Đàn ông xây tổ ấm

28/06/2020 - 13:10

PNO - Chợ búa xa xưa vốn dĩ là không gian gần như độc quyền của đàn bà. Thời nay, đàn ông đi chợ thoăn thoắt hơn cả chị em tập thể dục nhịp điệu.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là một thỏa thuận tuy ngấm ngầm bất thành văn, nhưng rất được đồng thuận trong đời sống xã hội Việt Nam từ xưa đến nay. Theo các chuyên gia hòa giải tổ dân phố, bản thân sự phân chia trách nhiệm và công việc ấy đã góp phần duy trì hạnh phúc gia đình của rất đông cặp phu thê già lẫn vợ chồng son. 

Đàn bà mặc nhiên tháo vát mọi thứ “lặt vặt” từ cơm nước, chợ búa, lau dọn nhà cửa, cho đến những việc chưa kịp biết nằm trong danh mục nào như nhổ tóc sâu cho chồng, mua rượu khi bạn chồng đến nhậu, kiểm tra tài khoản chồng khi lương về... Đàn ông thì khác, phải làm những việc “đại sự” vĩ mô, không lương đống xã tắc thì ít nhất cũng biết chỉ huy tốp thợ xây móng dựng nhà, còn đụng nồi niêu bát đũa thì bị coi là hậu đậu, vụng về cần miễn trừ ràng buộc. Có nới có thắt song nhìn chung, quy tắc việc ai người nấy làm, “nước sông không phạm nước giếng” được coi là sáng suốt vui tươi để vợ chồng hòa thuận. 

Thời thế đôi khi éo le thay đổi ở những chi tiết rất nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, mẫu hình đàn ông chân chính hôm nay chỉ cần tính từ lúc anh ta rời cơ quan làm việc trở về nhà. Đoạn đường ngắn dài, tắc xe hay mưa ngập không cần biết, chỉ cần biết anh ta có ghé vào siêu thị mua đồ ăn, tạt qua trường đón con, lại vòng vèo đến tiệm cắt tóc gội đầu đón hiền thê hay không.

Nhiều quý anh tay xách nách mang rau củ quả, ba-lô bụng trước con gái nhõng nhẽo đung đưa, còn ba-lô lưng sau thì ục ịch bao gạo mà mồm vẫn mím chặt bông hồng vào ngày sinh nhật vợ. Chưa hết, về nhà chẳng kịp lau mồ hôi đã vội sà ngay vào góc bếp, làm chân sai vặt từ pha nước chấm đến bưng nồi cơm. Những hình ảnh lung linh cảm động mà chị em thường tự hào trưng lên Facebook bao giờ cũng có nhân vật trung tâm là anh chồng đang đeo tạp dề rửa bát. Khoe chồng thăng quan tiến chức thì bị người đời ghen ăn tức ở, nhưng khoe chồng giỏi nấu ăn thì được cả thiên hạ tung hô cảm phục. 

Trong khi đó, mười cô gái tham gia chương trình hẹn hò thì chín cô mong muốn bạn trai lý tưởng phải biết chia sẻ việc nhà, một cô còn lại nêu quyết tâm cải thiện nhận thức của ông xã tương lai bằng quan niệm nam nữ bình quyền. Tiêu chuẩn ông chồng quốc dân, vì thế, cũng thường được cộng thêm hình ảnh ô-sin đời mới thay cho tính cách yêu màu tím, thích thủy chung cực kỳ phổ biến trước đây.

Quả là sự thay đổi vị thế xã hội của nữ giới ở Việt Nam tích cực đến mức cánh đàn ông bảo thủ nhất cũng phải tìm cách thích ứng dần. Chợ búa xa xưa vốn dĩ là không gian gần như độc quyền của đàn bà. Thời nay, đàn ông đi chợ thoăn thoắt hơn cả chị em tập thể dục nhịp điệu. Xáo trộn và tranh cãi, chấp thuận và từ chối, các cảm xúc trái ngược ấy đã song hành với kiểu đàn ông cảm thấy bị “hạ thấp giá trị” khi nhận lệnh vợ ra chợ mua quả trứng, củ hành. 

Trong văn chương nghệ thuật cuối thập niên 1980, những nhân vật nữ có khả năng làm mất mặt nam giới, tự đặt mình vào thế khiêu khích cảm quan cũ kỹ, nghiêm trang xuất hiện ngày một nhiều. Những ca từ đầy chất trào lộng trong nhạc của Trần Tiến như “Ơi cô gái thôn tương Bần có còn mặc áo tứ thân/ Ôi cô gái thôn tương Bần có còn chơi điệu trống quân/ Đêm trăng sáng đi Tây về quê nhà em chơi điệu lam ba da lam ba da” hay hình ảnh những “chân dài” trong dòng phim video mì ăn liền đều mang lại nhiều thiện cảm vì sự tươi mới, trẻ trung. Còn phim truyền hình ăn khách hôm nay bao giờ cũng phải kịch tính ở hình ảnh bà vợ chỉ tay năm ngón còn đức lang quân thì ấp a ấp úng hối lỗi vì trót đi vệ sinh quên dội nước. Phim ảnh mua vui nhưng chuyện gia đình trong đời thực thì bi hài ngàn trang tiểu thuyết. 

Đàn ông biết thay đổi khi cùng vợ xây tổ ấm, sâu xa, là biết giữ gìn phẩm chất “phái mạnh” của mình. Ngược lại, cánh chị em chúng tôi tuy thi thoảng ca thán, mặt nặng mày nhẹ nhưng cũng đủ tinh tế để hiểu rằng, muốn rèn chồng gọi dạ bảo vâng thì trước tiên bản thân mình cần công dung ngôn hạnh ở mức chấp nhận được. Không có tinh thần “đôi bạn cùng tiến” thì khó mà cơm lành canh ngọt dài lâu. Thành thử, vẫn theo chuyên gia hòa giải, nếu rơi vào tình thế chồng chan vợ húp món râu tôm nấu với ruột bầu, thì ông chồng nên tươi cười cho bà vợ chụp ảnh rồi cùng nhau viết một câu châm ngôn để đời: khó khăn là phù du/phu thê là tất cả. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI