Kính gởi chị Hạnh Dung,
Chúng em cưới nhau được hơn 1 năm thôi nhưng thường xuyên cãi nhau. Chồng em rất hiếu thảo nên nghe lời mẹ răm rắp, và rất hay kể chuyện nhỏ to cho mẹ nghe. Mẹ chồng em là người độc tài, trong gia đình, mẹ luôn muốn mọi người nghe và làm theo ý mẹ bất kể đúng sai, nên từ ngày có em, bà luôn tò mò cuộc sống của vợ chồng em, chỉ để xen vào có ý kiến.
Em hiểu rằng chồng nghe lời mẹ thì cũng không sai nhưng có những điều nhỏ nhặt anh cũng phải hỏi ý mẹ làm em rất bực mình. Chẳng hạn hôm nọ, em nhắn tin rủ anh chiều nay thứ 6, mình hẹn ăn ngoài rồi xem phim nha. Anh ok. Vậy mà khoảng 1 tiếng sau mẹ chồng gọi cho em bảo 2 đứa về nhà ăn cơm chứ sao lại đi ăn ngoài! Làm em cũng cứng họng không biết trả lời sao!
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Rồi như trong sinh hoạt hàng ngày, đôi lúc ở phòng riêng, em vừa nói với anh chuyện gì đó, thì y như rằng nửa tiếng sau mẹ chồng em cũng biết. Em vừa rủ anh đi siêu thị này, vì em thấy mới mở hấp dẫn, anh xuống lấy xe thì mẹ chồng theo ra bảo “sao lại phải đi sang siêu thị đó làm gì, nghe nói giá mắc lắm, cứ đi cái a,bc, là dc rồi!!!”.
Dường như anh bị thói quen báo cáo, kể lể với mẹ nên bất kỳ chuyện gì bà cũng biết. Chuyện tăng lương, giảm lương, vợ lương bao nhiêu, để dành được bao nhiêu… bà đều biết. Riết rồi em chán nản, phải giấu bớt chuyện vì sợ anh mang kể cho mẹ nghe.
Gần đây bà bắt đầu xen vào những chuyện lớn hơn như việc có kinh, thụ thai của em, chuyện em cho ba mẹ em bao nhiêu tiền, em đóng bảo hiểm… làm cho hai vợ chồng mâu thuẫn cãi nhau.
Lần nào anh cũng hứa sẽ không nói với mẹ nữa nhưng y như rằng, vài bữa anh lại quên. Chỉ mới một năm thôi nhưng người đàn ông ở cạnh em như đã biến thành một thằng em trai trong trí não em vậy. Nếu cứ thế này, chắc em chán chồng mất thôi chị ơi! Hãy giúp em!
Em Ngọc Nga
Bạn thân mến,
Hạnh Dung thấy như vầy nè bạn: thông thường, phụ nữ hay khuyên nhau rằng người đàn ông nào rất yêu mẹ thì sẽ là người chồng tốt. Và họ nhằm vào đó để chọn cho mình người đàn ông. Thế nhưng cưới về rồi thì có người mãn nguyện, hài lòng, có người thì thất vọng, bực bội, khổ sở.
Vì sao vậy. Bởi vì yêu thương và nghe lời mẹ có thể là biểu hiện của cả hai con người. Hoặc là người đàn ông có tình cảm, hiếu thảo, sống có trách nhiệm, hoặc là người đàn ông hoàn toàn chưa trưởng thành, chưa độc lập, chưa có khả năng trở thành người chủ gia đình. Vậy thì, bạn có xác định được chồng mình thuộc tuýp nào trong hai tuýp trên hay chưa?
Xác định cho được chồng mình thuộc tuýp nào là điều hết sức quan trọng, bởi nó định được thái độ, cách xử sự của bạn để cải thiện tình trạng gia đình. Những ví dụ bạn đưa ra, thật lòng Hạnh Dung thấy chưa có gì là quá nghiêm trọng. Có thể đó mới chỉ là thói quen chia sẻ của hai người rất gần gũi, quan tâm và yêu thương nhau. Chuyện mẹ chồng tò mò và can thiệp vào đời sống gia đình của con trai cũng không có gì là quá đáng ngạc nhiên.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Những người mẹ thường hết sức thương yêu con trai của mình và lo lắng rằng nàng dâu không chu toàn chăm sóc như chính bản thân mình. Vì thế, bạn nên cân nhắc cho kỹ xem sự can thiệp nào hay chia sẻ nào của chồng có thể chấp nhận được, để có thể thông cảm và bỏ qua.
Chuyện nào là không thể chấp nhận được để trò chuyện với chồng. Dù trong trường hợp nào đi nữa, Hạnh Dung cũng khuyên bạn không nên gây sức ép với chồng theo kiểu bắt anh phải làm theo điều này hay điều kia. Đến lúc nào đó, chồng bạn sẽ cảm thấy mình có đến 2 bà mẹ thì mọi việc còn tồi tệ hơn.
Hơn nữa khi bạn làm cho chồng cảm thấy mình ở vào thế phải chọn lựa giữa mẹ và vợ thì chưa chắc phần thắng đã nghiêng về bạn. Mà nếu có nghiêng về bạn thì cuối cùng cuộc sống của bạn và chồng cũng chưa chắc hạnh phúc nếu chồng bạn cảm thấy mình có lỗi.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là thể hiện cho chồng biết rằng mình bị tổn thương, mình cảm thấy rằng mình không được coi trọng và bàn bạc với chồng về những nguyên tắc sống trong đó có cả những việc mà cả hai vợ chồng để cho ba mẹ hai bên biết hay không nên biết.
Khi đã bàn bạc và thảo luận rồi thì chồng nhất định phải tôn trong và tuân theo những điều đó. Hãy giúp chồng trưởng thành và cảm nhận được vai trò, trách nhiệm của mình với cả vợ và gia đình nhỏ của mình là hai vợ chồng. Điều này cần nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và khôn ngoan của người vợ.
Nếu trường hợp chồng bạn dứt khoát không chịu trưởng thành, không quan tâm đến cảm xúc của bạn thì chắc rằng vai trò của bạn trong đời sống của chồng bạn rất mờ nhạt. Vậy thì có gì để tiếc nuối một người chồng không có khả năng làm đàn ông, làm trụ cột gia đình?
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:
hanhdungonline@baophunu.org.vn