Đàn ông tranh luận

04/07/2020 - 16:30

PNO - Tranh luận thì không hẳn là độc quyền của đàn ông. Nhưng xét trong sử sách xưa nay, những màn tranh luận nảy lửa và kịch tính nhất vẫn thường thuộc về cánh mày râu.

Truyền thống triết học phương Tây thời cổ đại còn ghi nhận việc tranh luận là sở trường đặc biệt của các quý ông triết gia đầu tóc rối bù nhưng trí tuệ thì mẫn tiệp kinh hoàng. Rất nhiều tình thầy trò, sư phụ và môn đệ trong triết học đều long lanh bền chặt, nảy sinh từ những màn tranh luận, đối thoại liên miên, xoay quanh hàng loạt chủ đề mà phần lớn nhân loại đều nhăn mặt khó hiểu. Có cảm tưởng rằng, nếu các triết gia không được tranh luận, thì e chừng trái đất sẽ trở nên uể oải mà quay theo nhịp thời gian nhàn nhạt, lưng chừng đến vô vị. 

Đàn ông tranh luận đôi khi không cần nhiều lời. Mỗi lời, theo kinh nghiệm của các bậc thuyết khách, các mưu sĩ, quân sư chuyên can gián quân vương, thì có sức nặng ngàn cân, đã thốt ra không tài nào thu được. Bậc quân tử cũng phải là kẻ giữ ngôn chính, tuyệt đối không điêu ngoa, hàm hồ, nói xằng nói bậy.

Khác cánh chị em đôi khi mồm năm miệng mười, các bậc trượng phu không cho phép mình mồm loa mép giải, bất nhất nay đúng mai sai. Với một số vị thức giả tu hành, tranh luận còn để tu tâm tĩnh trí, không phải để định đoạt hơn thua mà chủ yếu để giác ngộ, thấu lẽ trời cao đất dày.

Người đời vẫn nhắc đến cuộc tranh luận “siêu kinh điển” giữa Lục tổ Huệ Năng (638-713) với các sư tăng chùa Pháp Tính, khi nhìn thấy ngọn gió làm lay động lá phướn. Một thầy thì bảo “gió động”, một thầy lại khăng khăng “phướn động”, chẳng ai chịu nhường ai, cãi mãi không xong. Huệ Năng liền khẽ khàng nói rằng, không phải gió động, cũng không phải phướn động, mà chỉ có cái tâm của chư vị là “động”. Nôm na theo giải thích của các cư sĩ tại gia thời nay, “tâm động” ở đây là ham muốn, dục vọng coi mình như chân lý, cái nhìn bị bó hẹp mà cứ tưởng bản thân đã nắm hết các lẽ phải giản đơn của đời sống. 

Nhưng đàn ông Việt không phải ai cũng được như Huệ Năng - luôn giữ tâm không động. Hễ sa vào tranh luận là họ hăng tiết bàn cãi cho ra nhẽ. Chẳng biết tự bao giờ, ngoài mạng xã hội là nơi bốn mùa khẩu chiến của các bách khoa toàn thư biết tuốt, thì các chương trình truyền hình, gameshow ở Việt Nam cũng cố tình đua đòi xây dựng cái gọi là “thảo luận”, “tranh luận” theo kiểu vừa nghiêm túc vừa giải trí mua vui.

Lại vẫn là những quý ông biết tuốt, giỏi uốn éo lý sự, thường ra dáng thâm trầm sâu sắc sau những màn bông đùa hời hợt. Lại vẫn diễn vai phản biện, quan điểm riêng, ý kiến khác, và liên tục phụ họa bằng những cái nhíu mày, mắm môi, thở dài, lắc đầu, bẻ cổ tay, lim dim mắt... Cánh chị em chúng tôi quen lui cui nơi góc bếp, trình độ chuyên môn cũng chỉ mức phổ thông đủ đọc báo nghe đài, nên thực tình không tài nào “nuốt trôi” chừng ấy điệu bộ lẫn cao đàm khoát luận của các anh.

Thời thế nào rồi mà các anh cứ tưởng lên ti vi là đắt giá đến mức biến mình thành con rối cho chiêu trò truyền thông giật dây một cách thảm hại. Không chỉ thảm hại về mặt văn hóa tranh luận, mà còn gây rùng mình vì sự tầm thường hóa của các vai diễn trí thức trong xã hội. 

Tranh luận đương nhiên rất khác cãi vã và càng không phải là dùng mớ ngôn ngữ chợ búa để lấp đầy đầu óc rỗng tuếch. Tranh luận cũng không có chỗ cho thái độ khoe khoang hợm hĩnh, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, hoặc ra vẻ vĩ nhân tỉnh lẻ biết hết mọi thứ trên đời.

Nhiều quý ông, nhất là quý ông tiến sĩ, thường tự hóa thân thành trí thức công chúng ở khắp mọi nơi, và tự tin tham gia mọi diễn đàn. Họ cũng sẵn sàng nêu ý kiến trước bất kỳ lĩnh vực nào. Trên mạng xã hội, họ là chuyên gia của các chuyên ngành. Trên ti vi, họ rất giống Thần Tú, đối thủ của Huệ Năng, thường xuyên hiếu thắng, và thắng hiển hách nhất là cãi bằng được với phụ nữ.

Nhiều nhà báo chẳng biết phấn khích hay cố tình hùa theo như kiểu ném đá giấu tay, bằng loạt ngôn từ tưởng chỉ thuộc về dân làng Vũ Đại bình luận Chí Phèo: “cãi tay đôi”, “vỗ mặt”, “đốp chát”... Oái oăm thay, ngày này tháng khác, vẫn có khá đông dân làng Vũ Đại lảng vảng đâu đó trên mạng xã hội, hoặc nhấp nhổm trước màn hình điện thoại, ti vi để hóng chờ, thích thú với các màn tranh cãi.  

Dù thế nào, cảnh tượng đàn ông móm mém tranh cãi, mà lại tranh cãi hăng say về hạnh phúc của phụ nữ với một phụ nữ xuân sắc, thì quả thực, sự bi hài đã đạt đến ngưỡng xưa nay chưa từng thấy. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI