví dụ điển hình của trì trệ trong quy hoạch, xây dựng, khiến gần 1.000 hộ dính vào vòng khốn khổ.

Có trường hợp, đứa trẻ sinh ra khi dự án vừa được quy hoạch, nay người này có vợ, con, nhưng do không được tách thửa, không được cải tạo, mở rộng không gian nhà, đành ngộp thở sống cùng cha mẹ trong căn nhà cũ, chật chội.

Dan qua kho voi du an 'treo', lanh dao van loay hoay tim giai phap
Hộ bà Huỳnh Thị Tề (đan lưới) gồm 3 người sống tạm trong căn phòng chưa đến 15m2, rách nát, chật chội

Ông Nguyễn Công Thịnh (tổ 61, P.Hòa Quý) than: “Dự án “treo” qua 20 năm là từng ấy năm chúng tôi sống trong thấp thỏm, lo âu, bí bức. Nhà cửa xập xệ, đường sá xuống cấp cũng không thể nâng cấp, cải tạo được. Con cái lấy chồng, lấy vợ, sinh con đẻ cái, giờ không biết sống nơi đâu”.

Dự án Khu tái định cư (TĐC) cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà được công bố quy hoạch và kiểm định lần đầu từ năm 1999, đến năm 2012, kiểm định lần hai (có bổ sung) cho các hộ thuộc diện giải tỏa. 

Đến nay, tròn 20 năm, người dân nơi đây vẫn thấp thỏm và ngửa cổ than trời vì chẳng biết bao giờ hết khổ. 

“Mặt tiền hướng ra sông Hàn này là đất kim cương, nhưng chúng tôi đang sống trên khu đất kim cương đó mà khổ suốt bao năm trời. Mấy năm trước, có ông già đau ốm, người nhà sửa lại gian chái để lo hậu sự cũng như nơi thờ tự khi ông về trời, rứa là chính quyền phường xuống làm ùm xèng lên, phải tới khi lãnh đạo quận đứng ra bảo lãnh thì mới cải tạo được. Thật ngán ngẩm” - ông H.V.T., từng là tổ trưởng tổ dân phố ở đây, ngao ngán.

Chưa hết, nối vào danh sách “siêu treo” này, còn có dự án kênh Khe Cạn Q.Thanh Khê,  dự án Khu đô thị và nhà ga Liên Chiểu,  dự án tổ 13 và 14, P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, dự án 84 Hùng Vương, Q.Hải Châu và nhiều dự án ở xã Hòa Liên, xã Hòa Nhơn của H.Hòa Vang…

Đổi đất bằng tiền, không dễ

Theo báo cáo chuyên đề về giải tỏa - đền bù năm 2019 của UBND TP.Đà Nẵng, tính đến hết tháng 6/2019, toàn thành phố mới hoàn thành 21/208 dự án (đạt 10,1%) với 1.544/9.746 hồ sơ, đạt 15,8%.

Dự án nhóm I/2018 là nhóm các dự án, công trình trước đây đã cam kết hoàn thành việc đền bù, giải tỏa năm 2018, nhưng đến năm 2019 vẫn chưa hoàn thành. 

Dự án nhóm I/2019 là nhóm các dự án, công trình thuộc danh mục trọng điểm, động lực hoặc các dự án hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa năm 2019. 

Dự án nhóm II/2019 là nhóm các dự án, công trình triển khai phân kỳ đền bù theo tiến độ thi công trong năm 2019 và 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã giải quyết bố trí TĐC cho 601 hộ, với tổng số 857 lô đất TĐC. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng đã bàn giao cho các quận, huyện 3.977 lô; tính đến ngày 30/6/2019, các quận, huyện đã bố trí 1.017 lô, còn lại 2.960 lô chưa bố trí. 

Cụ thể, nhóm I/2018 gồm 57 dự án, đến nay mới hoàn thành 17/57 dự án (đạt 29,8%) với 235/783 hồ sơ (đạt 30,0%); nhóm I/2019 gồm 90 dự án, đến nay mới hoàn thành 4/90 dự án (đạt 4,4%) với 1107/7.665 hồ sơ (đạt 14,4%); các dự án nhóm II/2019 gồm 61 dự án. 

Đáng chú ý, hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng đang quản lý 12.354 lô trong quỹ đất TĐC chưa bố trí, nâng tổng số lô đất còn lại chưa bố trí là 15.314 lô. 

Trong khi đó, các quận, huyện còn nợ 359 lô đất TĐC đối với các hộ đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân nợ đất TĐC của dân trong khi quỹ đất thừa nhiều là do quỹ đất TĐC còn thừa tập trung chủ yếu ở mặt cắt đường lớn và lô đất có vị trí mặt tiền. Các lô đất có mặt cắt đường 7,5m trở xuống đang thiếu cục bộ tại một số dự án. 

Dan qua kho voi du an 'treo', lanh dao van loay hoay tim giai phap
Con dâu cả bà Mến mưu sinh bằng nghề bán bánh tráng quạt bánh trước hiên nhà với lỉnh kỉnh đồ đạc, xe cộ chật chội. Chị sinh con đầu lòng từ 20 năm trước, khi dự án quy hoạch, nay con sắp lấy chồng mà dự án vẫn còn treo

Phần lớn các hộ nợ đất tập trung tại các dự án mới triển khai và do các hộ dân có nhu cầu bố trí tại chỗ hoặc gần khu vực giải tỏa nên sau khi giải tỏa, mới thi công hạ tầng kỹ thuật; để kịp thời triển khai dự án, UBND TP.Đà Nẵng đã có chủ trương bố trí TĐC trên sơ đồ.

Tại hội nghị chuyên đề công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn TP.Đà Nẵng do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức cuối tháng Bảy vừa qua, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nêu giải pháp, quy ra giá trị bằng tiền để người dân có thêm sự chọn lựa, thay vì làm như cách hiện nay là “đất đổi đất” dẫn đến bất hợp lý, thiếu công bằng trong bồi thường. 

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại một số dự án ở Q.Sơn Trà, giải pháp kể trên xem ra khó khả thi. Ví dụ như, dự án Khu dân cư kho thiết bị phụ tùng An Đồn giai đoạn 2, các hộ dân được đền bù theo giá đất ở chưa đến 10 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường đất ở khu vực này hiện khoảng 100-110 triệu đồng/m2

Dự án vệt 200m cầu sông Hàn ra biển có đơn giá đền bù đất 2,8 triệu đồng/m2 (vị trí số 1 Lý Thánh Tông) trong khi giá đất thị trường là 70-80 triệu đồng/m2. Người dân mong muốn có đất TĐC chứ không muốn nhận tiền thay thế, chưa kể theo quy định, giá trị hỗ trợ đền bù, giải tỏa không được vượt mức giá trị đền bù.

Một người dân ở đường Lý Thánh Tông cho rằng, Nhà nước nên bớt “khôn” đi, nên nghĩ đến thiệt thòi của dân và đừng chơi theo kiểu như trước đây, “hào phóng” với doanh nghiệp bất động sản, đền bù ba cọc ba đồng cho dân, để doanh nghiệp bán lại với giá trên trời, ấm túi. Nếu như không đổi đất đủ diện tích tương ứng cho dân thì đừng mơ chuyện giải tỏa. 

Trong khi đó, một số  cán bộ ở các quận, huyện liên quan đến công tác giải tỏa - đền bù đều than trời, vì theo họ, công tác gỡ quy hoạch treo, giải tỏa - đền bù bây giờ “đứng bánh” hết, nó như là “húc đầu vào đá” nếu như chính sách nhà nước không đáp ứng được nguyện vọng của dân. 

Lê Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI