Đàn ông trên phim truyền hình đã bớt… “khó ưa”

13/10/2021 - 06:58

PNO - Sau một thời gian khiến khán giả ngán ngẩm vì các nhân vật nam trong phim truyền hình luôn đi kèm với nhiều thói hư tật xấu, gần đây, hình tượng của họ đã được cải thiện, chiếm được thiện cảm của người xem. Nhờ vậy mô-típ phim cũng bớt nhàm chán hơn.

Những “ông bố quốc dân”

Ở bộ phim Hương vị tình thân, trong khi ba nhân vật người mẹ là bà Sa, bà Xuân, bà Bích và hai người phụ nữ như Thy, Diệp thường gây bức xúc với tính tình, lối suy nghĩ, hành xử của mình, thì ngược lại các nhân vật nam, nhất là ba ông bố (ông Tuấn, ông Sinh, ông Khang) lại chiếm thiện cảm tuyệt đối. Cả ba đều là những người chồng, người cha gương mẫu, tuyệt đối yêu thương gia đình. Thậm chí nhân vật ông Khang còn được ca ngợi là “ông bố quốc dân” vì rất tình cảm, biết điều. Hai người trẻ trong phim là Long và Huy cũng khiến người xem nức lòng vì rất yêu kính bà và cha mẹ, luôn ân cần, chiều chuộng, và là chỗ dựa cho vợ mỗi khi gặp khó khăn.

Hình tượng những người đàn ông trong phim hiện nay đã đáng yêu hơn
Hình tượng những người đàn ông trong phim hiện nay đã đáng yêu hơn

Một hình ảnh “ông bố quốc dân” nữa trên màn ảnh là ông Phát trong Ngày mai bình yên. Là một ông bố cực kỳ nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái nhưng ông Phát cũng là người hiểu chuyện, cư xử điềm tĩnh, thuyết phục. Chẳng hạn khi bị con gái giận vì ngăn cản tình yêu của cô, ông khuyên nhủ thấu tình đạt lý: “Một người đàn ông dễ dàng từ bỏ tình yêu, thì đó không phải là người đáng để tin tưởng. Nếu chuyện tình cảm của hai đứa dễ phá như thế, thì con phải nên xem lại nó đi. Một thằng đàn ông chỉ vì một lời nói của bố người yêu mà sẵn sàng chia tay con, thì đấy là một thằng đàn ông không xứng đáng”.

Trong phim 11 tháng 5 ngày, người xem cảm động với những gì ông Vinh - ông bố gà trống nuôi con - làm cho con gái Tuệ Nhi. Ông dịu dàng chăm sóc khi con sốt, khi Nhi giận dỗi bỏ nhà ra đi, ngoài mặt tỏ vẻ phớt lờ, nhưng hằng đêm ông đều lặng lẽ đến khu nhà trọ quan sát con sống ra sao. Khi cô mở quán bán online, ông âm thầm mua hàng ủng hộ với số lượng lớn. 

Hai nhân vật nam khác trong phim là Hải Đăng và Long “đần” cũng được khắc họa dễ thương không kém, khi là những chàng trai chân thành, tốt bụng, sống tình cảm. Ngoài ra, còn có thể kể đến những hình tượng nhân vật nam đáng yêu khác như Hoàng (Hướng dương ngược nắng), hai anh em Đồng, Núi (Mùa hoa tìm lại), Phong (Cây táo nở hoa), hai anh em họ Phan và Duy (Hãy nói lời yêu).

Tác động tích cực đến tâm lý người xem

Trước đây, chân dung những người đàn ông trên phim truyền hình Việt thường được miêu tả không mấy thiện cảm. Nếu là người chồng, người cha thì được xây dựng theo hướng những kẻ gia trưởng, cư xử nói năng nóng nảy với vợ con. Những doanh nhân, ông chủ thành đạt thì khô khan, lạnh lùng. Những chàng trai lắm tiền nhiều của thường lăng nhăng. Thanh niên nghèo hay mặc cảm, tự ti. 

