Chắc chắn có rất nhiều người đàn ông cũng đang mang trên vai áp lực nhà cửa như tôi. Mong muốn có một căn nhà nhỏ để an cư lạc nghiệp là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng rõ ràng, sống ở Sài Gòn đất chật người đông, xăng dầu tăng giá, đến bó rau còn đắt đỏ thì chuyện mua nhà quả thực là điều không đơn giản.
Năm 2016, tôi lấy vợ. Khi ấy tôi đã để dành được gần trăm triệu trong tay. Nhưng tiền cưới vợ, sắm sửa cũng làm vơi ngót nửa. Chúng tôi không còn trẻ, vợ tôi bằng tuổi nên cô ấy cũng không thể chờ quá lâu. Quyết định tổ chức đám cưới tuy tốn mất một số tiền nhưng bù lại, tôi có người san sẻ, chung lưng đấu cật làm ăn.
|
Tôi bị áp lực rất nhiều vì mong muốn có một mái ấm nhỏ - Ảnh minh họa |
Tôi làm nhân viên bảo trì cho một công ty kỹ thuật, lương tháng khoảng 10 triệu. Vợ tôi làm kế toán, lương cũng khoảng hơn 7 triệu một chút. Hai vợ chồng thuê một phòng trọ nhỏ giá 3 triệu, còn lại là tiền ăn uống, sinh hoạt và gửi tiết kiệm.
Ban đầu, chúng tôi còn dành dụm được kha khá. Nhưng rồi có rất nhiều chuyện phát sinh. Khi thì bố mẹ ốm, lúc đám tiệc, ma chay, cưới hỏi… Nhưng tất cả những chi phí phát sinh đó cũng chưa thể bằng lúc vợ chồng tôi có con. Dự tính sinh con sau 2 - 3 năm kết hôn đã bị vỡ kế hoạch. Vợ tôi mang bầu chỉ sau 7 tháng về ở chung, dù đã dùng biện pháp kế hoạch nhưng vẫn dính.
Vợ tôi bầu bì, những ngày nóng nực, em thở mệt nhọc làm tôi xót vô cùng. Có hôm nóng quá, hai vợ chồng rủ nhau đi siêu thị, đi nhà sách để tránh nóng. Tôi bắt đầu quan tâm hơn đến những căn chung cư giá rẻ, những căn hộ cho mua trả góp. Nhưng tính đi tính lại, số tiền để dành vẫn ít ỏi vô cùng, tôi lại cố gắng chờ thêm một thời gian nữa.
|
Tính toán đủ thứ, nhưng tôi vẫn chưa đủ tiền mua nhà - Ảnh minh họa |
Cuối năm 2017 con ra đời. Ông bà nội ngoại đều ở xa nên không ai phụ giúp được, vợ tôi đành xin nghỉ ở nhà trông con. Em cũng nhận thêm vài việc về làm tại nhà, khi thì đính nút cườm váy cưới cho người ta, khi thì tách vỏ lụa hạt điều, khi thì làm mi giả, làm tranh chữ thập… nhưng thu nhập chỉ cho vui. Mọi nguồn thu trong gia đình đều trông chờ vào tôi. Mức lương 10 triệu thì hết hơn 3 triệu cho tiền phòng trọ, số còn lại tôi phải tính toán lắm mới đủ cho cả 3 người, hoàn toàn không có tiền dư để tiết kiệm.
Một lần con ốm nặng vì bị xoắn ruột, tôi đưa vào bệnh viện Nhi Đồng cấp cứu, số tiền trong tài khoản lại vơi đi. Lần khác, con bị đau mắt nặng, phải mổ, lại thêm một số tiền lớn phải chi ra. Cứ thế, tiền tiết kiệm thêm không có nhưng lại vơi giảm, trong khi giá nhà đất thì tiếp tục tăng. Có những đêm nằm vắt tay lên trán mà thằng đàn ông như tôi muốn ứa nước mắt. Vợ con ở trong cảnh chật chội, nóng nực cũng chẳng dám than thở.
Tôi muốn tìm mọi cách để mua một miếng đất, vay mượn thêm để tự cất một căn nhà nho nhỏ cũng được, nhưng đất ở Sài Gòn ngày càng đắt. Ở những quận xa như Bình Tân, Hóc Môn có miếng đất nào coi được thì hoặc là giấy tờ tay, hoặc chiêm trũng, ngập nước. Tôi đang nhắm đến việc mua trả góp một căn chung cư, nhưng lại sợ không cáng đáng nổi tiền vay ngân hàng. Mỗi tháng dư khoảng 5 triệu liệu có thể mua trả góp được không?
|
Không biết đến bao giờ tôi mới có thể lo cho vợ con một chỗ ở tốt - Ảnh minh họa |
Mới hôm trước, chủ nhà trọ thông báo tiền phòng trọ sẽ tăng. Tôi càng nghĩ càng buồn. Ban ngày làm chính, buổi tối về chạy Grab thêm, rồi nhận cả việc giao hàng vậy mà vẫn chật vật ở căn nhà trọ nhỏ. Ở đó, nhiều đêm con đang ngủ bỗng khóc vì tiếng nhậu nhẹt đêm khuya của đám thanh niên trẻ. Ngược lại, có hôm chúng tôi bị hàng xóm đập cửa trách vì con sốt, cứ khóc ngặt nghẽo cả đêm, làm ồn đến họ.
Mỗi lần đi làm về, nhìn cảnh vợ con như thế, tôi càng buồn, càng áp lực, càng mơ ước một mái nhà nhỏ nhưng quá xa vời.
T.Trọng (TP.HCM)
Có đến 42% nam giới cho biết áp lực lớn nhất của họ là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Dĩ nhiên, để là trụ cột cần phải đáp ứng được nhiều tiêu chí, từ khỏe mạnh đến có một công việc tốt, thu nhập cao, phẩm chất, bản lĩnh của người đàn ông thực sự...
Áp lực, trách nhiệm khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vốn được xem như đặc quyền của phái yếu, còn phái mạnh phải luôn mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Báo Phụ nữ TP.HCM mở diễn đàn "Áp lực đàn ông, phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất bên trong các quý ông, để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông, sẻ chia hơn với người đàn ông mang gánh lo toan đang ở cạnh mình.
Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gửi về email: tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|