“Nhanh ghê, anh em nhỉ”. Câu cảm thán ấy thoảng qua như một tiếng thở dài không giấu nổi, mang theo bao tâm sự dồn nén. Đám bạn học cũ, những người đàn ông đã qua tuổi 40, lâu lắm mới có dịp gặp nhau. Họ ngồi quanh bàn nhậu, khuôn mặt mỗi người hiện rõ dấu ấn thời gian, mái tóc điểm sợi bạc, vài vết nhăn hằn sâu, ánh mắt đôi phần mệt mỏi nhưng chất chứa nhiều câu chuyện muốn kể.
Cả đám cứ vài năm mới có dịp tụ họp. Có người ở quê lên thành phố, có người tranh thủ giữa công việc ngập đầu để dành ra một buổi tối họp mặt. Nhấp ngụm bia, một gã ngồi ngả lưng, thở ra: “Mới đó mà đã chục năm rồi. Thoáng cái cả lũ đều có con cái lớn tướng, vậy mà chính mình vẫn ngơ ngác, chưa kịp làm gì cho riêng mình”.
Không khí trở nên trầm hẳn. Những câu chuyện dần chuyển từ những tiếng cười vui vẻ sang những tâm sự sâu kín hơn. “Mấy năm nay bận quá, anh em ạ” - một người lên tiếng - “Quanh đi quẩn lại chỉ lo cơm áo gạo tiền, chạy vạy lo cho con cái học hành, rồi còn chăm sóc cha mẹ già yếu. Lắm lúc ngồi nghĩ, thời gian dành cho mình chẳng còn lại là bao”.
Hội anh em gật gù đồng tình, bởi đó cũng chính là câu chuyện của họ. Người thành đạt trong công việc thì cũng vắt kiệt sức để gìn giữ vị trí, người chật vật lo kinh tế lại càng không dám ngơi nghỉ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Một người khác, từng là lớp trưởng nhiệt huyết ngày xưa, nay đã là tiến sĩ, giữ chức trưởng phòng ở một trường đại học, cũng rầu rĩ thừa nhận: “Chức cao thì lo toan càng lớn, sướng chẳng thấy đâu, chỉ thấy tối ngày cắm mặt vào công việc. Hơn chục năm rồi, chưa từng nghỉ một chuyến du lịch cho riêng mình, toàn đi công tác kết hợp tranh thủ cho gia đình. Bạn bè cũ muốn gặp cũng chỉ dám lướt Facebook, đôi khi chỉ thấy ảnh mà không dám nhắn tin hỏi han, vì mình đã quá lâu rồi không có mặt, ngại quá”.
Cả nhóm cười đùa một chút để không khí đỡ nặng nề, nhưng thật ra ai cũng hiểu câu chuyện của nhau. Đều là những người đàn ông gánh trên vai trách nhiệm gia đình, cuộc sống của họ chẳng còn dễ dàng mà sống cho riêng mình. Những mốc thời gian quen thuộc, từ những ngày lễ, tết về quê, dịp nghỉ hè của con cái, đến những lần bệnh tật của cha mẹ già dần biến thành một vòng lặp đều đặn, không có điểm dừng, ngày càng tăng thêm áp lực. Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ, có người thầm trách: “Bao nhiêu dự định, hoài bão ngày trước, giờ trở thành những lời hứa hẹn trễ nải”.
Người bạn từng mơ ước đi du lịch khắp các tỉnh miền núi, nay trầm ngâm nói: “Hồi đó nghĩ mình sẽ còn nhiều thời gian lắm, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Nhưng rồi có con, nghĩ thôi tạm hoãn một chút, chờ con lớn chút. Nhưng mà giờ nó học hết cấp I, cấp II, học chính khóa, học phụ đạo… toàn phải chờ đợi kế hoạch cho con, chẳng biết khi nào mới tới mình”.
Người khác tiếp lời: “Nhà tao cũng vậy, con vào trung học thì phải nghĩ tới việc chuẩn bị cho nó vô đại học, rồi ra trường thì lo công ăn việc làm. Tới khi buông được con ra chắc mình cũng già khọm rồi, làm gì còn sức mà chơi”.
Trong ánh mắt từng người, một chút ngơ ngác hiện rõ, cứ như không ai ngờ thời gian đã trôi nhanh đến vậy. Cả đám nhấp từng ngụm bia, ánh mắt đăm chiêu nhìn về xa xăm.
Đứa nổi tiếng lý trí nhất lớp, cũng vẫn như xưa, mạnh miệng kết thúc bầu không khí trầm buồn: “Thôi thì phải sống vì con cái, vì gia đình, chứ có ai sống mãi cho riêng mình được đâu”. Lời nói ấy chạm đúng vào nỗi lòng chung của cả bọn.
Tất cả đều biết, mình đang sống không phải chỉ cho riêng mình nữa. Thời gian của họ giờ đây dành cho những người thân yêu, cho những điều lớn lao hơn bản thân. Nhưng sâu thẳm bên trong, vẫn có một khoảng trống, một góc nhỏ ấp ủ nhiều ước mơ dang dở. Một chuyến đi xa, một công việc yêu thích hay đơn giản là một buổi chiều ngồi thảnh thơi đọc cuốn sách đã mua từ lâu mà chưa giở đến trang nào.
Đôi khi, trong những giây phút như thế này, khi đã nói hết tâm sự của mình, họ chợt nhận ra rằng tất cả đều có cùng một mẫu số chung: bận rộn, lo toan và ngỡ ngàng trước sự tàn nhẫn của thời gian. Những ước mơ đã bị bỏ lại, những dự định đã trôi qua. Nhưng đồng thời, họ cũng thấy rằng mình không đơn độc. Tất cả đều có trách nhiệm và gánh nặng trên vai, nhưng cũng đều chia sẻ những niềm vui nho nhỏ khi nhìn con cái trưởng thành, gia đình hạnh phúc. Họ hiểu rằng mình đang sống cho những điều lớn lao và đôi khi phải hy sinh để có được sự bình yên đó.
Có lẽ, một lúc nào đó trong tương lai, khi con cái đã trưởng thành, khi trách nhiệm đã bớt nặng nề hơn, họ sẽ lại có cơ hội làm điều mình muốn. Những ước mơ đó không hẳn đã lụi tàn, chỉ là tạm gác lại, để một ngày nào đó, họ lại có thể sống cho riêng mình. Nhưng hiện tại, những người đàn ông ấy vẫn sẽ tiếp tục bước đi, sẽ tiếp tục chấp nhận vòng lặp của trách nhiệm.
Những gã trai vô tư ngày nào bỗng đùng một hôm thấy mình ngồi đây, đi qua bên kia sườn dốc cuộc đời với trăm điều dang dở. Tất cả đều cười, một nụ cười pha chút tiếc nuối. Những người đàn ông tuổi 40 ấy lại nâng ly, gửi nhau cái nhìn hiểu ý, rồi cùng nhau nhấp ngụm bia, lặng lẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình, cố làm hết những nghĩa vụ với cuộc đời để mong chờ một ngày được sống với những ước mơ xưa.
Hải Triều