Ông Phát phim
Ông Phát - một trong những "ông bố quốc dân" trong phim Ngày mai bình yên

Có thời gian, cứ mở ti vi là khán giả lại thấy tràn ngập những người đàn ông khó ưa, không trăng hoa, đào mỏ, thì cũng bạo lực, ghen tuông, nhu nhược… Phim truyền hình đi theo trào lưu khai thác đề tài gia đình, nhiều biên kịch phim lại có xu hướng “bênh” phụ nữ, nói xấu đàn ông. Việc tìm ra một chân dung nhân vật, hình tượng người đàn ông trên màn ảnh nhỏ khiến người xem yêu quý, ngưỡng mộ, tâm đắc khá khó, dường như chỉ có mỗi nhân vật ông Sơn (Về nhà đi con) là chiếm nhiều thiện cảm. 

Nói về điều này, biên kịch Lại Phương Thảo lý giải: “Mỗi phim có một tiêu chí, mục đích riêng, một thông điệp muốn truyền tải khác nhau. Hệ thống nhân vật trong phim chính là những người sẽ thay mặt người làm phim nói ra những thông điệp ấy tới khán giả. Mỗi nhân vật trong những bộ phim khác nhau mang những nhiệm vụ rất riêng, nên cũng không thể so sánh từ phim này sang phim khác. Ngày mai bình yên11 tháng 5 ngày là những bộ phim tôi muốn truyền tải năng lượng tích cực tới khán giả. Bởi vậy, những nhân vật như ông Phát, ông Vinh sẽ có nguồn năng lượng ấm áp, giàu tình cảm và đậm chất nhân văn, nhưng cũng rất đời thường. Họ đơn giản là những ông bố mà ta vẫn gặp đâu đó trong cuộc sống hằng ngày”.

Dù vậy, có thể thấy những phim Việt gần đây rõ ràng đã có chuyển biến đồng loạt về cách khắc họa đàn ông, khi không còn đóng khung họ trong hình ảnh quá nam tính, lạnh lùng nữa, mà thiên về hướng tình cảm hơn. Hiếm thấy một vị giám đốc nào chấp nhận nằm đất để được ở cạnh chăm sóc giấc ngủ cho mẹ, cũng không có người đàn ông nào ôm mẹ khóc nức nở vì thương như ông Khang. Cũng ít có vị giám đốc nào vừa bận rộn việc công ty lại chu toàn quán xuyến gia đình chứ không bỏ mặc cho vợ như ông Phát. Ngay cả nhân vật phản diện, Chiến chó (phim Hương vị tình thân) cũng chiếm nhiều cảm tình, vì rất có hiếu với cha già, dù luôn bị cha la mắng.

Sự hiếu thảo và thái độ nghiêm túc trong chuyện tình cảm là hai nét nổi bật ở các nhân vật nam trên màn ảnh nhỏ hiện nay. Đây cũng là hai yếu tố được nữ giới - đối tượng chính của phim truyền hình - xem trọng trong đời sống. Sự thay đổi trong tư duy xây dựng, nhìn nhận nhân vật sang khía cạnh này giúp nhân vật trở nên gần gũi và chạm tới cảm xúc hơn. 

Trailer phim Hương vị tình thân: 

 

 

Có được điều này, một phần cũng nhờ các phim hiện nay làm theo kiểu vừa quay vừa dựng, ê-kíp sáng tạo có thời gian lắng nghe ý kiến phản hồi của công chúng để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Thông qua hình ảnh mới mẻ về các nhân vật nam, những nhà làm phim cũng phần nào xóa đi tư duy cũ rằng, “chuẩn” đàn ông được đánh giá qua quyền lực, tiền bạc chứ không qua con người thật. 

Không thể phủ nhận phim ảnh cũng ảnh hưởng đến người xem. Việc xây dựng hình tượng đàn ông trong phim ngày càng đáng yêu hơn, không chỉ giúp bớt đi cái nhìn định kiến về nam giới, mà còn có thể khiến cánh mày râu phấn đấu cải thiện hình ảnh bản thân, trở nên giống những hình mẫu người đàn ông tốt tính. Đây có lẽ là ý nghĩa tích cực nhất mà thay đổi này mang lại. 

Nguyễn Ngọc

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI