Đàn ông xa xứ

22/11/2017 - 14:00

PNO - Chúng ta lên tiếng rất nhiều về bình đẳng giới. Chúng ta bênh vực phụ nữ, nhưng có được bao nhiêu lần chúng ta lên tiếng cho những người đàn ông xa xứ này? Đâu phải đàn ông nào cũng ngày ngày công sở, tối tối quán nhậu!

Chồng tôi thường đi công tác xa. Đợt xây nhà, tôi phải xin nghỉ việc ở cơ quan về trông coi công trình, tất nhiên theo chỉ đạo từ xa của chồng.

Những ngày đào móng, đặt những viên gạch đầu tiên vào đúng tháng Sáu, trời nắng như đổ lửa. Những người thợ oằn mình uốn thép, vác từng thùng hồ nặng, bắn đá, làm đà, lưng đầm đìa mồ hôi. Những lúc nghỉ giải lao, tranh thủ trò chuyện, biết họ từ Nghệ An, Thanh Hóa, miền Tây đến Sài Gòn mưu sinh. Địa chỉ đầu tiên họ hỏi tôi là dịch vụ chuyển tiền cho vợ con mỗi cuối tuần.

Dan ong xa xu
Ảnh: Internet

Mâm cơm sơ sài của họ đặt trên mảnh ván dính đầy vữa bê-tông, hôm có nồi mắm cá linh, cá sặc chấm rau sống; hôm thì chỉ mấy miếng đậu phụ chấm nước mắm; hôm khác là vài con cá biển chiên trắng ởn. Họ không biết chế biến thức ăn. Khái niệm “nghệ thuật ẩm thực” hoàn toàn xa lạ với họ, miễn sao có cái ăn cùng cơm cho dễ nuốt, no bụng thì thôi. Rau cỏ, bát đĩa đều rửa trong chiếc xe rùa. Giấc ngủ trưa của họ đu đưa trên những chiếc võng cột vào mấy cây tràm - nắng nồng hơn qua lớp bạt mỏng. Ban đêm, nếu có mưa thì mặc áo mưa để ngủ.

Nếu chứng kiến tận mắt điều kiện sống của họ, tôi tin ta sẽ thấy từ “tạm bợ” cũng không nặng nề gì. Tôi tự hỏi, những người vợ, có phải ai cũng biết thương cái “tạm bợ” ấy không hay là vẫn so sánh mình với  những người đàn bà “vàng đeo đỏ tay”, chỉ ngồi chơi bài tứ sắc.

Chúng ta lên tiếng rất nhiều về bình đẳng giới. Chúng ta bênh vực phụ nữ, nhưng có được bao nhiêu lần chúng ta lên tiếng cho những người đàn ông xa xứ này? Đâu phải đàn ông nào cũng ngày ngày công sở, tối tối quán nhậu!

Đàn ông thợ thuyền, tối tối cũng nhậu, nhưng nhậu với mớ xoài ổi mua rẻ ở cửa hàng với lít rượu trắng mười mấy ngàn đồng. Họ phải uống rượu cho dễ ngủ, để dìm cái khao khát đàn ông đang trỗi dậy trên chiếc võng tuềnh toàng. Họ phải uống rượu thì mới “ngoan” được, mới không có lỗi với vợ con, mới chắt chiu được chút tiền gửi về quê cho đứa con lớn đóng học phí, đứa con nhỏ có thêm thùng sữa.

Dan ong xa xu
Ảnh minh họa

Họ thương vợ con bằng cách hút ké điếu thuốc của anh bạn thợ không khá giả, bằng những cái áo xin được ở tiệm vật liệu xây dựng. Những ngày cuối tuần, điện thoại của họ đổ chuông liên hồi. Họ nói: “Cũng tủi thân chớ. Ngày thường làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vợ con không gọi điện hỏi thăm được một câu. Cuối tuần chưa thấy gửi tiền về thì gọi điện liên hồi”.

Có ông chú, trước mỗi ca làm đều lấy vỉ thuốc giảm đau bóc một viên bỏ vào miệng nuốt. Thấy tôi nhìn, vẻ ái ngại, chú nói: “Không có thuốc nhức mình không làm nổi con ơi. Ốm đau vậy mà vợ con ở nhà còn ghen bóng ghen gió”.

Có anh thợ xây trẻ, tranh thủ cuối tuần chạy xe máy mấy trăm cây số về thăm vợ con, chỉ lận lưng mấy chục ngàn đồng đổ xăng, phòng khi mệt quá ngủ gục bên đường thì cũng “không có gì để mất”. Hỏi có mệt không, anh cười, bảo: “Về ăn cơm với vợ sướng hơn ăn cơm với vua”.

Vậy mới biết, đôi khi muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì sự đòi hỏi có chừng mực của người đàn bà là điều vô cùng cần thiết. Đó cũng là biểu hiện của thương yêu. 

Hoàng Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI